ĐẠI DIỆN IPU: VIỆT NAM ĐÃ 'BIẾN LỜI NÓI THÀNH HÀNH ĐỘNG', CAM KẾT CAO VỀ TRAO QUYỀN CHO THANH NIÊN
Sáng 15/9, tại Thủ đô Hà Nội, phát biểu trong phiên khai mạc Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, các đại biểu đến từ Liên minh Nghị viện thế giới đều ghi nhận và đánh giá cao Việt Nam trong những nỗ lực trao quyền cho giới trẻ, phát huy vai trò của thanh niên, thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo góp phần thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.
Việt Nam thực sự đã "biến lời nói thành hành động"
Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Duarte Pacheco cảm ơn sự chào đón nồng hậu Quốc hội Việt Nam dành cho các đại biểu IPU, khẳng định cam kết của Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội về sự chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ để bảo đảm thành công của hội nghị lần này. Chia sẻ rằng việc lựa chọn Việt Nam làm nước chủ nhà đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 là một quyết định dễ dàng của IPU bởi thành công của Đại hội đồng IPU lần thứ 132 vẫn để lại ấn tượng sâu sắc và IPU kỳ vọng thành công đó được lặp lại tại hội nghị lần này.
Bày tỏ vinh dự được trở lại Hà Nội – một thành phố có lịch sử văn hóa lâu đời và tương lai đầy hứa hẹn, Chủ tịch IPU vui mừng khi được tham gia Hội nghị cùng các nghị sĩ trẻ, thế hệ lãnh đạo tương lai để cùng trao đổi những chiến lược phát triển vì lợi ích của người dân mỗi nước. Đồng thời, nhấn mạnh tương lai là của người trẻ và những gì quyết định hôm nay sẽ ảnh hưởng đến thế mai sau, do đó, mỗi quyết định của các nghị sĩ trẻ đều rất quan trọng.
Tuy nhiên có một thực tế hiện thiếu hụt sự quan tâm đến giới trẻ. Vì vậy cần nâng tầm vai trò của thanh niên tham gia và Quốc hội/Nghị viện cần làm gương, đi đầu cho những nỗ lực này. Cùng với đó, các nghị sĩ trẻ cũng cần thể hiện được những gì mình có thể làm, chủ động tham gia tích cực hơn vào hoạt động chính trị, tham gia vào quá trình hoạch định chính sách – những quyết định sẽ ảnh hưởng đến chính thế hệ trẻ, Chủ tịch IPU nhấn mạnh.
Chủ tịch IPU Duarte Pacheco ghi nhận số đại biểu trẻ của Quốc hội Việt Nam chiếm tỷ lệ cao, cho thấy Nhà nước, các cơ quan của Việt Nam thực sự “biến lời nói thành hành động” khi đem lại không gian cho các nghị sĩ trẻ được nâng tâm vai trò của mình.
Bày tỏ thống nhất với nhận định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về bối cảnh, tình hình thế giới tiềm ẩn nhiều thách thức, thế giới cũng học hỏi được nhiều điều từ đại dịch COVID-19 nhất là bài học về sự hợp tác, các quốc gia phải hợp tác với nhau, dù là nước giàu hay nước nghèo, đều phải chung tay để ứng phó với những thách thức chung của nhân loại, những vấn đề mang tính toàn cầu ở hiện tại và tương lai.
Theo Chủ tịch IPU, việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc đang không được đi đúng lộ trình, nhiều trì hoãn đã xảy ra. Do đó các quốc gia cần nhanh hơn nữa, tăng tốc để thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững khi thời hạn năm 2030 đang đến gần. Trong tiến trình đó, Chủ tịch IPU cho rằng, chuyển đổi số, công nghệ và đổi mới sáng tạo là những yếu tố hết sức quan trọng, không có các yếu tố này thì không thể phát triển bền vững được. Những nghị sĩ trẻ là những người được sinh ra trong thế giới kỹ thuật số cần phải trở thành người đi đầu trong việc áp dụng công nghệ để giải quyết những thách thức phải đối mặt. Do đó, tại Hội nghị cũng cần trao đổi chúng ta sẽ làm gì, cái gì cần phải thay đổi, cái gì cần phải đổi mới sáng tạo trong các nghị viện để đem lại sự tham gia thực chất của giới trẻ trong hoạt động chính trị và trong các nghị viện, Chủ tịch IPU nêu rõ.
Nhấn mạnh IPU đánh giá rất cao sự tham gia đông đảo của các đại biểu tại Hội nghị lần này, Chủ tịch IPU nêu rõ, chúng ta cần thúc đẩy vai trò của giới trẻ trong nghị viện và đem lại cho họ nhiều cơ hội hơn nữa. Điều này cũng thể hiện qua sự tham gia của các Đoàn đại biểu ở khắp nơi trên toàn cầu. Có như vậy chúng ta mới có thể cùng hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn. IPU sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong nỗ lực này. Chủ tịch IPU tin tưởng, với sự tham gia và chia sẻ kinh nghiệm thực chất, hiệu quả của các đại biểu và kết quả của Hội nghị sẽ có thể tạo nên những thay đổi trong thực tế để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn, đặc biệt là qua những nỗ lực từ người trẻ.
Tại hội nghị, mở đầu phát biểu của mình, Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU Dan Carden gửi lời chia buồn trước những mất mát sau thảm họa lũ lụt tại Lybia, động đất tại Morocco và hỏa hoạn tại chung cư mini ở Hà Nội những ngày qua để lại hậu quả vô cùng nặng nề.
Đánh giá cao chủ đề của hội nghị lần này được Việt Nam lựa chọn, Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU Dan Carden cho rằng đây là nội dung có tính thời sự, nhận được sự quan tâm của các nước và các nghị sĩ.
Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU Dan Carden cũng cho biết thế giới phải đối mặt với những khủng hoảng đe dọa sự tồn tại của nhân loại như biến đổi khí hậu. Nhấn mạnh sẽ không thể có giải pháp nào cho biến đổi khí hậu nếu như không có sự chung tay, tham gia của cộng đồng quốc tế. Đã đến lúc bỏ qua những bất đồng để cùng tìm ra giải pháp trung hạn và dài hạn.
Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU Dan Carden dẫn chứng Việt Nam là những quốc gia bị tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sát lở, bão lũ…đe dọa cuộc sống người dân. Việt Nam đã không ngừng nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường, cam kết về giảm phát thải khí nhà kính. Theo Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU, những quốc gia như Việt Nam dù có lượng phát thải ô nhiễm môi trường không nhiều nhưng lại đang phải gồng mình để ứng phó với biến đổi khí hậu. Do đó, từ thực tiễn của Việt Nam, các nước cần nhìn nhận lại vấn đề của mình. Nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số mở ra các cơ hội mới nhưng cũng sẽ có những thách thức mới, các nước cần tận dụng cơ hội để có những nỗ lực chung để cùng ứng phó với những thách thức mới đặt ra.
Nhấn mạnh vai trò của các nghị sị trẻ trong công cuộc chuyển đổi số, Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU cho rằng các nghị sĩ trẻ sẽ là nhân tố kết nối và IPU phá vỡ rào cản, tạo điều kiện cho thanh niên tham gia nhiều hơn.
Việt Nam là “ngọn hải đăng” trong trao quyền cho giới trẻ
Bày tỏ vui mừng khi được trở lại Hà Nội, Tổng Thư ký IPU Martin Chungong nhấn mạnh, Hội nghị diễn ra tại đất nước Việt Nam tươi đẹp, một quốc gia đã có những bước tiến đáng kể và tin cậy trong nhiều lĩnh vực, trong đó có phát triển bền vững và ứng dụng công nghệ cao. Qua đó, Việt Nam đóng vai trò là “ngọn hải đăng” trong việc trao quyền cho giới trẻ khi nói đến công nghệ, và sẽ được nghe nhiều hơn về điều này trong những ngày Hội nghị tới.
Tổng Thư ký IPU vui mừng khi thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc kết hợp hai khía cạnh công nghệ và trao quyền cho giới trẻ này; tin tưởng, qua những nỗ lực như vậy, Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này.
Hoan nghênh Ban Tổ chức Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 với cách tiếp cận toàn diện trong việc thu hút giới trẻ và các nghị sĩ trẻ vào việc chuẩn bị hội nghị, Tổng Thư ký IPU cũng nêu rõ, thế giới đang chờ đợi những nỗ lực tại Hội nghị này. Đồng thời, cho biết, ngày 15/9 cũng chính là Ngày Dân chủ toàn cầu, đánh dấu cột mốc năm 1997 tại Cairo, Ai cập, IPU thông qua một Tuyên bố chung về dân chủ. Đây là một trong những nỗ lực đầu tiên của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề này.
Gợi nhắc lại kỉ niệm tại Đại hội đồng IPU - 132 vào năm 2015 do Việt Nam đăng cai tổ chức, Tổng Thư ký IPU cho biết, thời điểm đó, IPU đã hoan nghênh việc bắt đầu triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Đó là một cột mốc đặc biệt và thể hiện cam kết chung của chúng ta trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách nhất của thế giới. Khi kết thúc Đại hội đồng, Tuyên bố Hà Nội được thông qua đã trở thành hình mẫu cho IPU trong việc triển khai và hợp tác với các bên liên quan trong triển khai SDGs. Kể từ năm 2015, các nghị viện đã vươn lên để ứng phó với các thách thức. Nhiều nghị sĩ đã ủng hộ mạnh mẽ cho phát triển bền vững tại quốc gia của mình, thúc đẩy sự thay đổi và biến các mục tiêu toàn cầu trở thành chủ đề trung tâm trong các cuộc trao đổi và thảo luận về chính sách. Các cơ quan pháp lý và xây dựng pháp luật đã đưa ra các bộ luật, các cải cách liên quan trực tiếp với SDGs, giải quyết các vấn đề như nghèo đói, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu.
Trên bình diện quốc tế, IPU đã thúc đẩy hợp tác liên nghị viện rất năng động, qua đó giúp các bên liên quan chia sẻ những kinh nghiệm tốt nhất và xây dựng các mối quan hệ đối tác mới. IPU đang cải thiện quan hệ của mình thông qua các diễn đàn nghị viện thế giới và hiểu rằng việc triển khai SDGs là một hành trình chung của tất cả quốc gia. IPU đã cung cấp nền tảng để thúc đẩy đối thoại cũng như cung cấp nguồn lực và hỗ trợ kỹ thuật cho các nghị viện, chẳng hạn như thông qua bộ công cụ tự đánh giá triển khai SDGs.
Trong những năm gần đây, IPU đã khẳng định niềm tin của mình đối với sức mạnh của công nghệ trong việc thúc đẩy triển khai SDGs, đặc biệt là khi thông qua Chiến lược hành động giai đoạn 2022-2026. Các thành viên IPU tập trung vào những yếu tố như: đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong công tác của mình. Các nghị viện tự cường và đổi mới sáng tạo là một trong những mục tiêu chiến lược của IPU.
Khi đi trên con đường thực hiện chiến lược chuyển đổi số trong các thể chế, IPU đang thúc đẩy thay đổi cũng như muốn đóng vai trò tiên phong trong nỗ lực này. Trong quá trình thực hiện, IPU muốn đưa càng nhiều nghị viện hợp tác cùng càng tốt. Vì vậy, IPU đã triển khai Trung tâm Đổi mới sáng tạo cho nghị viện vào năm 2018 nhằm đưa các nghị viện ngồi lại với nhau để thúc đẩy hợp tác và chia sẻ kiến thức.
IPU cũng đang tổ chức các sự kiện hướng tới tương lai, chẳng hạn như Hội nghị cấp cao các Ủy ban về Tương lai do IPU và Quốc hội Uruguay đồng tổ chức vào cuối tháng 9 này. Thông qua những sáng kiến đó, IPU đang củng cố các phương pháp hay để các nghị viện có thể có hành động cụ thể nhằm tận dụng tối đa các lợi thế của kỷ nguyên số.
Theo Tổng Thư ký IPU, để thực hiện được những mục tiêu trên, đầu tiên phải rà soát lại các quy trình nghị viện để có thể tăng cường sự tham gia qua các nền tảng trực tuyến của các nghị sĩ, qua đó giúp họ thực hiện công việc hiệu quả hơn. Điều này cũng là rất quan trọng đối với các nghị sĩ trẻ, đặc biệt là đối với các nghị sĩ trẻ có trách nhiệm chăm sóc cho trẻ em.
Ngoài ra, phải xây dựng các nền tảng mới cho các nghị sĩ và các nghị viện để có thể kết nối tốt hơn với các cử tri, đóng góp nhiều hơn vào công tác chung của nghị viện. Đồng thời, xây dựng và cải thiện các cơ quan của nghị viện hướng tới tương lai như Ủy ban về Tương lai để dự báo và ứng phó với những xu thế dài hạn hoặc những cú sốc có thể xảy ra trong tương lai. IPU hoan nghênh giới trẻ tham gia tích cực vào hoạt động của những Ủy ban này.
Cuối cùng, phải tránh không để không gian mạng được sử dụng cho những mục đích xấu, chẳng hạn như bạo lực giới. Do đó, IPU kêu gọi các nghị viện thiết lập các chính sách và quy trình để ngăn ngừa và ứng phó với những hành vi bắt nạt, xâm phạm mà sử dụng công nghệ cũng như những hành vi bạo lực tới các nghị sĩ.
Nhấn mạnh những giải pháp mà IPU và các nghị viện có thể tận dụng để khai thác các công nghệ mới, giúp đạt được các SDGs, Tổng Thư ký IPU cho rằng trong quá trình này, người tiên phong phải là những nghị sĩ trẻ. Các nghị sĩ trẻ và thế hệ trẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng vì vậy phải tích cực hơn, chủ động hơn, tận dụng tốt hơn vai trò này. Đồng thời, cần phải là động lực cho sự phát triển, đem lại những quan điểm, năng lượng và những giải pháp đổi mới sáng tạo cho các quy trình nghị viện hiện nay.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=79891