Đại gia bất động sản đình đám: Chuyện hy hữu lại tiếp diễn

Nhiều đại gia bất động sản đình đám một thời tiếp tục khó khăn và ghi nhận những biến động bất thường. Sau cú 50% cổ phiếu đổi chủ trong một buổi sáng, ông lớn địa ốc miền Bắc lại ghi nhận 27% lượng cổ phiếu chuyển nhượng trong 1 phiên.

Vốn hốc hơi 25%, gần 30% doanh nghiệp đổi chủ

CTCP Đầu tư Hải Phát - Hải Phát Invest (HPX) của Chủ tịch Đỗ Quý Hải tiếp tục ghi nhận những diễn biến bất thường trong giao dịch sau khi cổ phiếu sắp bị đưa vào diện bị đình chỉ giao dịch.

Trong phiên ngày 14/9, Đầu tư Hải Phát chứng kiến giao dịch đột biến với khối lượng khớp lệnh lên tới hơn 83 triệu đơn vị, giá trị giao dịch 456 tỷ đồng. Với 304 triệu cổ phiếu niêm yết, tổng khối lượng giao dịch trong phiên 14/9 chiếm tới hơn 27% lượng cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản này.

Dù sức cầu bắt đáy cổ phiếu này rất lớn, nhưng áp lực bán áp đảo khiến chốt phiên 14/9, cổ phiếu HPX vẫn giảm sàn, xuống còn 5.480 đồng/cp, dư bán giá sàn hơn 12,6 triệu đơn vị.

Áp lực bán cổ phiếu Hải Phát Invest diễn ra kể từ ngày 11/9 khiến cổ phiếu này giảm sàn 4 phiên liên tiếp trong bối cảnh HPX nhận quyết định bị đình chỉ giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), có hiệu lực từ ngày 18/9.

Chỉ trong vòng 4 phiên tuần này, cổ phiếu HPX đã giảm 25%. Vốn hóa cũng bốc hơi tương ứng.

Như vậy, áp lực bán và sức cầu bắt đáy diễn ra ngay thời điểm trước khi HPX bị đình chỉ giao dịch do vi phạm liên tục nghĩa vụ công bố thông tin. Sự trầm lắng của thị trường bất động sản và gánh nặng nợ nần khiến kinh doanh của HPX sụt giảm. HPX đã liên tục bị HOSE nhắc nhở và đưa vào diện cảnh báo sau đó tới diện kiểm soát do chậm nộp các báo cáo tài chính kiểm toán.

Đây là lần thứ 2, Hải Phát Invest chứng kiến tình trạng giao dịch lớn như vậy.

Trước đó, ngày 30/11/2022, Hải Phát Invest ghi nhận hơn 146,5 triệu cổ phần, tương đương gần 50% cổ phiếu được chuyển nhượng trong một buổi sáng. Khi đó, cổ phiếu HPX tăng trần sau 12 phiên giảm sàn liên tiếp.

Ở vào thời điểm đó, Hải Phát Invest được cho là cổ phiếu bất động sản thứ 3 được “giải cứu” sau khi Novaland (NVL) của chủ tịch Bùi Thành Nhơn và Bất động sản Phát Đạt (PDR) quay đầu tăng trở lại sau 17-18 phiên giảm sàn.

Hải Phát Invest được biết đến là một đại gia bất động sản miền Bắc, nổi lên trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều doanh nghiệp bất động sản khác, HPX rơi vào tình trạng mất thanh khoản khi thị trường địa ốc trấm lắng kéo dài và thị trường trái phiếu khủng hoảng sau sự kiện Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát.

Giống như Chủ tịch Bùi Thành Nhơn của Novaland, Chủ tịch HPX Đỗ Quý Hải đã bị bán giải chấp hàng chục triệu cổ phiếu HPX trong một thời gian dài, giảm tỷ lệ từ trên 40% (khoảng hơn 120 triệu cổ phiếu) xuống còn hơn 14% như hiện tại. Cổ phiếu HPX giảm từ mức trên 26.000 đồng/cp hồi cuối tháng 10/2022 có lúc xuống còn khoảng 4.000 đồng/cp.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản còn khó khăn trong hoạt kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản còn khó khăn trong hoạt kinh doanh.

Trong tháng 8 và đầu tháng 9/2023, cổ phiếu HPX tăng mạnh trở lại nhờ kỳ vọng các doanh nghiệp bất động sản đã chạm đáy và sẽ vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, tình hình tài chính của doanh nghiệp vẫn chưa rõ ràng khi báo cáo tài chính kiểm toán chưa được công bố.

Cổ phiếu bất động sản đồng loạt giảm, khó khăn còn nhiều?

Trong phiên giao dịch 14/9, nhiều cổ phiếu bất động sản giảm mạnh. Novaland (NVL) giảm 1.250 đồng xuống 18.700 đồng/cp. Bất động sản Phát Đạt (PDR) giảm 850 đồng xuống 25.400 đồng/cp. DIC Corp. (DIG) giảm 1.100 đồng xuống 27.300 đồng/cp… Vingroup (VIC) giảm 3.700 đồng xuống còn 55.500 đồng/cp; Vinhomes (VHM) giảm 3.100 đồng xuống 49.000 đồng/cp; Vincom Retail (VRE) giảm 100 đồng, giao dịch 28.900 đồng/cp.

Nhóm các cổ phiếu bất động sản chịu áp lực giảm mạnh theo những tín hiệu hồi phục chậm trên thị trường bất động sản cũng như xu hướng giảm chung trên thị trường chứng khoán theo áp lực chốt lời và những lo ngại về tình hình tỷ giá USD/VND tăng cao, khối ngoại bán ròng mạnh và kết quả kinh doanh có thể yếu kém trong quý III/2023. Trong phiên 14/9, chỉ số VN-Index giảm 14,58 điểm (tương đương giảm 1,18%) xuống 1.223,81 điểm.

Gần đây, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế phát triển mạnh trở lại, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.

Sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2023, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 144/NQ-CP trong đó có một nội dung quan trọng là yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét, điều chỉnh hệ số rủi ro các phân khúc bất động sản khác nhau.

Nghị quyết 144 cũng yêu cầu rà soát các quy định liên quan đến cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho đồng bộ, phù hợp với chính sách phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Mạnh Hà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dai-gia-bat-dong-san-dinh-dam-chuyen-hy-huu-lai-tiep-dien-2189655.html