Đại đoàn kết toàn dân tộc - Mạch nguồn bền vững của văn hóa và phát triển

Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc không chỉ là một khẩu hiệu cách mạng, mà là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi chặng đường lịch sử, là nền tảng vững chắc cho công cuộc phát triển bền vững của đất nước. Theo Người, đoàn kết không chỉ là sức mạnh vật chất, mà còn là cội nguồn văn hóa – nơi gắn kết mọi tầng lớp nhân dân dưới mái nhà chung của Mặt trận Dân tộc thống nhất, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng.

Từ tư tưởng đến hành động, từ tầm nhìn chiến lược đến những việc làm cụ thể, tinh thần đại đoàn kết luôn là động lực mạnh mẽ, hun đúc nên khối sức mạnh nội sinh vững chãi. Tỉnh Quảng Ngãi - nơi hội tụ hơn 40 dân tộc anh em sinh sống hòa thuận là một minh chứng sinh động cho giá trị trường tồn ấy.

Hơn 40 dân tộc anh em cùng sinh sống tại tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh minh họa Internet

Hơn 40 dân tộc anh em cùng sinh sống tại tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh minh họa Internet

Hòa quyện trong bản sắc - Gắn kết bằng nghĩa tình

Ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng này, mỗi dân tộc mang theo những sắc màu văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt. Khi cùng nhau sống, lao động và dựng xây quê hương, họ đã dệt nên bản hòa tấu hài hòa giữa đa dạng và thống nhất, góp phần hình thành một Quảng Ngãi đậm đà bản sắc, chan chứa nghĩa tình.

Câu chuyện về ông Đinh Bồi, người Hrê ở thôn Tà Đinh (xã Sơn Linh), là minh chứng sống động cho tinh thần trách nhiệm cộng đồng. Không nề hà gian khó, ông đã miệt mài vận động bà con hiến đất, tháo dỡ hàng rào, góp công xây trường học, mở đường giao thông tất cả vì tương lai con cháu và sự phát triển của làng bản. Không chỉ dừng lại ở vai trò người có uy tín, ông trở thành hình mẫu của sự kết nối, lan tỏa những giá trị tích cực trong cộng đồng.

Tại nhiều địa phương, các mô hình như: “Không phá rừng, không nghi kỵ đồ độc”, “Chống rác thải nhựa”, “Lò đốt rác mini”... không chỉ mang ý nghĩa bảo vệ môi trường mà còn thấm đẫm tinh thần cộng đồng, góp phần hình thành lối sống văn minh, tiến bộ và đầy tính nhân văn trong đồng bào các dân tộc thiểu số.

Còn với ông A Nhoong người con của xã anh hùng Đăk Ui - những ký ức về thời kỳ kháng chiến và kiến quốc vẫn nguyên vẹn trong từng câu chuyện ông kể. Đó là những bữa cơm sẻ nửa củ sắn, là những ngày cùng nhau khai hoang, dựng xây vùng kinh tế mới trong tình thân ái, đùm bọc nhau như ruột thịt. Với ông, đoàn kết dân tộc không phải điều gì cao xa, mà chính là sự tử tế, sẻ chia trong từng hành vi đời thường.

Từ khác biệt đến hòa hợp - Văn hóa là cầu nối

Từ xuất phát điểm khác biệt về ngôn ngữ, phong tục, tín ngưỡng…, người Kinh, người Hrê, người Cor, người Mường, người Tày… tại Quảng Ngãi đã cùng nhau xây dựng nên một cộng đồng gắn bó, chan hòa. Những mối lương duyên liên dân tộc, những gia đình đa sắc tộc, những lễ hội giao lưu văn hóa… đã góp phần xóa nhòa ranh giới vùng miền, mở rộng không gian văn hóa hội nhập, nhưng vẫn giữ gìn bản sắc riêng.

Qua năm tháng, sự khác biệt không còn là rào cản mà trở thành chất xúc tác của sáng tạo văn hóa, nơi mỗi người đều trở thành chủ thể tích cực trong gìn giữ và phát huy truyền thống. Lối sống, tập quán được thẩm thấu dần, hòa quyện như dòng chảy chung không ngừng tiếp biến – tạo nên một diện mạo Quảng Ngãi đa dạng nhưng thống nhất, truyền thống nhưng hiện đại.

Mặt trận - Mái nhà chung của khối đại đoàn kết

Trong tiến trình ấy, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã thực sự trở thành điểm tựa vững chắc, là “mái nhà chung” nơi mọi sắc màu văn hóa, mọi tôn giáo, mọi tiếng nói đều được trân trọng. Tại đây, văn hóa đoàn kết không chỉ được thể hiện qua các phong trào thi đua, hoạt động cộng đồng, mà còn hiện diện trong từng nếp nghĩ, trong cách ứng xử hằng ngày - từ lời chào, tiếng hát, cho đến những bữa cơm chia sẻ khó khăn.

Việc Mặt trận linh hoạt kết nối, khơi gợi niềm tin, khơi dậy tinh thần tự lực - tự cường, đã giúp xây dựng một cộng đồng biết yêu thương, chia sẻ và phát triển bền vững, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Sự gắn bó giữa các dân tộc ở Quảng Ngãi được thể hiện qua nỗ lực gìn giữ bản sắc và xây dựng tinh thần đoàn kết vững bền. Ảnh: Hoài Tiến

Sự gắn bó giữa các dân tộc ở Quảng Ngãi được thể hiện qua nỗ lực gìn giữ bản sắc và xây dựng tinh thần đoàn kết vững bền. Ảnh: Hoài Tiến

Từ tư tưởng đến chiến lược phát triển bền vững

Tinh thần đại đoàn kết không chỉ là giá trị truyền thống, mà còn được cụ thể hóa thành chiến lược phát triển bền vững đầy tính nhân văn của Đảng và Nhà nước ta. Từ Nghị quyết 07-NQ/TW (1993) về đại đoàn kết dân tộc, đến Nghị quyết 23-NQ/TW (2003) về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết trong thời kỳ mới, và gần đây nhất là Nghị quyết 43-NQ/TW (2023) đều khẳng định vai trò trung tâm của đoàn kết trong công cuộc phát triển đất nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tại Quảng Ngãi, quá trình sáp nhập các đơn vị hành chính không chỉ đặt ra yêu cầu về kỹ thuật - hành chính, mà còn là bài toán lớn về dung hòa văn hóa - tôn giáo - lợi ích vùng miền. Sự đồng thuận trong nhân dân không thể chỉ đến từ các văn bản pháp lý, mà phải xuất phát từ sự lan tỏa của văn hóa cộng đồng, từ những hành động cụ thể, những mô hình hiệu quả, từ niềm tin được hun đúc bền bỉ trong từng trái tim người dân.

Giữ gìn mạch nguồn thiêng liêng

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công!”. Tư tưởng ấy, cho đến hôm nay, vẫn là kim chỉ nam, là mạch nguồn của mọi thắng lợi trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.

Trong bối cảnh hội nhập, chuyển đổi số và đô thị hóa nhanh chóng, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cần tiếp tục được bảo tồn, phát huy và làm mới. Không chỉ là nhiệm vụ chính trị của tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận, mà còn là trách nhiệm văn hóa - nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi công dân Việt Nam.

Giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc chính là giữ gìn hồn cốt của dân tộc, là thắp sáng ngọn lửa văn hóa Việt Nam giữa những đổi thay không ngừng của thời đại.

Khắc Mạnh

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/dai-doan-ket-toan-dan-toc-mach-nguon-ben-vung-cua-van-hoa-va-phat-trien-a29368.html