Đại đoàn kết - cội nguồn sức mạnh để dân tộc Việt Nam vững bước đi lên

Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là yếu tố quan trọng bậc nhất, là cội nguồn sức mạnh để đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chiến thắng mọi kẻ thù, vượt qua thiên tai, dịch bệnh để vững bước đi lên theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn.

Bộ Chỉ huy BĐBP Lào Cai phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp tổ chức khởi công xây dựng nhà cho 28 hộ dân bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão số 3 trên địa bàn xã A Lù, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Trung Dũng

Bộ Chỉ huy BĐBP Lào Cai phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp tổ chức khởi công xây dựng nhà cho 28 hộ dân bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão số 3 trên địa bàn xã A Lù, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Trung Dũng

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc, đó là đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng của đất nước, đoàn kết mọi thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam dù sống trong nước hay định cư ở nước ngoài thành một khối vững chắc trên cơ sở thống nhất về mục tiêu chung và những lợi ích căn bản. Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ vị trí đặc biệt quan trọng, nhất quán và xuyên suốt trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Dù trong thời kỳ nào, hoàn cảnh nào, Đảng ta vẫn luôn xác định, đoàn kết là giá trị cốt lõi, đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã khẳng định, khi đất nước đứng trước tình thế, hoàn cảnh gian lao, thử thách mang tính bước ngoặt thì tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam lại được khơi dậy và tỏa sáng mạnh mẽ trong tất cả quần chúng nhân dân. Suốt chiều dài lịch sử, từ khi Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc ra đời ở thế kỷ thứ III trước Công nguyên đến năm 1975, cả dân tộc Việt Nam đã đoàn kết để chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc ấy đã tạo nên sức mạnh cho những chiến thắng vẻ vang trong lịch sử dân tộc.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã được khơi dậy, tạo thành động lực to lớn, giúp đất nước giành được thắng lợi vang dội, thống nhất non song, bắt tay cùng xây dựng CNXH. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc ấy được thể hiện từ những việc làm nhỏ, những em bé liên lạc giúp bộ đội, những người mẹ đào hầm nuôi giấu cán bộ, những tấm gương anh hùng hy sinh để bảo vệ người dân và đồng đội, những đồng bào dân tộc thiểu số đi theo hỗ trợ cách mạng, cùng đoàn quân tham gia nhiều trận đánh tạo nên nhiều chiến công oanh liệt.

Càng trong hoạn nạn, khó khăn, tinh thần đoàn kết của nhân dân ta lại bừng sáng, trở thành sức mạnh để cùng nhau vượt khó. Mỗi khi phải đối diện với khó khăn, thử thách như đất nước gặp nạn ngoại xâm, hay một vùng của đất nước gặp lũ lụt, hạn hán, thiên tai, dịch bệnh, nhất là trong đại dịch Covid-19... thì lại thêm một lần nguồn sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được nhân lên bởi những con người chân thành trong nghĩ suy và hành động; yêu nước bằng nhiệt huyết, trái tim ấm nóng, tấm lòng rộng mở và bản lĩnh kiên cường... Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của Đảng và Nhà nước, chúng ta đã nhanh chóng huy động các nguồn lực để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ an toàn cho người dân và khôi phục đời sống, sản xuất. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành và địa phương, cùng tinh thần đoàn kết đã giúp giảm thiểu thiệt hại và nhanh chóng ổn định tình hình...

Hiện nay, trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới, Đảng ta tiếp tục khẳng định, đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề chiến lược của cách mạng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã đúc kết một trong những bài học lớn của cách mạng Việt Nam, đó là: “Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: Đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Đó là truyền thống quý báu và là nguồn sức mạnh to lớn của cách mạng nước ta”.

Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII cũng đã có sự tổng kết, đánh giá khách quan, khoa học về những kết quả, thành tích đã đạt được cùng những hạn chế, khuyết điểm và bài học kinh nghiệm sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Hội nghị Trung ương 7 khóa IX “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đảng ta sử dụng cụm từ: “Đại đoàn kết toàn dân tộc” thay cho cụm từ “Đại đoàn kết toàn dân”, “Đại đoàn kết dân tộc” với ý nghĩa mở rộng đại đoàn kết...

Người dân ở liên khu dân cư bản Nà Chào - Nà Thắm, xã Mỹ Hưng, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng tham gia Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024. Ảnh: Hà Mi

Người dân ở liên khu dân cư bản Nà Chào - Nà Thắm, xã Mỹ Hưng, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng tham gia Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024. Ảnh: Hà Mi

Đây là một bước phát triển mới về tư duy đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, gắn bó đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp nhân dân ở trong nước và đồng bào ta định cư ở nước ngoài; xóa bỏ mọi mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp; tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích của dân tộc. Sự đoàn kết còn được thể hiện qua việc đảm bảo quyền lợi cho mọi tầng lớp xã hội, từ đô thị đến nông thôn, từ các dân tộc thiểu số đến đa số. Đảng, Nhà nước đã và đang nỗ lực không ngừng nhằm xóa bỏ mọi rào cản, tạo điều kiện để mỗi công dân có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Từ nhiều năm nay, việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư đã trở thành nét đẹp truyền thống nhằm xây dựng, củng cố, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Ngày hội cũng là dịp để phát huy tình đoàn kết, nghĩa đồng bào, tinh thần “nhường cơm, sẻ áo”, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Với ý nghĩa nhân văn đó, nhân dân ở cộng đồng dân cư, các tổ chức tôn giáo, đồng bào các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ người nghèo và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội... Những hoạt động này đã trở thành nguồn động lực to lớn, là sức mạnh nội sinh khơi dậy niềm tin của nhân dân và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở mỗi khu dân cư trên cả nước.

Những kết quả đạt được trong việc tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần nâng tầm cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đây là niềm tự hào, là động lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Minh Ngọc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dai-doan-ket-coi-nguon-suc-manh-de-dan-toc-viet-nam-vung-buoc-di-len-post483374.html