'Đại dự án' cao tốc Bắc – Nam: Cần cẩn trọng trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư
Tuyến cao tốc Bắc – Nam là tuyến giao thông huyết mạch, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa kinh tế xã hội, chính trị to lớn, giúp cải thiện chất lượng của người dân. Chính vì lẽ đó, việc thực hiện 'đại dự án' này là điều rất cần thiết và nên sớm được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, việc lựa chọn các nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện các gói thầu trong 'đại dự án' này cần phải được xem xét, lựa chọn một cách kỹ lưỡng, thận trọng.
Theo tìm hiểu được biết, tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông kéo dài hơn 2.000km, từ Lạng Sơn đến Cà Mau, đi qua 32 tỉnh, thành phố, kết nối 4 khu vực kinh tế trọng điểm. Trong đó, tuyến Hà Nội –TP HCM dài hơn 1.500km, với một số đoạn đã đưa vào khai thác, sử dụng như Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, đoạn Đà Nẵng – Quảng Ngãi, TP HCM – Dầu Giây. Cho đến nay, “đại dự án” đã khai thác và đang xây dựng một số đoạn với tổng chiều dài hơn 600 km.
Mới đây, sáng 16/9, Lễ khởi công Dự án thành phần Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đoạn Cam Lộ - La Sơn qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã diễn ra.
Đây là một trong 11 dự án thành phần theo Nghị Quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội khóa XIV tiếp tục đầu tư xây dựng một số đoạn dự án cao tốc Bắc - Nam với tổng chiều dài khoảng 654 km.
Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn đi trùng với đường Hồ Chí Minh. Đoạn tuyến có chiều dài xây dựng là 98,35km, đi qua 5 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Quảng Trị và 4 huyện của tỉnh Thừa Thiên Huế. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.669 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Phát biểu tại Lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến ý nghĩa chiến lược của tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam được Đảng, Nhà nước ưu tiên dành nguồn lực đầu tư.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Lễ khởi công chỉ là sự kiện bước đầu nên yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý Dự án cần nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án, đặc biệt là làm tốt nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư xây dựng cơ bản.
Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ những hiện tượng, hành vi tiêu cực trong lĩnh vực này như trộm cắp vật tư, vật liệu thi công, hạ định mức, dẫn đến đường bị cong, xấu; biến các gói thầu B thành B’, B’’để tăng phí hoa hồng hoặc sử dụng những đơn vị thi công không có đủ năng lực đẩy chi phí dự án tăng cao.
Có cả trường hợp các đơn vị thiết kế thi công giám sát buông lỏng trách nhiệm, hoặc thông đồng, mua chuộc chủ đầu tư; không phát hiện những sai phạm trong quy trình, không giám sát đầy đủ, dẫn đến công trình bị xuống cấp nhanh mà đoạn Quảng Ngãi – Đà Nẵng là bài học đang còn nguyên giá trị.
Cần làm rõ trách nhiệm lâu dài trong việc để xảy ra tình trạng công trình bị chất lượng kém, hoặc mới đưa vào sử dụng đã bị lún, nứt.
Chính vì vậy, Thủ tướng yêu cầu dự án cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn cũng như các dự án thành phần khác trên toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam sẽ tiếp tục được khởi công mạnh mẽ, đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, đúng quy định của Nhà nước để không có mất mát, hư hỏng xảy ra. Trường hợp để xảy ra sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
Sở dĩ có chuyện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải nhấn mạnh như vậy bởi trước đó, trong quá trình triển khai thực hiện một số các hợp phần, tuyến cao tốc nằm trong “đại dự án” cao tốc Bắc – Nam đã có nhiều những “lùm xùm” về chất lượng, thậm chí nhiều cán bộ bị khởi tố.
Cụ thể như tại dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, dù mới đưa vào sử dụng được 14 tháng nhưng đã xuất hiện hư hỏng cục bộ mặt đường, một số công trình cầu hầm chui dân sinh trên toàn tuyến xuất hiện thấm, dột, một số taluy trên tuyến bị xói lở.
Sau khi báo chí phản ánh, ngày 16/10/2018, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã ký Quyết định thanh tra đột xuất việc quản lý, thực hiện, khai thác dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
Đến ngày 14/11/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 người gồm Nguyễn Tiến Thành, nguyên giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Hà Văn Bình, nguyên giám đốc gói thầu số 7, Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Phạm Đình Phú, phó tổng giám đốc Công ty Phương Thành, giám đốc ban điều hành gói thầu số 5 và Nguyễn Thành An, thành viên Cienco 1, phó giám đốc ban điều hành gói thầu số 7.
Các bị can bị khởi tố điều tra về tội “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại điều 298 Bộ luật hình sự năm 2015.
Ở một khía cạnh khác, việc “đại dự án” cao tốc Bắc – Nam chính thức hủy bỏ đấu thầu quốc tế, thì việc lựa chọn nhà thầu trong nước cũng cần phải được lựa chọn một cách kỹ lưỡng.
Bởi lẽ, điều cần đặc biệt cân nhắc là khi tham gia rót vốn, các nhà đầu tư nội hoàn toàn phải huy động vốn thông qua ngân hàng.
Gánh nặng quá lớn đặt lên vai ngành ngân hàng khi cùng một lúc cung cấp vốn cho nhà đầu tư cùng nhiều lĩnh vực khác có khả năng gây tác động xấu đến tình hình kinh tế của cả nước.
Do đó, khi đường cao tốc Bắc - Nam kêu gọi vốn của các nhà đầu tư trong nước, có 3 điều cần đặc biệt lưu ý.
Đầu tiên, đánh giá kỹ lưỡng các rủi ro để đảm bảo cung cấp các quyền lợi, ưu đãi cho khu vực tư nhân, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp thu hồi lại chi phí ban đầu bỏ ra.
Thứ hai, giai đoạn đánh giá chất lượng nhà thầu là quan trọng nhất và cần phải minh bạch nhất có thể.
Cuối cùng, cần đặt ra các quy định nghiêm ngặt ở khâu đàm phán lại hợp đồng nhằm hạn chế tham nhũng và thất thoát cho nhà nước.
Được biết, đến thời điểm hiện tại, dự án cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn đang trong quá trình lựa chọn các nhà thầu. Và hơn ai hết, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (thuộc Bộ GTVT) được giao làm đại diện chủ đầu tư cẩn phải sáng suốt trong việc chấm thầu, lựa chọn nhà thầu có uy tín, đủ năng lực.