Đại gia đình trong doanh trại (bài 2)

Đề án 'Tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn' do Công an tỉnh Sơn La mới triển khai được 2 năm, nhưng đã thu được những kết quả ý nghĩa mang tính nhân văn và tình yêu thương con trẻ.

Không chỉ là những người cha, người mẹ chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ của các con nuôi mà CBCS còn là thầy cô giáo của các em. Mong ước của những người cha, người mẹ ấy là thấy những đứa con nuôi của mình trở thành người hữu ích với xã hội, đem tri thức xây dựng những ước mơ.

Ban Giám đốc Công an tỉnh Sơn La thăm hỏi, động viên các “con nuôi”.

Ban Giám đốc Công an tỉnh Sơn La thăm hỏi, động viên các “con nuôi”.

Để đề án đi vào hoạt động một cách hiệu quả, Công an tỉnh Sơn La đã triển khai và phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng CBCS. Ban đầu khi đề án mới ra đời, chị Nguyễn Thị Thủy là cán bộ Phòng Hậu cần và Trung sĩ Lò Văn Nhượng là những người đầu tiên tiếp nhận việc chăm sóc và nuôi dưỡng các con. Cho đến nay khi số lượng con nuôi tăng từ 4 lên 36 em, Công an tỉnh đã bổ sung 2 mẹ nuôi và chiến sĩ nghĩa vụ là những người trực tiếp chăm sóc các con.

Bữa cơm đầu tiên khi nấu cho các con ăn, chỉ có thịt và rau, nhưng các chị nấu bằng cả tình thương yêu, sự săn sóc trìu mến… Thấy các con ăn ngon, thậm chí có những con ăn liền 3 bát, các chị vui lòng như thấy chính những đứa con của mình được chăm sóc. “Hôm ấy, nhìn các con ăn ngon mà lòng tôi vui sướng. Tôi tự nhủ, những đứa trẻ này từ hôm nay sẽ trở thành con cái của mình, nhiệm vụ sẽ có nhiều khó khăn, nhưng với tình yêu trẻ thì mình sẽ làm được” – chị Nguyễn Thị Thủy bộc bạch…

Ngoài ra, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh còn giao trách nhiệm chính cho Ban Thanh niên, Phụ nữ Công an tỉnh phân công đoàn viên, thanh niên, hội viên hằng tối cắt cử người tới dạy và kèm cặp kiến thức cho các con. Đồng thời, Công an tỉnh Sơn La quan tâm cơ sở vật chất, trang bị các điều kiện tốt nhất giúp các con nuôi được sống trong một môi trường bảo đảm nhất có thể, để các con phát triển toàn diện như bao đứa trẻ khác.

Các “con nuôi” Công an Sơn La luôn nhận được tình cảm đặc biệt của thầy cô và các bố mẹ nuôi.

Các “con nuôi” Công an Sơn La luôn nhận được tình cảm đặc biệt của thầy cô và các bố mẹ nuôi.

19h30 những tiếng ê a đọc chữ được vang lên trong không gian tĩnh mịch tại doanh trại của Phòng CSCĐ Công an tỉnh Sơn La… Các em nhỏ cứ đến giờ lại tự giác ngồi ngay ngắn vào bàn học cùng với sự hướng dẫn của những bố nuôi, mẹ nuôi. Sông, Hụ, Chợ, Dê - bốn em nhỏ từ xã Phiêng Cằm xa xôi sau một năm được Công an tỉnh đón về nuôi dưỡng đã có sự thay đổi “thần kỳ”. Không còn vẻ nhút nhát, sợ sệt như những ngày đầu tiên, mà đến giờ các em đã nói sõi tiếng phổ thông và được các bố mẹ Công an kèm thêm tiếng Anh và hát các ca khúc thiếu nhi.

Ngày hôm nay, khi gặp chúng tôi các em không còn vẻ ngoài rụt rè như trước. Em Lý Thị Dê cho biết: “Con và các em sống với các cô, chú Công an vui lắm. Ở đây được ăn ngon, được mặc quần áo mới, mỗi ngày lại được các cô chú dạy học. Hằng ngày, con không phải ăn ngô, ăn khoai nữa mà được ăn cơm trắng có thịt, có trứng,… Được mặc ấm và dần làm quen với giờ giấc, nền nếp sinh hoạt, được các chú dạy học võ vào buổi chiều. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này trở thành bác sĩ về xã Phiêng Cằm chữa bệnh cho người dân”.

Theo Thiếu tá Mai Nguyễn Ngọc Huyền, Phó trưởng Ban Thanh niên, Phụ nữ Công an tỉnh Sơn La, các con được đón về nuôi từ tháng 9/2021, hiện nay có một con đã thi đỗ và học tập tại Trường THPT Tô Hiệu, các cháu còn lại đang được Công an tỉnh gửi học tập tại Trường Tiểu học Lò Văn Giá và THCS Chiềng An. Vì các con ai cũng có những hoàn cảnh riêng nhưng đều thiếu thốn tình cảm nên mỗi CBCS làm nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cũng cố gắng để gần gũi, trò chuyện và nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các con.

“Biết rằng các con khi về một môi trường mới sẽ còn nhiều bỡ ngỡ, tủi thân, nên chúng tôi cũng cố gắng dành nhiều thời gian gần gũi hơn. Chúng tôi mong muốn các con sau này có ý chí nghị lực mạnh mẽ, sống có ước mơ, lý tưởng để sau này trở thành công dân có ích góp sức xây dựng bản làng, quê hương”, Thiếu tá Mai Nguyễn Ngọc Huyền bộc bạch.

Trong vòng tay yêu thương của thầy cô và các bố mẹ nuôi, các “con nuôi” Công an tỉnh Sơn La phấn khởi bước vào năm học mới.

Trong vòng tay yêu thương của thầy cô và các bố mẹ nuôi, các “con nuôi” Công an tỉnh Sơn La phấn khởi bước vào năm học mới.

Tất cả các CBCS Công an Sơn La làm nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có bất kỳ một ai được đào tạo về trình độ sư phạm. Nhưng không vì thế mà họ cho phép mình ngại khó, ngại khổ. Ngoài những CBCS làm nhiệm vụ trực tiếp tại doanh trại của Phòng Cảnh sát cơ động thì Ban Thanh niên, Phụ nữ cũng phân công nhiệm vụ tới từng chi đoàn, các cơ sở hội mỗi buổi tối thay nhau vào kèm cặp, chăm sóc các con.

CBCS làm nhiệm vụ thường hay nói đùa nhau rằng họ là Công an “hai trong một” vừa đảm nhiệm công việc thường xuyên ở đơn vị, vai nữa là trở thành những người thầy giáo, cô giáo của các con. Việc dạy dỗ, kèm cặp các con học mỗi tối là không hề đơn giản bởi chương trình học hiện nay rất khác xưa, có nhiều điều mỗi CBCS cũng chưa thể nắm bắt hết. Để kèm được thì bắt buộc các bố mẹ nuôi phải nắm rõ kiến thức, do vậy mỗi CBCS Công an tỉnh Sơn La đã phải tìm hiểu và học thêm từ chính con đẻ của mình để biết các con đang học gì, đồng thời đến gặp các thầy giáo, cô giáo nhờ tư vấn về phương pháp dạy học, cách giải những bài tập theo chương trình mới…

Em Lý Thị Dê lần đầu tiên trong đời có bộ quần áo mới để dự ngày khai giảng.

Em Lý Thị Dê lần đầu tiên trong đời có bộ quần áo mới để dự ngày khai giảng.

Theo tìm hiểu, tổng kết năm học 2021-2022, có một cháu đạt danh hiệu học sinh giỏi, 8 cháu đạt danh hiệu học sinh tiên tiến và cháu Lò Thị Diệp đã thi đỗ vào Trường THPT Tô Hiệu. Kết quả đó là nguồn động lực to lớn để các bố mẹ Công an tỉnh Sơn La nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm mang lại cuộc sống tốt đẹp cho các em, được cấp ủy, chính quyền địa phương, các nhà trường và nhân dân nơi vùng cao thêm tin tưởng, quý mến...

Trao đổi với PV, cô Cà Thị Hoản, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lò Văn Giá, TP Sơn La cho biết: Đây là một mô hình rất nhân văn và có ý nghĩa, góp phần giúp các em có hoàn cảnh khó khăn được tới lớp, được sống trong một môi trường đầy đủ về vật chất và tinh thần. Mong rằng thời gian tới sẽ có nhiều trường hợp khó khăn được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Công an tỉnh Sơn La, để các em học sinh vùng cao có những mùa khai giảng ý nghĩa và trở thành những công dân tốt, góp sức xây dựng bản làng quê hương tươi đẹp hơn.

Cao Thiên

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/dai-gia-dinh-trong-doanh-trai-bai-2--i709310/