Đại đoàn kết nhìn từ di sản văn hóa
Tháng 11 hàng năm đã được Bộ VHTTDL chọn làm khoảng thời gian để tổ chức Tuần Văn hóa Đại Đoàn Kết – Di sản văn hóa Việt Nam tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam. Năm nay, Tuần 'Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam' năm 2019 diễn ra trong 6 ngày từ 18 - 23/11/2019.
Tư tưởng về đại đoàn kết dân tộc thể hiện từ rất sớm. Có rất nhiều câu ca dao nói về sự đoàn kết. Ví như: “Bầu ơi thương lấy bí cùng; Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Câu ca dao của Việt Nam này đơn giản, nhưng hình ảnh ví von thật hàm nghĩa về tư tưởng đại đoàn kết các dân tộc anh em trên cùng lãnh thổ. Nước Việt Nam hình thành và phát triển trước hết là nhờ ở sự đoàn kết. Đại đoàn kết đã trở thành di sản văn hóa của người Việt.
Việc dựng được nước không thể có nếu không có sự đoàn kết. Tư tưởng đoàn kết đã được thể hiện rất rõ trong câu chuyện từ thời Hùng Vương dựng nước. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ và sinh ra bọc trứng, nở ra trăm người con. Sau này 50 người con theo mẹ lên rừng và 50 người con theo cha xuống biển. Người con trai trưởng được lên ngôi thay cha chính là Hùng Vương, đặt Quốc hiệu là Văn Lang. Ý nghĩa của câu chuyện muốn nói lên tất cả đồng bào trên lãnh thổ nước ta từ miền rừng xuống miền biển đều là anh em một nhà.
Tinh thần đại đoàn kết thể hiện trong mọi thời kỳ dựng nước và giữ nước, đặc biệt khi đất nước gặp thiên tai, địch họa thì tư tưởng đoàn kết thương yêu nhau lại nảy nở, dâng trào. Những câu tục ngữ như “lá lành đùm lá rách”, thậm chí “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, “thương người như thể thương thân”… hình thành và đi vào đời sống xã hội ngày một sâu rộng. Đại thi hào Nguyễn Du cũng đã thể hiện tư tưởng này của dân tộc qua Văn tế thập loại chúng sinh.
Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc ở thời phong kiến đã được nhiều triều đại thực hiện. Thời Lý, nhà vua thực hiện qua các cuộc gả công chúa cho các tù trưởng ở phía Bắc. Vua Lý Thái Tổ đã gả công chúa Đông Thiên cho Giáp Thừa Quý (Thân Thừa Quý) – Tù trưởng Động Giáp ở Lạng Châu (nay là vùng Nam Lạng Sơn và Bắc Giang) rồi phong Giáp Thừa Quý làm Châu mục Lạng Châu. Nối tiếp vua cha, vua Lý Thái tông gả công chúa Bình Dương cho Thân Thiệu Thái (con trai Thân Thừa Quý). Cũng lại nối tiếp ông nội và vua cha, vua Lý Thánh Tông gả công chúa Thiên Thành cho Thân Cảnh Phúc (con trai Thân Thiệu Thái). Sử sách chép trong đời Lý ít nhất có 10 công chúa: Đông Thiên, Diên Bình, Bình Dương, Kim Thành, Trường Ninh, Ngọc Kiều, Khâm Thánh, Thiên Thành, Thiều Dung và Thụy Thiên được gả cho các tù trưởng phía Bắc. Có trường hợp như Dương Tự Minh (dân tộc Tày, người Quán Triều, Thái Nguyên) tù trưởng phủ Phú Lương (nay là một vùng rộng lớn của các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn) hai lần được vua Lý Nhân Tông và vua Lý Anh Tông gả công chúa.
Ở thế kỷ XX, Hồ Chủ tịch là người lãnh đạo thể hiện sinh động tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngày 3/12/1945 tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Nhờ sức đoàn kết tranh đấu chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh chị em trong một nhà, không còn có sự phân chia nòi giống, tiếng nói gì nữa. Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng cần đoàn kết hơn nữa…”. Và ngay từ Quốc hội khóa I đã có sự tham gia của đại diện các dân tộc thiểu số. Ở các cơ quan trung ương hay địa phương đều có sự tham gia của đại diện các dân tộc thiểu số. Trong Chính phủ thì có Nha Dân tộc thiểu số, nay là Ủy ban Dân tộc.
Tư tưởng đại đoàn kết đã được đưa vào trong các bản Hiến pháp của Việt Nam trong đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chính là tổ chức tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/dai-doan-ket-nhin-tu-di-san-van-hoa-tintuc451822