Đại diện Bộ GD-ĐT: Các nhà sản xuất bộ đồ dùng học tập cần có trách nhiệm xã hội, giảm giá thành sản phẩm

Thời gian qua, dư luận xã hội dành nhiều sự quan tâm đến giá thành sách giáo khoa cho chương trình mới. Bên cạnh đó, học sinh tiểu học vẫn phải mua thêm các bộ đồ dùng học tập thực hành toán, tiếng Việt hay bộ kỹ thuật dùng ở cho lớp 4, lớp 5 với chi phí tương đương sách giáo khoa. Vì thế phụ huynh cũng mong muốn sớm có những giải pháp từ các nhà sản xuất để giảm giá bán.

Hiện nay, ở các lớp khối tiểu học đã áp dụng chương trình sách giáo khoa mới thì hầu hết các trường đều yêu cầu học sinh phải có đủ bộ đồ dùng học tập. Mỗi bộ đồ dùng này có giá từ 145.000-240.000 đồng, chưa kể chi phí 1 bộ SGK là 179.000 – 199.000 đồng.

Cô giáo TRƯƠNG THỊ TRANG, Trường Tiểu học Thực nghiệm Victory, Hà Nội: "Đối với chương trình của Bộ GD thì bộ thực hành Toán và TV rất là cần thiết đối với các con vì các con sẽ khắc ghi kiến thức hơn, được thực hành, trải nghiệm qua các tiết học thì sẽ ghi nhớ tốt hơn".

Với áp lực về chi phí mỗi đầu năm học, các chuyên gia cho rằng, phụ huynh không cần chạy theo xu hướng mua sắm những bộ thiết bị quá đắt, mà nên đảm bảo tính thiết thực, an toàn vệ sinh, phù hợp với khả năng kinh tế của từng gia đình.

Cô giáo NGUYỄN THỊ VÂN HỒNG, Trường Tiểu học Tây Sơn, Hà Nội: "Trên thị trường hiện có rất nhiều bộ với giá thành rất khác nhau tùy thuộc vào chất liệu, tuy nhiên bộ nào thì học sinh cũng có thể sử dụng được trong các tiết học và các cô đều có thể dạy được vậy nên phụ huynh căn cứ vào điều kiện gia đình để lựa chọn cho phù hợp"

Ông MAI VĂN TRINH, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ GD-ĐT: "Các nhà sản xuất cung ứng thiết bị dạy học phải có tầm nhìn, trách nhiệm có tính đặc thù khác với sản xuất hàng tiêu dùng khác. Sản phẩm có ý nghĩa thiết thực, đảm bảo vệ sinh, an toàn và có các giải pháp để hạ giá thành sản phẩm, giảm áp lực cho phụ huynh, học sinh."

Việc đơn giản hóa đồ dùng học tập và giảm giá thành thế nào thì rất cần một tổng thể các giải pháp từ các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp cung ứng thiết bị dạy học…

Ông NGŨ DUY ANH, Chủ tịch Hiệp hội Thiết bị giáo dục Việt Nam: "Hiệp hội Thiết bị giáo dục Việt Nam chúng tôi có chỉ đạo hoặc thuyết phục các hội viên là các đơn vị sản xuất thiết bị giáo dục quan tâm đến nhà trường hơn, hạ giá thành sản phẩm, có giá thành tốt nhất cho nhà trường, phụ huynh học sinh".

Để giảm gánh nặng về chi phí đầu năm học, cũng cần tổ chức rà soát để lược giảm những nội dung không thật sự cần thiết quy định tại Thông tư 37/2021 của Bộ GD&ĐT. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng chỉ đạo đưa các thiết bị dạy học tối thiểu vào diện công khai giá, kê khai giá để phụ huynh lựa chọn sản phẩm có chất lượng nhưng vẫn có giá phù hợp.

Thực hiện : Phan Hằng Thế Anh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/dai-dien-bo-gd-dt-cac-nha-san-xuat-bo-do-dung-hoc-tap-can-co-trach-nhiem-xa-hoi-giam-gia-thanh-san-pham