Đại diện cấp cao EU: Thừa nhận cái giá phũ phàng từ 'chảo lửa' Trung Đông, EU chìm trong 'ảo tưởng' quá lâu, đặt an ninh vào tay Mỹ quá lâu
Thế giới đang ngày càng đa cực với sự suy yếu của chủ nghĩa đa phương. Quyền lực chính trị trở lại thống trị quan hệ quốc tế. Liên minh châu Âu (EU) cần thay đổi mô hình về sự hội nhập và mối quan hệ với phần còn lại của thế giới.
Ngày 15/4, trang web của Cơ quan đối ngoại EU (EEAS) đăng tải bài viết của lãnh đạo cơ quan này, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell, có tựa đề “Ba phương hướng hành động để bảo vệ châu Âu tốt hơn”.
Trong bài viết, ông Borrell đánh giá, thế giới đang ngày càng đa cực với sự suy yếu của chủ nghĩa đa phương. Quyền lực chính trị quay trở lại thống trị quan hệ quốc tế. Tất cả các hình thức tương tác đều được vũ khí hóa, cho dù đó là thương mại, đầu tư, tài chính, thông tin hay di cư.
Theo ông, những điều trên đều ám chỉ một sự thay đổi mô hình về sự hội nhập của châu Âu và mối quan hệ với phần còn lại của thế giới.
Để làm được điều này, nhà ngoại giao đề xuất, EU cần hành động dứt khoát 3 nhiệm vụ gồm tăng cường an ninh kinh tế, đưa quốc phòng vào trọng tâm chính sách và nỗ lực ngăn chặn việc “chống phương Tây”.
Tăng cường an ninh kinh tế
Theo ông Borrell, sự phụ thuộc quá mức vào nhiều mặt hàng quan trọng tại một số quốc gia sẽ khiến châu Âu gặp nguy hiểm, lưu ý rằng, khu vực này đã “chìm trong ảo tưởng quá lâu về việc thương mại ôn hòa đủ đem lại hòa bình trên toàn cầu”.
Đó là lý do tại sao EU quyết định “giảm rủi ro” cho nền kinh bằng cách hạn chế sự phụ thuộc quá mức, thực hiện các hành động đặc biệt đối với nguyên liệu thô cũng như các thành tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số.
Khẳng định sử dụng chiến lược "giảm rủi ro" chứ không phải "tách rời", ông Borrell nhấn mạnh, liên minh luôn mở cửa cho thương mại và đầu tư, đồng thời mong muốn duy trì như vậy. Theo đó, EU muốn tăng cường liên kết thương mại và đầu tư với Mỹ Latinh hoặc châu Phi nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Đề cập Trung Quốc, bài viết lưu ý, EU cần giảm bớt sự phụ thuộc quá mức vào Bắc Kinh trên các lĩnh vực cụ thể, đặc biệt là những trọng tâm của quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số.
Bên cạnh đó, khối cần thực hiện vấn đề cấp bách là cân bằng lại quan hệ thương mại cũng như tự bảo vệ mình khỏi "cạnh tranh không lành mạnh".
Cho rằng EU và Trung Quốc có sự khác nhau về các giá trị và hệ thống chính trị, song ông Borrell khẳng đinh, liên minh này không muốn quay lại tình trạng đối đầu phe khối mà cần thiết hợp tác với Bắc Kinh để giải quyết những thách thức toàn cầu chính hiện nay, trong đó có biến đổi khí hậu.
Đặt quốc phòng vào trung tâm chính sách
Nhấn mạnh an ninh quan trọng hơn so với quốc phòng, song quan chức ngoại giao hàng đầu EU vẫn lưu ý, quốc phòng sẽ là cốt lõi của bất kỳ chiến lược an ninh nào.
Đề cập chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga đang tiến hành ở Ukraine, ông Borrell cho rằng, vào thời điểm mà sự can thiệp của Mỹ ở châu Âu ngày càng ít chắc chắn hơn, chiến dịch này đặt ra mối đe dọa hiện hữu đối với EU.
Theo đó, nếu Nga giành chiến thắng ở quốc gia láng giềng Trung Đông sẽ là một “tín hiệu nguy hiểm” gửi tới liên minh, khi mà khối này đã ủy thác an ninh cho Mỹ quá lâu và cho phép giải trừ quân bị trong im lặng qua 3 thập niên.
EU sẽ không còn có thể chỉ dựa trên nền tảng thị trường nội khối và kinh tế để đảm bảo hòa bình cho liên minh, mà cần một sự thay đổi mô hình về phòng thủ châu Âu.
Bài viết cho rằng, hiện nay, khối này phải đảm nhận trách nhiệm chiến lược của mình, có khả năng tự bảo vệ và xây dựng một trụ cột châu Âu vững chắc bên trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
EU cần thực hiện bước nhảy vọt này trong một khoảng thời gian rất ngắn, không phải vì có ý định tham chiến, mà ngược lại, muốn ngăn chặn điều đó bằng việc sở hữu các phương tiện đáng tin cậy.
Điều này không có nghĩa là tạo ra lực lượng quân đội châu Âu mà là chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, với việc mỗi nước thành viên phải nỗ lực tăng lên hơn 2% GDP cho lĩnh vực này, đồng thời cùng nhau chi tiêu để lấp đầy những phần còn thiếu, tránh trùng lặp và tăng khả năng tương tác.
Ngoài ra, theo ông Borrell, EU rất cần một bước nhảy vọt cho ngành công nghiệp quốc phòng, lưu ý rằng, kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022, khối này đã mua 78% thiết bị mới từ bên ngoài nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc gửi đủ đạn dược cho Kiev dù đã đạt được những tiến bộ quan trọng.
Bên cạnh đó, liên minh 27 quốc gia thành viên còn phải đối mặt với những thách thức đáng kể về chất lượng trong các công nghệ quân sự mới như máy bay không người lái (UAV) hoặc trí tuệ nhân tạo (AI).
Nhà ngoại giao EU cho rằng, một bài học lớn rút ra từ xung đột Ukraine là “ưu thế công nghệ là chìa khóa”.
Nỗ lực ngăn chặn việc “chống phương Tây”
Không chỉ ở Ukraine, EU cũng đang chứng kiến cuộc xung đột khác ở vùng lân cận, đó là Dải Gaza. Ngoài ra, Iran với cuộc tấn công trả đũa Israel hồi cuối tuần trước cũng khiến nguy cơ xung đột lan rộng ra toàn Trung Đông.
Ông Borrell cho rằng, trong xung đột ở Trung Đông, phản ứng của EU “đã gây nghi ngờ về khả năng trở thành một chủ thể địa chính trị hiệu quả của châu Âu”.
Nhà ngoại giao thừa nhận, cho đến nay, khối này cùng cộng đồng quốc tế vẫn chưa thể chấm dứt giao tranh và thảm họa nhân đạo ở Dải Gaza, giải phóng con tin Israel và bắt đầu thực hiện có hiệu quả giải pháp hai nhà nước, vốn là con đường duy nhất mang lại hòa bình bền vững cho khu vực.
Trong khi đó, ảnh hưởng hạn chế của EU đối với cuộc xung đột này sẽ tác động trực tiếp đến tương lai của khối, lý do không phải thiếu các phương tiện mà là sự chia rẽ ngay trong liên minh về tình hình Gaza. Điều này đã khiến khối “phải trả giá đắt trong thế giới Arab” cũng như tại nhiều nước ở Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi, đặc biệt là vùng Sahel.
Vì vậy, EU cần hành động dứt khoát trong những tháng tới để ngăn chặn việc củng cố liên minh của “phần còn lại chống phương Tây”, bao gồm cả hậu quả của cuộc xung đột ở Trung Đông.
Theo ông Borrell, để chống lại mối đe dọa này một cách hiệu quả, khối cần tuân thủ nguyên tắc của mình bằng cách sử dụng các công cụ khi những nguyên tắc đó bị vi phạm và "sự quyết đoán mà EU thể hiện ở Ukraine sẽ dẫn đường cho liên minh ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới”.