Đại diện VKS giữ nguyên mức đề nghị tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan
Theo đại diện VKS, hậu quả của vụ án đặc biệt lớn nên giữ nguyên mức đề nghị tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan.
Ngày 25-11, TAND cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 bị cáo khác ở giai đoạn 1 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức liên quan.
Đại diện VKSND cấp cao tại TP.HCM đã đối đáp và giữ y mức đề nghị đối với bị cáo Trương Mỹ Lan từ 16-18 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và 20 năm tù về tội đưa hối lộ, tử hình về tội tham ô tài sản. Tổng hợp mức án mà VKS đề nghị đối với bị cáo Trương Mỹ Lan là tử hình.
Theo đại diện VKS, về yêu cầu của luật sư cho rằng bị cáo thực hiện một hành vi xuyên suốt nhưng tách ra thành hai tội danh là bất lợi cho bị cáo.
VKS cho rằng, căn cứ vào kết quả điều tra, thẩm vấn tại hai phiên tòa, đã cho thấy bị cáo Trương Mỹ Lan với vai trò cổ đông lớn chiếm 91,5% cổ phần và có quyền hạn cao nhất tại SCB. Bị cáo Lan đã chỉ đạo, bố trí các bị cáo khác như Đinh Văn Thành, Võ Tấn Hoàng Văn, Trần Thị Mỹ Dung… điều hành hoạt động SCB và rút tiền SCB sử dụng mục đích cá nhân, gây thiệt hại SCB.
Trong 1284 khoản vay, nhóm của bị cáo Lan chiếm 93% tổng nợ gốc SCB, theo nợ nhóm 5 không có khả năng thu hồi. Bị cáo Lan đã thành lập các pháp nhân và nhờ người đứng tên hộ để vay vốn. Các phương án vay vốn lập khống, tài sản đảm bảo được nâng lên để vay vốn và tiền giải ngân được bị cáo Lan sử dụng.
Do hành vi phạm tội xảy ra tại SCB, và đây là Ngân hàng Thương mại cổ phần. Hành vi thực hiện thời gian dài mà chính sách pháp luật có nhiều thay đổi. Trong đó, thời điểm trước ngày 1-1-2018 không quy định về tội tham ô tài sản trong doanh nghiệp tư nhân, mà đủ dấu hiệu cấu thành tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Đối với hành vi xảy ra sau ngày 1-1-2018, bị cáo Lan được xác định có quyền hạn trong vụ án khi đã chỉ đạo một số bị cáo khác vận chuyển một phần số tiền giải ngân về chỗ ở, chỗ làm việc của bị cáo để sử dụng. Căn cứ vào lời khai của lái xe của bị cáo, bị cáo Trần Thị Mỹ Dũng… Do BLHS năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018) có sự thay đổi về đường lối xử lý đối, hành vi bị cáo Lan đã phạm tội tham ô tài sản là phù hợp.
Như đã phân tích trên, theo VKS về hành vi bị cáo thực hiện xuyên suốt, nếu nhập 2 giai đoạn thành 1 thì số tiền chiếm đoạt sẽ tăng lên, gây bất lợi cho bị cáo.
Thứ hai, luật sư cho rằng bị cáo Lan dùng tiền đảo nợ ngân hàng và tiền không ra khỏi ngân hàng, VKS cho rằng, đối với số tiền của 1284 khoản vay, thì ngoài việc giải ngân để đảo nợ, bị cáo Lan đã sử dụng một số tiền vào các mục đích cá nhân khác.
Hành vi gọi là đảo nợ thực chất đã hoàn tất rút tiền ra khỏi SCB, sau đó chuyển qua nhiều công đoạn thành tiền mới và quay lại SCB và đã cấu thành từ lúc tiền ra khỏi SCB.
Theo kết quả điều tra, 1.169 tài sản liên quan bị cáo Lan đã kê biên, bị cáo Lan thừa nhận của bị cáo hoặc nhờ đứng tên để giao cho bị cáo Đặng Phương Hoài Tâm theo dõi, chỉ có 60 tài sản mua trước năm 2012. Do đó, các tài sản mua sau 2012 chiếm tới 84%, thời điểm hình thành các tài sản này trùng với thời điểm bị cáo thực hiện phạm tội.
Tại một số bút lục, bị cáo Lan đã khai sau khi rút tiền trả nợ gốc, lãi khoản vay trước, phí hoạt động SCB, trả nợ cho bạn bè, tiền mua lại các dự án… Như vậy, không phải bị cáo chỉ sử dụng tiền vay để đảo nợ SCB, mà số tiền vay đã ra khỏi sự kiểm soát của ngân hàng và được bị cáo Lan sử dụng nhiều mục đích khác nhau.
Đối với việc luật sư cho rằng bị cáo Lan có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên đủ cơ sở được xem xét giảm nhẹ tội tham ô tài sản. VKS căn cứ điểm c Khoản 3 Điều 40 BLHS quy định người bị kết án tử hình về tội tham ô chủ động nộp lại 3 /4 tài sản, chủ động hợp tác, hoặc lập công lớn sẽ không bị tử hình.
Bản án quy kết bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô 304.000 tỉ đồng, nếu tính theo tỉ lệ 3 /4 thì bị cáo phải giao nộp 280.000 tỉ đồng thì mới có cơ sở đề nghị giảm mức án tử hình.
“Vì vậy việc xem xét sẽ phụ thuộc trong giai đoạn thi hành án như hợp tác tích cực SCB, cơ quan thi hành án và các cơ quan tiến hành tố tụng liên quan để làm sao bán được tài sản nhanh nhất để khắc phục hậu quả… từ đó để có căn cứ xem xét. Tuy nhiên đây là nhận định của VKS, còn lại sẽ do HĐXX quyết định” - VKS lập luận.
Cạnh đó, VKS đề nghị HĐXX ghi nhận việc bị cáo Lan mang các dự án vào khắc phục hậu quả. Thành khẩn khai báo, chuyển biến tích cực khi không kêu oan… Tận tụy, tìm mọi cách để huy động người nhà, đối tác khắc phục hậu quả và có đơn chủ động thi hành án…
Tuy nhiên, hậu quả của vụ án, trong lịch sử tố tụng chưa từng có, số tiền tham ô lớn chưa từng có và không biết khi nào mới khắc phục được. Ảnh hưởng nhiều mặt của xã hội, thị trường tài chính, kinh tế… Mặt khác, tiền chiếm đoạt là tiền của nhà nước chứ không phải trên trời rơi xuống, tiền thuế của người dân, tiền vay nước ngoài… Từ đó, VKS giữ nguyên mức đề nghị tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan.