Đại diện trường ĐH nêu lý do ngành đào tạo thuyền viên tàu biển chưa thu hút SV
Khi chưa tốt nghiệp, nhiều sinh viên các ngành đi biển đã được doanh nghiệp đến phỏng vấn, cấp học bổng đào tạo và cam kết việc làm.
Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: "Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn".
Trong mục tiêu chung đó, có sự đóng giúp rất lớn của những thuyền viên tàu biển, thủy thủ tàu viễn dương, những người tham gia trực tiếp vào quá trình vận tải đường biển.
Được biết, hiện nay, hiện có 2 cơ sở đào tạo thuyền viên tàu biển ở trình độ đại học. Đó là Trường Đại học Hàng hải Việt Nam tại Hải Phòng và Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh.
Điểm chuẩn không cao, nhu cầu nhân lực lớn
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Vũ Minh Ngọc, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cho biết, hiện nay nhà trường đang đào tạo các ngành trực tiếp đi biển là Điều khiển tàu biển và Khai thác máy tàu biển.
Ngoài ra, một số ngành khác như Điện tự động giao thông vận tải, Máy tàu thủy, sinh viên tốt nghiệp có thể đi biển sau khi học thêm một số chứng chỉ bổ sung.
Theo thầy Ngọc, đợt khủng hoảng kinh tế những năm 2008, 2009 đã kéo theo hàng trăm doanh nghiệp vận tải biển thua lỗ và đứng trước nguy cơ phá sản. Nhiều người không còn mặn mà với nghề đi biển.
Giai đoạn đó các ngành đào tạo thuyền viên tàu biển của trường đã gặp nhiều khó khăn do số lượng học sinh đăng ký và trúng tuyển giảm mạnh.
Khi tình hình kinh tế phục hồi mạnh mẽ, vận tải biển phát triển trở lại, nhưng do việc đào tạo đã bị “chững” lại ở giai đoạn trước, nguồn cung ứng thuyền viên tàu biển vẫn bị thiếu trầm trọng.
“Tháng 5/2023, Ngài Kitack Lim, Tổng Thư ký Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đã đến thăm Trường Đại học Hàng hải Việt Nam và đã khẳng định tầm quan trọng cũng như ưu thế của vận tải đường biển so với các hình thức vận tải khác.
Đặc biệt đối với một quốc gia có đường bờ biển dài như Việt Nam thì rất cần chú trọng phát triển kinh tế biển để bắt nhịp với thế giới”, Thạc sĩ Vũ Minh Ngọc chia sẻ.
Những năm gần đây, các ngành đi biển của trường đều tuyển sinh đủ chỉ tiêu đề ra, điểm chuẩn có sự khởi sắc qua các năm.
Trong ba năm 2020, 2021 và 2022, điểm trúng tuyển ngành Điều khiển tàu biển lần lượt là 18, 21.5 và 21.75, còn ngành Khai thác máy tàu biển là 14, 18 và 19.
Thầy Ngọc cho biết, sinh viên các ngành đi biển của trường hầu như không phải tìm việc mà có doanh nghiệp đến tuyển chọn ngay từ khi chưa tốt nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã trao các suất học bổng đào tạo ngoại ngữ và cam kết việc làm cho sinh viên.
Nếu làm việc trên các tàu viễn dương, mức lương khởi điểm có thể dao động từ 800-1000 USD/tháng (tương đương 18-23 triệu đồng/tháng). Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm của các ngành đi biển đều khoảng 90-95%.
Tuy nhiên, số lượng sinh viên ra trường vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Dù điểm chuẩn không cao, nhiều học bổng, cơ hội việc làm, sinh viên theo học các ngành đi biển vẫn ít hơn so với thời kỳ trước năm 2008-2009.
Bởi tâm lý của các bạn trẻ hiện nay không muốn xa gia đình, bạn bè trong một khoảng thời gian dài lênh đênh trên biển.
Điều kiện làm việc trên tàu dù đã được cải thiện nhiều với máy móc hiện đại nhưng nhìn chung vẫn vất vả, khắc nghiệt hơn so với trên bờ. Số lượng thành viên trong mỗi gia đình ít hơn nên các bậc phụ huynh và học sinh cũng lo ngại các rủi ro.
Sinh viên học các ngành đi biển tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam chủ yếu đến từ các tỉnh ven biển như Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, số ít hơn đến từ Quảng Ninh và Hải Phòng.
Thầy Ngọc cho rằng đối với những vùng mà điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, nếu các bạn trẻ chăm chỉ, chịu khó học tập, sau khi ra trường có thể dễ dàng có cơ hội làm việc trên các tàu viễn dương.
Với mức thu nhập hấp dẫn, đây là một công việc phù hợp để nhanh chóng cải thiện cuộc sống của bản thân và gia đình.
Cơ hội cho các nữ sinh yêu thích ngành hàng hải
Cùng chung ý kiến, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Công Phương, Viện trưởng Viện Hàng hải, Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng hiện các ngành hàng hải đang ở trong giai đoạn “đứt gãy nhân lực”.
Thầy cho biết, Viện Hàng hải hiện đào tạo 6 chuyên ngành, trong đó có 3 chuyên ngành cơ bản, truyền thống để đi biển gồm: Điều khiển và quản lý tàu biển; Khai thác máy tàu thủy và quản lý kỹ thuật; Kỹ thuật điện, điện tử và điều khiển.
Trong đó, ngành thu hút nhiều lượt thí sinh quan tâm nhất là Điều khiển và quản lý tàu biển. Đây là ngành đào tạo những truyền trưởng trong tương lai. Điểm trúng tuyển của ngành này trong hai năm 2021 và 2022 đều là 15 điểm.
Những năm qua, Viện đã có nhiều thay đổi, điều chỉnh để cải thiện chương trình học, nhằm đáp ứng yêu cầu và quy định của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO). Theo đó, sinh viên tốt nghiệp sẽ có hai văn bằng: bằng đại học và bằng nghề đủ điều kiện để thi sỹ quan hàng hải.
Theo thầy Phương, các ngành đi biển cần huấn luyện đặc thù nên đòi hỏi cơ sở vật chất quy mô như bể bơi, sân vận động, phòng thực hành mô phỏng, tàu huấn luyện. Sinh viên những ngành này không chỉ cần có thể lực tốt mà còn phải được rèn luyện thường xuyên.
Về cơ hội nghề nghiệp, hiện có 3 phân khúc chính là các đội tàu Việt Nam, đôi tàu châu Á (chủ yếu là Nhật Bản và Hàn Quốc) và đội tàu châu Âu. Các đội tàu châu Âu có môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ tốt nhất, là mục tiêu của rất nhiều sinh viên khá, giỏi trong Viện.
Các đội tàu Việt Nam có mức chi trả thấp hơn, nên nguồn nhân lực đi biển đã thiếu nay lại càng khan hiếm, khó tuyển. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế biển Việt Nam.
Thầy Phương nhận xét, so với các thuyền viên tàu biển các quốc gia khác trong khu vực như Philippines, Ấn Độ, Indonesia, các chủ tàu quốc tế đều đánh giá rất cao các thuyền viên Việt Nam về khả năng chuyên môn và việc xử lý vấn đề phát sinh.
Tuy nhiên, điểm yếu của các thuyền viên nước ta là vấn đề giao tiếp, truyền đạt lệnh bằng tiếng Anh còn yếu.
Nhiều đơn vị cung ứng thuyền viên xuất khẩu đã liên hệ với Viện, phỏng vấn sinh viên, cấp học bổng đào tạo tiếng Anh và tiếp nhận làm việc tại các công ty vận tải biển lớn như Mitsui, OS K-Line, NYK, NSU, Na Uy, Nisho Odyssey, Vosco, Vina Line…
Thầy Phương chia sẻ, năm 2022, ba nữ thuyền viên tàu biển đầu tiên của Việt Nam đã được cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn. Cả ba đều là cựu sinh viên của Viện Hàng hải.
Đây được coi là tín hiệu vui đối với ngành hàng hải thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Bởi hơn 30 năm qua, IMO đã có những thay đổi, cam kết mạnh mẽ để nâng cao bình đẳng giới trong ngành hàng hải, nhằm thúc đẩy sự tham gia của giới nữ trong các công việc cả ở trên bờ và đi biển.
Từ năm 2013, Viện Hàng hải đã có 2 sinh viên nữ đầu tiên theo học ngành Điều khiển và quản lý tàu biển. Những năm tiếp theo, tiếp tục có thêm một số sinh viên nữ đăng ký vào các ngành đi biển. Hiện nay, số sinh viên nữ đã tốt nghiệp và đang theo học các ngành này tại Viện vào khoảng 30 sinh viên.
Với các nữ sinh viên có tính cách năng động, mạnh mẽ, yêu thích công việc đi biển, Nhà trường và Viện đều khuyến khích và tạo điều kiện để các bạn theo đuổi nghề.
Trong quá trình giảng dạy, các giảng viên đều trao đổi thẳng thắn, rõ ràng với các sinh viên nữ về những khó khăn, trở ngại khi làm việc trên tàu. Các sinh viên nữ cũng có những buổi tập huấn để đối phó với những sự cố có thể xảy đến.
Thầy Phương cho rằng, với sự tham gia của nữ giới, công việc trên tàu sẽ trở nên ôn hòa và tỉ mỉ hơn.
Nhiều quốc gia phát triển đã có đội ngũ thuyền viên nữ đông đảo và ổn định sau nhiều năm. Việt Nam cũng đang có bước bắt nhịp để cùng thế giới mở rộng cơ hội trong ngành hàng hải cho các bạn nữ có đam mê và phù hợp.