Đại dịch và văn hóa ứng xử của quan chức
Ngày 27-12-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Quyết định số 1847/QĐ-TTg phê duyệt đề án văn hóa công vụ.
Đề án này hướng tới mục tiêu “nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội”.
Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng giao cho các bộ, ban ngành trong nhiệm vụ và quyền hạn của mình ban hành các quy định, các chuẩn mực để lực lượng cán bộ, công chức thực thi.
Tuy nhiên, dù đã được rèn giũa nhiều nhưng thỉnh thoảng đây đó vẫn còn quan chức ứng xử thiếu chuẩn mực.
Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn xảy ra trên bình diện quốc tế. Không chỉ xảy ra trong quá khứ trước đây mà ngay trong thời điểm hiện tại, ngay trong lúc cả nước đang gồng mình chống dịch.
Trong lúc nước sôi lửa bỏng này, chúng ta mới nhìn thấy hết bản lĩnh của các nhà lãnh đạo, hình ảnh quan chức tự cho mình được phép ngoại lệ xuất hiện.
“Với một trái tim nặng trĩu, tôi từ chức giám đốc Sở Y tế Scotland” - bà Calderwood đã nói vài ngày trước đây.
Trên vai trò là nhà lãnh đạo ngành y tế, bà Calderwood xác nhận, đồng thời gửi lời xin lỗi vì hành động vô trách nhiệm của bản thân. Do tình hình lan tràn dịch COVID-19 rất nhanh và khó kiểm soát, biện pháp khả thi nhất là giãn cách xã hội. Bà Calderwood đã lên tiếng kêu gọi công chúng tuân thủ quy định người dân nên ở trong nhà để đảm bảo giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, tờ báo The Scottish Sun lại ghi được những hình ảnh bà đến căn nhà của mình ở bờ biển trong dịp cuối tuần để nghỉ dưỡng. Hành động này được coi là vi phạm các khuyến cáo mà chính bà là người ký ban hành. Bà đã phải từ chức.
Ở khía cạnh khác, ông phó chủ tịch HĐND huyện Hớn Quản (Bình Phước) được mời vào để đo thân nhiệt khi đi qua chốt kiểm dịch. Thay vì tuân thủ các quy định, ông đã đập bàn và lớn tiếng rằng vì sao chỉ kiểm tra ông mà không kiểm tra người khác.
Thay vì làm gương thì ông lại vô tình lộ ra hình ảnh xấu của một “quan cách mạng”. Trong khi những người lãnh đạo cấp cao nhất phải quên cả ngủ để họp tìm phương án chống dịch xuyên đêm thì ở ông lại là đem đến một hình ảnh không đẹp.
Rõ ràng lực lượng kiểm dịch không đủ lực lượng để kiểm tra hết được thân nhiệt của từng người trong từng xe nhưng việc ông không tuân thủ quy định là một hành động khó có thể biện minh. Ông đã nhận khuyết điểm và gửi lời xin lỗi mọi người. Hiện nay ông đã bị tạm đình chỉ công tác.
Cả hai trường hợp ở hai đất nước khác nhau đều cho thấy một thực tế chung là dù ở đâu, dù thời nào cũng có thể có những trường hợp tự cho mình ngoại lệ trước pháp luật.
Cho dù là thiểu số nhưng những ngoại lệ này cần phải được chấn chỉnh để xây dựng một nhà nước thượng tôn pháp luật.
Hơn lúc nào hết, văn hóa ứng xử của chúng ta, đặc biệt là văn hóa ứng xử của các vị lãnh đạo cũng góp phần quyết định thành công hay thất bại của chiến dịch chống COVID-19 này.
Dù bạn là bất kỳ ai, cũng rất cần gạt sang một bên cái tôi cá nhân để xây dựng một cộng đồng vững mạnh, nêu cao ý thức và tinh thần tuân thủ tuyệt đối quy định phòng, chống dịch, để đưa Việt Nam đến chiến thắng đại dịch này.