Dải Gaza đã đổ nát đến mức độ nào sau cuộc chiến thảm khốc với Israel?

Theo tờ Newsweek, Liên hợp quốc cho biết theo các hình ảnh vệ tinh thì có tới 69% các tòa nhà ở Dải Gaza đã bị hư hại hoặc phá hủy, tương đương với hơn 245.000 ngôi nhà.

Cảnh đổ nát sau cuộc không kích của Israel xuống Gaza ngày 4/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Cảnh đổ nát sau cuộc không kích của Israel xuống Gaza ngày 4/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Liên hợp quốc ước tính rằng hơn 50 triệu tấn rác thải hiện đang bao phủ các đường phố ở Dải Gaza, một khối lượng lớn gấp khoảng 12 lần kích thước của Kim tự tháp Giza. Theo đó, ngay cả khi có đội xe hơn 100 xe tải hoạt động toàn thời gian, việc dọn dẹp đống đổ nát tại Dải Gaza cũng phải mất hơn 15 năm.

Nhiều khu vực tại Dải Gaza vương vãi vô số vật liệu chưa nổ, vật liệu độc hại và thi thể người thiệt mạng, gây khó khăn cho mọi nỗ lực khôi phục lại trạng thái bình thường. Cơ sở hạ tầng quan trọng như đường sá, hệ thống điện và nước đã bị tàn phá và hầu hết các bệnh viện không còn hoạt động.

Dải Gaza vốn đã chịu sự phong tỏa của Israel và Ai Cập từ năm 2007. Do đó với hoàn cảnh “bi đát” về cả quy mô lần mức độ tàn phá hiện nay thì khả năng khu vực này sớm được tái thiết đang bị đánh giá là một thách thức vô cùng lớn, nếu không muốn nói là rất khó.

Ở một số khu vực của Gaza, đặc biệt là các khu vực phía Bắc, đã bị quân đội Israel tiến hành tấn công quân sự trên quy mô rộng khắp các. Điều này đã biến toàn bộ nơi đây thành bãi chiến trường với những đống đổ nát, hoang tàn.

Phạm vi và mức độ thiệt hại đầy đủ sẽ chỉ được các bên liên quan đánh giá cụ thể sau khi giao tranh kết thúc và các thanh tra viên quốc tế có thể tiếp cận khu vực này. Tuy nhiên theo tính toán sơ bộ, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính thiệt hại của khu vực do chiến tranh cho gây ra lên tới mức 18,5 tỷ USD - gần tương đương với GDP vào năm 2022 của cả Dải Gaza và Bờ Tây cộng lại.

Về phía Israel, nước này cho rằng phần lớn sự tàn phá này có nguyên nhân xuất phát từ lực lượng Hamas khi nhóm chiến binh đã phát động cuộc tấn công vào Israel vào ngày 7/10/2023, khiến hơn 1.200 người Israel thiệt mạng và bắt cóc 250 người. Để đáp trả, Israel đã triển khai các cuộc không kích trả đũa nhằm vào khu vực Dải Gaza do lực lượng Hamas kiểm soát. Theo cơ quan y tế của Dải Gaza, các cuộc tấn công của Israel đã khiến hơn 46.000 người Palestine thiệt mạng và phần lớn là người dân thường.

Theo Newsweek, Israel tuyên bố đã tiêu diệt hơn 17.000 chiến binh Hamas nhưng không đưa ra bằng chứng độc lập. Quân đội Israel khẳng định Hamas đã sử dụng các khu vực dân sự, bao gồm nhà ở và trường học, làm lá chắn để che giấu đường hầm và tiến hành các vụ phóng tên lửa.

Để tái thiết Dải Gaza, hàng tỷ USD sẽ cần sớm được đổ vào khu vực này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết nhiều nhà đầu tư đã khá thận trọng khi rót vốn vào một khu vực mà tương lai chính trị chưa thực sự rõ ràng. Bên cạnh đó, chìa khóa để tiến hành tái thiết Dải Gaza là việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa - nhưng đây vẫn là điểm nghẽn lớn trong chính sách của Israel, Mỹ và các bên liên quan.

Phía Israel cho rằng lệnh phong tỏa là cần thiết để ngăn chặn lực lượng Hamas tái vũ trang. Trong khi đó, nhiều người đã lên tiếng chỉ trích chính sách trên của Israel khi được xác định đây là “hình phạt tập thể” đối với dân thường ở Dải Gaza.

Thỏa thuận ngừng bắn mới được Israel thông qua nêu rõ việc ngừng giao tranh theo từng giai đoạn cũng hứa hẹn một quá trình tái thiết kéo dài, nhưng vẫn chưa rõ bên sẽ cai quản Dải Gaza sau khi giao tranh kết thúc. Từ lâu, cộng đồng quốc tế đã ủng hộ Chính quyền Palestine như một đại diện phù hợp để quản lý, điều hành tiềm năng đối với khu vực này. Trong khi đó, Israel lại phản đối mọi vai trò của Chính quyền Palestine ở Dải Gaza. Chính điều này đã và đang làm phức tạp thêm nỗ lực thành lập một chính quyền Palestine thống nhất.

Nếu không có một chính quyền quản lý tại chỗ phù hợp cũng như lệnh phong tỏa Dải Gaza vẫn còn hiệu lực thì một viễn cảnh các nhà tài trợ quốc tế tăng cường đầu tư vào tương lai của Gaza sẽ gần như “mờ mịt”.

Đối với nhiều người Palestine, viễn cảnh trở về nhà cũng không hề sáng sủa hơn khi các trại lều bạt mọc lên dọc theo bờ biển Dải Gaza có thể trở thành nơi thường trú lâu dài.

Bình Thanh/Báo Tin tức (Theo Newsweek)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/dai-gaza-da-do-nat-den-muc-do-nao-sau-cuoc-chien-tham-khoc-voi-israel-20250118105127363.htm