Ký ức khó quên

(Báo Quảng Ngãi)- Mới đó mà đã 35 năm trôi qua kể từ ngày tỉnh Quảng Ngãi được tái lập. Những cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang từ tỉnh Nghĩa Bình cũ trở về công tác tại Quảng Ngãi giờ đã nghỉ hưu. Nhưng ký ức về những ngày đầu gian khó trong hành trình xây dựng tỉnh nhà vẫn in đậm trong tâm trí họ.

Những ngày cuối tháng 6, chúng tôi tìm gặp Đại tá Huỳnh Minh Giữ - nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi, người từng công tác ở tỉnh Nghĩa Bình cũ. Đại tá Huỳnh Minh Giữ kể, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tháng 11/1975, Trung ương quyết định hợp nhất 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định thành tỉnh Nghĩa Bình. “Trước hôm lên đường vào Quy Nhơn (Bình Định), tôi nói với vợ rằng anh đi rồi, em một mình chăm lo cho hai con. Đồng lương của lính không nhiều, cuộc sống còn thiếu thốn nên em và con sẽ gặp nhiều khó khăn. Vợ tôi bảo, mình cứ yên tâm đi vào Quy Nhơn công tác theo chỉ đạo của cấp trên, việc ở nhà em gánh vác được”, Đại tá Huỳnh Minh Giữ nhớ lại.

Năm 1976, cũng như nhiều cán bộ ở Quảng Ngãi, ông Huỳnh Minh Giữ khăn gói vào Quy Nhơn làm việc. Đất nước thời hậu chiến còn nhiều khó khăn. Đã vậy, nước ta còn phải thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường K, trong hoàn cảnh bị nước ngoài cấm vận, nên cuộc sống lại càng khó khăn hơn. “Đến năm 1989, khi nghe tin Quốc hội thông qua việc chia tách hàng loạt tỉnh, trong đó có tỉnh Nghĩa Bình, không chỉ riêng mình tôi mà hầu như tất cả cán bộ, chiến sĩ quê Quảng Ngãi đều vui mừng và chờ đợi”, Đại tá Huỳnh Minh Giữ nhớ lại.

“Sau khi tái lập tỉnh Quảng Ngãi, tôi giữ chức Tham mưu phó Bộ CHQS tỉnh. Vui vì được trở về lại quê hương, nhưng sau niềm vui là công việc bộn bề. Trước tiên là ổn định về cơ sở vật chất và sau đó là triển khai ngay nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Tôi đã tham gia ý kiến với các đồng chí lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh về việc tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng lực lượng vũ trang địa phương từ tỉnh đến cấp xã. Củng cố lại các ban CHQS huyện, thị xã, xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Tham mưu thành lập Công ty 491 thuộc Bộ CHQS tỉnh để làm kinh tế”, Đại tá Huỳnh Minh Giữ kể.

Đến năm 1994, ông Huỳnh Minh Giữ được cấp trên bổ nhiệm giữ chức Chỉ huy phó Bộ CHQS tỉnh và đến năm 1998, được bổ nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh. Ông cùng Bộ CHQS tỉnh và tập thể cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quảng Ngãi tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân của tỉnh ngày càng vững mạnh, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Năm 2008, Đại tá Huỳnh Minh Giữ đã nghỉ hưu về sum vầy cùng với gia đình.

Năm 1976, khi vừa tròn 23 tuổi, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết - nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, đại biểu Quốc hội khóa XI, cùng với chồng rời Quảng Ngãi để vào Quy Nhơn làm việc. Đến năm 1989, khi tái lập tỉnh, bà Tuyết được trở về quê hương với niềm vui vỡ òa. “Khi nghe tin tái lập tỉnh, ai cũng mừng. Vì được trở về gần gũi quê hương hơn. Sự kiện ấy có ý nghĩa với nhiều người lắm”, bà Tuyết xúc động chia sẻ.

Nhớ lại quãng thời gian đầu tái lập tỉnh, bà Tuyết bảo, dù có nhiều khó khăn nhưng ai cũng đồng lòng, góp sức để xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển. Địa bàn tỉnh rộng, cơ sở vật chất thiếu thốn, phương tiện đi lại chỉ là chiếc xe đạp thô sơ. Thế nhưng, chị em cán bộ hội không quản ngại vất vả, miệt mài bám cơ sở. Cùng với tuyên truyền, vận động, phát hiện các mô hình hay, cán bộ hội còn phải nắm rõ địa bàn, kịp thời có giải pháp khắc phục khó khăn cho hội viên, phụ nữ. Trong bất kỳ hoạt động nào của hội, công tác phối hợp và huy động mọi nguồn lực tham gia đều được chú trọng. Từ đó, tạo sức mạnh tổng hợp, giúp phụ nữ trong tỉnh vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là giai đoạn sau khi chia tách tỉnh.

Quảng Ngãi bắt tay vào xây dựng quê hương với khó khăn chồng chất. Cơ sở hạ tầng yếu kém, đội ngũ cán bộ quản lý thiếu hụt, khoa học kỹ thuật lạc hậu; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thiếu thốn, đan xen nhiều hủ tục, lề lối làm ăn lạc hậu. Chính vì vậy, số cán bộ quay trở về quê hương là lực lượng chủ chốt để từng bước giúp tỉnh vượt qua khó khăn.

Nhìn thấy quê hương đổi mới từng ngày, vợ chồng bà Trần Thị Nhàn (84 tuổi) - nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT, Trưởng đoàn ĐBQH khóa IX và ông Huỳnh Kim Lưu (87 tuổi) - nguyên Giám đốc Sở Xây dựng rất phấn khởi. Năm 1989, vợ chồng bà Nhàn cùng trở về Quảng Ngãi làm việc sau hơn 30 năm xa quê. Giữ chức Giám đốc Sở Xây dựng từ ngày đầu tái lập tỉnh, ông Lưu cho biết, nhiệm vụ cấp thiết đặt ra lúc bấy giờ là công tác quy hoạch, tranh thủ các nguồn lực để đầu tư hạ tầng. Cùng với đó là tập trung kêu gọi hỗ trợ đầu tư hạ tầng phát triển công nghiệp.

“Sau ngày tái lập tỉnh, ngành xây dựng nỗ lực thực hiện công tác chuẩn bị lập quy hoạch Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Đây là tiền đề để có được KKT Dung Quất như hôm nay. Công việc thì nhiều nhưng người lại ít, chúng tôi phải làm việc ngày đêm, đi lại như con thoi để có thể hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao”, ông Lưu nói.

Trong khi đó, bà Nhàn cùng đồng nghiệp tìm cách vực dậy ngành nông nghiệp sau ngày tái lập tỉnh. “Chúng tôi tập trung phát triển 3 loại cây chủ lực là lúa, mía và bắp. Vận động người dân chuyển đổi từ 3 vụ bấp bênh sang 2 vụ ăn chắc; đồng thời tập trung cho công tác khuyến nông. Cây mía là cây trồng chủ lực của tỉnh lúc bấy giờ, vì thế chúng tôi đã thành lập Ban Chủ nhiệm chương trình mía đường nhằm nghiên cứu tăng năng suất mía và trữ lượng đường trên cùng một diện tích sản xuất. Nhờ đó, ngành mía đường lúc bấy giờ là một trong những ngành đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh”, bà Nhàn chia sẻ.

Ngoài ra, chương trình cải tạo đàn bò cũng được người dân hưởng ứng tích cực và lan tỏa mạnh mẽ, phát triển nhất trong cả nước, được trung ương đánh giá cao.

Nhiều năm sống xa nhau, đến khi về lại Quảng Ngãi công tác, thời gian gặp nhau của ông Lưu và bà Nhàn cũng không nhiều. “Khi ấy, dù ở cùng nhà nhưng chúng tôi cũng không mấy khi giáp mặt, vì ai cũng bận rộn với công việc. Chúng tôi đành phải nén tình riêng để tập trung cho việc chung”, bà Nhàn tâm sự. Chỉ đến khi cả hai nghỉ hưu, họ mới được sum vầy cùng nhau trọn vẹn ngày tháng...

Tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Huế, với tấm bằng loại giỏi, nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thị Xuân Hồng (63 tuổi), hiện ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) từng có vinh dự được nhà trường giữ lại, đào tạo thành giảng viên. Tuy nhiên, do là con duy nhất trong gia đình nên bà trở về, xin làm việc tại Hội LHPN tỉnh Nghĩa Bình. Trong quá trình công tác tại Hội LHPN tỉnh Nghĩa Bình, nhờ có kiến thức về lịch sử, nên bà được cơ quan phân công sưu tầm tư liệu để xây dựng cuốn lịch sử của hội giai đoạn 1930 - 1975. Những chuyến công tác ra Quảng Ngãi đã giúp bà gặp được ý trung nhân của đời mình.

Bà Hồng nhớ lại, khi chia tỉnh, dù không có quy định cụ thể nhưng dựa trên nguyện vọng chính đáng của cán bộ, công chức nữ thời ấy, những trường hợp có chồng là người Bình Định sẽ được giữ lại, còn trường hợp có chồng Quảng Ngãi sẽ được điều động về địa phương làm việc cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Tôi cũng không ngoại lệ và được cấp trên quan tâm bố trí về làm việc tại Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi.

Khu vực phía bắc sông Trà Khúc, phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) ngày càng phát triển. Ảnh: B.T.TRUNG

Khu vực phía bắc sông Trà Khúc, phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) ngày càng phát triển. Ảnh: B.T.TRUNG

Đến bây giờ, bà Hồng vẫn nhớ như in những ngày tháng gian nan khi chuyển địa bàn làm việc. Như bao cán bộ, công chức thời ấy, không một ai trong đơn vị có nhà riêng nên chỗ ở rất tạm bợ, đời sống khó khăn. Cả hội có hơn 20 người từ Bình Định chuyển về, được trợ cấp vỏn vẹn vài triệu đồng. Hội phải đứng ra xét duyệt, dựa theo hoàn cảnh, ưu tiên cho một số chị em khó khăn được vay 500 nghìn đồng mỗi người, để ổn định cuộc sống, trong đó có bà. Với số tiền hỗ trợ, bà Hồng chạy vạy khắp nơi mượn thêm để cất tạm căn nhà trên mảnh đất rộng vài chục mét vuông (sát khu dân cư 96 hộ). Phương tiện thiếu thốn nên trong các chuyến công tác của mình, nhiều người phải di chuyển bằng xe đạp. Khó khăn là vậy, nhưng ai cũng mang trong mình tinh thần phấn khởi, nguyện sẽ cống hiến hết mình cho Quảng Ngãi. Cán bộ hội bám sát cơ sở, thực hiện tốt công tác vận động và tổ chức cho phụ nữ tham gia có hiệu quả vào việc xây dựng quê hương ngày càng phát triển, xây dựng gia đình hạnh phúc.

“Những ngày đầu tái lập tỉnh, kinh phí và cơ sở vật chất ở các tổ chức hội, đoàn thể vô cùng khó khăn. Vì thế, mình phải biến khó khăn thành hành động cụ thể; sáng tạo, quyết liệt, cống hiến hết sức mình thì hoạt động hội mới đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao, thực sự là chỗ dựa vững chắc của hội viên”, bà Hồng bày tỏ.

Từ những đóng góp thiết thực của mình cho hội, năm 1997, bà được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh. Đến năm 2004, bà được điều động giữ chức danh Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh và đến năm 2008, bà trở thành Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Đây là sự khích lệ, động viên tinh thần to lớn và cũng là niềm tự hào đối với gia đình, cá nhân bà sau những năm tháng xa quê.

Trong tâm tưởng của những người phụ nữ theo chồng về Quảng Ngãi sinh sống, làm việc, cực khổ một thời đã qua, song điều đọng lại trong ký ức mỗi người, có lẽ đó là sự cưu mang, đùm bọc của quê hương núi Ấn - sông Trà để họ vượt qua bước ngoặt của cuộc đời mình. Và họ cũng đã sống hết mình vì những ân tình với mảnh đất này.

Gần đến ngày kỷ niệm tái lập tỉnh, cô giáo Trần Thị Thu Hà (57 tuổi), nguyên Tổ phó chuyên môn Tổ Ngữ văn (Trường THPT Chuyên Lê Khiết) lại bồi hồi, xúc động. Hàng chục năm xa quê, theo chồng về Quảng Ngãi lập nghiệp, cô có biết bao ký ức đẹp.

Cô Hà lần lượt kể cho chúng tôi nghe về khoảng thời gian ấy. Khi cô đang theo học đại học năm thứ 2 thì hay tin tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định sẽ tái lập khi tách ra từ tỉnh Nghĩa Bình. Tin ấy khiến nhiều người quê Quảng Ngãi hồ hởi. Bởi lẽ, suốt thời gian sáp nhập, sinh sống và làm việc tại Bình Định, nhiều gia đình có quê ở Quảng Ngãi đã phải đi lại xa xôi...

Thế nhưng, điều đó khiến cô Hà buồn hơn vui, bởi vì, người cô yêu là cán bộ người Quảng Ngãi, công tác tại Phòng Văn nghệ (Sở Văn hóa - Thông tin Nghĩa Bình). Rồi đây, cô sẽ phải rời xa quê hương, cha mẹ. Chuyện xảy ra đúng như dự đoán. Đứng trước tình cảm chân thật của người yêu, sau khi tốt nghiệp ra trường, cô chính thức theo anh về Quảng Ngãi - lúc cả hai đã là vợ chồng.

Cô giáo Trần Thị Thu Hà hạnh phúc bên người chồng của mình.

Cô giáo Trần Thị Thu Hà hạnh phúc bên người chồng của mình.

Trong suốt những năm tháng ở Quảng Ngãi, cô không chỉ hoàn thành trọng trách dâu hiền, vợ thảo, chăm lo tốt cho người thân, mà còn có nhiều đóng góp cho mảnh đất này. Quảng Ngãi được tái lập 35 năm, thì cô Hà đã có 32 năm cống hiến cho ngành GD&ĐT tỉnh nhà, với 9 năm công tác tại Trường THPT số 1 Tư Nghĩa (Tư Nghĩa) và 23 năm công tác tại Trường THPT Chuyên Lê Khiết. Bằng năng lực, sự tận tụy, tâm huyết của mình, cô đã vun đắp tài năng cho biết bao học sinh. Khi về hưu, cô Hà vẫn tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp trồng người, tham gia thỉnh giảng cho các trường; tích cực đóng góp sức mình cho hoạt động của Hội VH - NT tỉnh trên cương vị là Chi hội trưởng Chi hội Văn học.

“Cả thanh xuân của tôi đã gắn bó với mảnh đất núi Ấn - sông Trà. Với tôi, Quảng Ngãi là quê hương thứ 2 của mình. Nơi này đã giúp tôi có được những thành công nhất định; bao bọc, che chở tôi như chính quê cha, đất mẹ”, cô Hà bộc bạch.

Nội dung: T.HẬU - A.NGUYỆT - V.YẾN

Thiết kế, trình bày: P.DUNG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/media/emagazine/202407/emagazine-ky-uc-kho-quen-fab348d/