Đại gia Phương Hữu Việt và hệ sinh thái khủng của Tập đoàn Việt Phương

Tập đoàn Việt Phương, dưới sự dẫn dắt của ông Phương Hữu Việt, không chỉ là một trong những nhân tố quan trọng tại Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank), mà còn xây dựng một hệ sinh thái khổng lồ trải dài qua nhiều lĩnh vực. Ngoài Việt Phương Group, ông Phương Hữu Việt còn nắm giữ nhiều tập đoàn khác như Capella Group, Infinity Group và LEC Group, tạo nên một mạng lưới doanh nghiệp đầy quyền lực.

Tập đoàn Việt Phương của ông Phương Hữu Việt (sinh năm 1964) được xem là một trong những nhân tố nổi bật nhất tại Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank).

Tập đoàn này không chỉ hoạt động trong các lĩnh vực như khai khoáng, bất động sản, khu công nghiệp, ngân hàng, đầu tư tài chính và thủy điện, mà còn mở rộng tầm ảnh hưởng nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ từ VietABank. Ngoài ra, ông Phương Hữu Việt còn điều hành nhiều tập đoàn khác như Capella Group, Infinity Group và LEC Group, củng cố thêm cho "đế chế" kinh doanh của mình.

Chân dung Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (VPG) tiền thân là Công ty TNHH Thương mại, Đầu tư và Du lịch Việt Phương, được thành lập ngày 5/1/1996.

Tại thời điểm thành lập, ngành nghề hoạt động chính của doanh nghiệp là Thương mại, Dịch vụ; Vận chuyển hành khách công cộng bằng Taxi; Phân phối độc quyền mặt hàng thép không gỉ của Tập đoàn NEUMO (Cộng hòa Liên bang Đức).

Năm 2001 – 2006, Việt Phương Group đầu tư ra nước ngoài và tham gia lĩnh vực sản xuất; Đầu tư Nhà máy sản xuất chế gỗ tại Tỉnh Khăm-Muộn, CHDCND Lào; Tham gia đầu tư lĩnh vực sản xuất và lắp ráp Ô tô.

Cũng trong giai đoạn này, Việt Phương Group đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực Bất động sản.

Đến tháng 3/ 2007, Việt Phương chuyển đổi mô hình sang Công ty Cổ phần.

Giai đoạn 2010 – 2015, Việt Phương Group lấn sân sang ngân hàng; Xây dựng và Năng lượng. Hiện Việt Phương đầu tư và trở thành cổ đông lớn nhất của Ngân hàng TMCP Việt Á. Theo báo cáo quản trị năm 2021 của VietABank, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương sở hữu trên 54,3 triệu cổ phiếu VietABank, tương ứng 12,21% vốn điều lệ của ngân hàng.

Từ năm 2016 đến 2020, Việt Phương Group đẩy mạnh khai khoáng (như khai thác mỏ Silica ở tỉnh Thừa Thiên Huế) và tham gia vào Dược phẩm Y tế và trở thành cổ đông chiến lược của Vinapharm.

Với 20.000 khách hàng sử dụng sản phẩm và dịch vụ và trên 369 dự án được triển khai thành công, doanh thu của Việt Phương Group hàng năm trên 1.000 tỷ đồng.

Về quy mô vốn điều lệ, theo đăng ký thay đổi của doanh nghiệp, tháng 12/2019 điều lệ của doanh nghiệp tăng từ 1.400 tỷ lên 2.000 tỷ, 1 năm sau (tháng 12/ 2020), Việt Phương Group tiếp tục tăng vốn từ 2.000 tỷ lên 3.000 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau 2 năm, quy mô vốn điều lệ của Việt Phương Group đã tăng 114%.

Tập đoàn đầu tư Việt Phương đã thực hiện nhiều giao dịch thế chấp đáng chú ý. Năm 2014, tập đoàn này đã thế chấp 2,1 triệu cổ phiếu DXG của Công ty Địa ốc Đất Xanh tại Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank).

Đặc biệt, vào tháng 5/2020, Tập đoàn đầu tư Việt Phương đã sử dụng quyền khai thác khoáng sản tại một mỏ có diện tích 406,36 ha ở xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế để thế chấp tại Ngân hàng TMCP Quân đội MB (MBB), chi nhánh Huế.

Đến tháng 10/2023, tập đoàn tiếp tục thế chấp toàn bộ phần vốn góp trị giá hơn 268,5 tỷ đồng tại Công ty TNHH Premium Silica Huế tại MBB. Giá trị khoản vay tương đương với giá trị vốn góp, tức hơn 268,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, vào đầu năm 2023, Tập đoàn đầu tư Việt Phương còn thế chấp một loạt tài sản bao gồm ô tô và máy xúc đào bánh xích tại ngân hàng MBB để đảm bảo cho các khoản vay.

Đến tháng 12/2022, Việt Phương tăng vốn lên 6.800 tỷ đồng, cổ đông góp vốn không được tiết lộ. Đại diện kiêm Tổng giám đốc là bà Phương Minh Huệ (SN 1971). Bà Phương Minh Huệ từng được bầu làm thành viên HĐQT VietABank từ 20/6/2020 nhưng đến 24/4/2021 bà Huệ không còn thành viên HĐQT của ngân hàng.

"Ông chủ" của Việt Phương Group là ông Phương Hữu Việt sinh năm 1964, quê Lương Tài, Bắc Ninh. Ông là tiến sỹ kinh tế, đã có gần 30 năm kinh nghiệm trong quản lý kinh tế.

Ông Việt cũng từng đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT VietABank từ tháng 8/2011 cho đến tháng 9/2021, trước khi miễn nhiệm.

Tại thời điểm ông Việt được bổ nhiệm Chủ tịch VietABank, ông cũng đồng thời là Chủ tịch của Việt Phương Group; Phó Chủ tịch hội doanh nghiệp Việt Nam - liên bang Nga; Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Ucraina và Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam.

Hệ sinh thái Việt Phương

Một trong những thành phần quan trọng trong hệ sinh thái của Việt Phương là Công ty Cổ phần Capella Group. Tiền thân là Công ty TNHH Capella Group, công ty này được thành lập vào tháng 7/2015 với ông Phương Hữu Việt làm Chủ tịch Hội đồng thành viên và nắm giữ 99% cổ phần, trong khi ông Nguyễn Vĩnh Huy sở hữu 1% còn lại. Vốn điều lệ ban đầu của công ty là 1.000 tỷ đồng.

Đến tháng 4/2018, ông Phương Hữu Việt rút lui khỏi vị trí lãnh đạo, và ông Nguyễn Vĩnh Huy thay thế, trở thành Chủ tịch kiêm chủ sở hữu 98% cổ phần, 2% còn lại thuộc về bà Nguyễn Thu Hằng.

Vào tháng 7/2019, bà Nguyễn Thu Hằng tiếp quản vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên, trong khi 98% cổ phần của ông Nguyễn Vĩnh Huy được chuyển giao cho ông Nguyễn Văn Trọng. Đến tháng 4/2021, cơ cấu cổ đông tiếp tục thay đổi, với ông Phương Minh Tuấn nắm giữ 60% và bà Nguyễn Thu Hằng sở hữu 40%.

Gần đây nhất, vào tháng 1/2022, công ty tăng vốn lên 3.600 tỷ đồng, với ông Phương Minh Tuấn giảm cổ phần xuống còn 30%, bằng với bà Nguyễn Thu Hằng; bà Phương Thùy Liên (chị gái của ông Phương Thành Long) nắm giữ 40% còn lại.

Capella Group là cổ đông nắm giữ 50% cổ phần tại Công ty Cổ phần LEC Group. Công ty LEC Group được thành lập vào tháng 11/2018 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm Công ty TNHH Capella Group nắm giữ 50%, CTCP OTE Group nắm giữ 35%, và Công ty TNHH Đầu tư VNC nắm giữ 15%. Ông Trần Đức Tuân hiện là người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc công ty.

LEC Group đã nhiều lần thay đổi Tổng Giám đốc; gần đây nhất, vào tháng 4/2024, ông Lê Hoàng Sơn được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc và ông Trần Đức Tuân đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị.

Công ty TNHH Premium Silica Huế, đơn vị mà Đầu tư Việt Phương sử dụng phần vốn góp để thế chấp tại MBB, được thành lập vào tháng 9/2018 với ông Hans Jurgen Schmidt làm Tổng Giám đốc và vốn điều lệ là 117,6 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Việt Phương nắm giữ 50% và Công ty TNHH Quarzwerke (có trụ sở tại Đức) nắm giữ 50%. Tháng 3/2019, công ty đã tăng vốn điều lệ lên hơn 268,5 tỷ đồng.

Tháng 7/2019, công ty cập nhật thông tin về chủ sở hữu, cho biết Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Việt Phương là chủ sở hữu duy nhất, với bà Phương Minh Huệ làm đại diện ủy quyền của 100% vốn cổ phần và đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty.

Hệ sinh thái Việt Phương còn bao gồm nhiều doanh nghiệp khác do các doanh nhân họ Phương điều hành. Điển hình là Công ty TNHH MTV Khoáng sản Việt Phương Huế, được thành lập vào tháng 4/2011 với ông Đặng Anh Chung làm Chủ tịch Hội đồng thành viên.

Tháng 4/2020, bà Phương Minh Huệ thay thế vị trí của ông Đặng Anh Chung để trở thành Chủ tịch. Đến tháng 12/2021, công ty đổi tên thành Công ty Cổ phần VP Silica và tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng. VP Silica hiện do Tập đoàn đầu tư Việt Phương nắm giữ 66%, ông Nguyễn Đình Hùng nắm giữ 30%, và 4% còn lại thuộc sở hữu của ông Nguyễn Anh Quân. Đến tháng 12/2021, công ty tiếp tục tăng vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Đầu tư Infinity cũng liên kết với các doanh nhân họ Phương, được thành lập vào tháng 11/2016. Ban đầu, ông Ngô Tấn Dũng giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Tháng 8/2017, ông Đào Ngọc Thanh tiếp tục xuất hiện trong hệ sinh thái Việt Phương với vị trí Tổng Giám đốc. Đến tháng 5/2018, ông Phương Xuân Thụy được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Vào tháng 11/2021, công ty đã tăng vốn điều lệ từ 800 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng.

Nhị Hà

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/dai-gia-phuong-huu-viet-va-he-sinh-thai-khung-cua-tap-doan-viet-phuong-125703.html