Đại dịch trỗi dậy ở Đức vì 'hai loại virus'
Đức từng là hình mẫu về các nỗ lực đối phó với Covid-19 ở châu Âu. Dù vậy, thái độ từ chối tiêm chủng của không ít người dân giờ đây đang góp phần khiến số ca mắc mới tăng cao.
Bệnh viện Đại học Giessen - một trong những cơ sở y tế hàng đầu tại Đức về phổi - đang hoạt động hết công suất. Số bệnh nhân Covid-19 tăng gấp ba lần trong những tuần gần đây, gần một nửa trong số đó buộc phải dùng tới máy thở. Tất cả người bệnh tại đây đều chưa được tiêm chủng.
Bà Susanne Herold, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, cho biết hôm 11/11: “Họ là những người không tin tưởng vào vaccine, không tin tưởng vào chính quyền và truyền thông đại chúng khó tiếp cận được".
Đối tượng chưa tiêm chủng là một trong những lý do quan trọng thúc đẩy đợt lây nhiễm Covid-19 thứ tư tại Đức. Với hàng chục nghìn trường hợp mắc mới mỗi ngày, Đức đang ghi nhận những con số thống kê cao nhất kể từ đầu đại dịch, theo New York Times.
Cú ngoặt bất ngờ
Đối với Đức, thực tế nói trên dường như là một cú ngoặt đầy bất ngờ.
Từ khi Covid-19 khởi phát, Đức nổi lên như là một hình mẫu về phương pháp đối phó với đại dịch cũng như khả năng kiểm soát số ca tử vong ở mức thấp.
Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Angela Merkel - một nhà khoa học được đào tạo bài bản, Đức nêu gương cho các quốc gia khác khi tiến hành những biện pháp xét nghiệm diện rộng, điều trị ca dương tính, mở rộng số giường điều trị tích cực (ICU).
Các biện pháp giãn cách xã hội của chính phủ cũng được người dân tuân thủ nghiêm túc.
Tuy nhiên, sự kết hợp của nhiều yếu tố ở thời điểm hiện tại, trong đó có đặc điểm thời tiết mùa đông, việc chậm triển khai các loại vaccine tăng cường kết hợp với xu hướng gia tăng số ca bệnh ở những quốc gia Đông Âu lân cận, đã kéo theo đợt tăng đột biến tại Đức.
Dù vậy, các chuyên gia y tế đồng ý rằng chính đối tượng chưa được tiêm chủng là lý do chủ yếu thúc đẩy làn sóng lây nhiễm nói trên. “Đó là do tỷ lệ tiêm chủng thấp. Đức đã không làm những gì lẽ ra cần phải làm”, bà Herold nói.
Nhóm nghiên cứu của bà Herold từng cảnh báo Đức cần tiêm chủng cho 85% dân số để ngăn chặn khủng hoảng trong hệ thống y tế khi đối mặt với biến chủng Delta.
“Chúng tôi vẫn ở mức dưới 70%. Không biết làm thế nào để Đức có thể chiến thắng cuộc đua, nhất là trong thời điểm này”, bà Herold nói.
Thái độ "chống vaccine"
Dữ liệu cho thấy tỷ lệ tiêm chủng của Đức cao hơn nhiều so với một số quốc gia Trung và Đông Âu - khu vực đang ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 tăng vọt. Ở Romania - nơi cứ 10 người thì chỉ có 4 người được tiêm hai liều vaccine Covid-19, số trường hợp tử vong đã đạt mức kỷ lục.
Dù vậy, khi so sánh với Tây Âu và một số khu vực khác, tỷ lệ tiêm chủng của Đức đang thuộc nhóm thấp nhất với mức 1/3 dân số chưa được chủng ngừa đầy đủ.
Ở Bỉ, Đan Mạch và Italy, 3/4 người dân đã được tiêm hai liều vaccine Covid-19. Sang đến Tây Ban Nha và Iceland, chỉ có khoảng 20% người dân chưa được tiêm liều thứ hai, trong khi tỷ lệ tiêm chủng của Bồ Đào Nha đạt gần 90%.
Tỷ lệ tiêm thấp của Đức dường như đến từ tâm lý chống vaccine, xuất hiện trong một số địa phương lãnh đạo bởi các đảng đối lập.
Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho biết: “Những gì chúng ta đang trải qua thực ra là đại dịch của những người chưa được tiêm chủng”.
Số ca nhiễm đã tăng đột biến ở Bavaria và Baden-Wurttemberg - hai bang miền Nam nổi bật với phong trào phản đối các biện pháp chống dịch của nhà chức trách.
Ông Markus Soder, Thống đốc bang Bavaria, cho biết tồn tại "hai loại virus ở nước Đức", đó là SARS-CoV-2 và "loại chất độc" đến từ những thông tin sai lệch về vaccine đang được lan truyền.
Klaus-Peter Hanke, thị trưởng của Pirna ở bang Sachsen, cho biết: “Mức độ sẵn sàng tiêm chủng ở đây rất thấp. Chúng tôi đã cố gắng giải quyết bằng đối thoại nhưng không có tiến triển".
Thị trấn với chưa đầy 40.000 người này từng đối mặt với làn sóng phản đối vaccine của người dân vào những ngày cuối cùng trong đợt phong tỏa vào thời điểm mùa xuân.
Đối với Sachsen, bang này đã trở thành địa phương có tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất và số ca nhiễm mới tính theo đầu người cao nhất tại Đức.
Thách thức lớn
Hiện tại, chính trường Đức đang trong một trạng thái "lấp lửng". Sau cuộc bầu cử hồi tháng 9, quá trình chuyển tiếp chính phủ tại Đức đang diễn ra, bộ máy mới vẫn chưa thể sớm ổn định trong thời điểm số ca nhiễm theo ngày đã vượt quá 50.000, cao nhất kể từ đầu đại dịch.
Thủ tướng Merkel giờ đây chỉ là người đứng đầu chính phủ tạm thời, trong khi nhân vật kế nhiệm tiềm năng là ông Olaf Scholz đang bị cuốn vào các cuộc đàm phán thành lập liên minh với hai đảng khác.
Trong khi đó, ở Pirna, khu vực điều trị Covid-19 của bệnh viện sắp hết giường. “9 trên 10” bệnh nhân đều chưa được tiêm chủng, ông Hanke nói.
Một số nhà hàng trong thị trấn vẫn phục vụ “tất cả” khách hàng, thay vì chỉ những đối tượng đã tiêm hoặc phục hồi sau khi mắc bệnh theo quy định của tiểu bang.
Pirna đang duy trì 10 đội kiểm soát, mỗi đội có một cảnh sát, một nhân viên y tế và một thành viên từ cơ quan trật tự công cộng. Nhóm này sẽ kiểm tra các nhà hàng, quán bar để phạt những người vi phạm với mức khoảng 572 USD cho chủ quán và 171-194 USD cho khách hàng.
Một số bang khác của Đức cũng thực hiện các quy định tương tự, với yêu cầu nghiêm ngặt hơn về khẩu trang, chứng nhận tiêm chủng bắt buộc khi đến các địa điểm, thay vì chỉ cần xét nghiệm âm tính như trước đây.
Bà Sandra Ciesek, chuyên gia tại Bệnh viện Đại học Frankfurt, cho biết chừng đó có thể chưa đủ. Theo bà, nhà chức trách cần thúc đẩy tiêm chủng liều tăng cường và thậm chí có thể phong tỏa cả nước trong thời gian ngắn để giải quyết tình hình.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dai-dich-troi-day-o-duc-vi-hai-loai-virus-post1276913.html