'Đại gia' Trầm Bê hiện đang ở đâu?
Bác bỏ tin đồn 'đại gia' Trầm Bê đã mãn hạn tù và được tự do, Viện KSND tối cao cho biết, ông này đang thi hành án tại trại tạm giam Công an tỉnh Trà Vinh.
Ngày 5/4, Viện KSND tối cao hoàn tất cáo trạng, phân công Viện KSND TPHCM thực hành quyền công tố và kiểm sát việc xét xử sơ thẩm vụ sai phạm xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam – nay là Sacombank. Trong số những bị can ở vụ án này có ông Trầm Bê (cựu Phó Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTD Ngân hàng Phương Nam) cùng 8 thuộc cấp và Dương Thanh Cường (Cty Bình Phát, Thanh Phát).
Theo bản cáo trạng số 25 /CT-VKSTC-V5 do Viện KSND tối cao vừa công bố, vào ngày 6/8/2018 TAND TPHCM xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Trầm Bê 4 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Sau án sơ thẩm, ông Trầm Bê không kháng án.
“Bị can Trầm Bê thi hành án phạt tù kể từ ngày 1/8/2017, đồng thời đang bị tạm giam trong vụ án này (sai phạm xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam –PV) từ ngày 27/3/2019 tại trại tạm giam Công an tỉnh Trà Vinh” – Viện KSND tối cao nêu.
Về vụ sai phạm xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam, ông Trầm Bê đang đối diện với khung phạt 10-20 năm tù. Được biết, Viện KSND tối cao truy tố ông Trầm Bê theo khoản 3, Điều 179 Bộ luật hình sự năm 1999 về tội danh “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Ông Trầm Bê đã khai gì với Cơ quan điều tra?
Theo hồ sơ vụ án, tháng 10/2007, Dương Thanh Cường đã đứng danh nghĩa Cty Thanh Phát để mua gom 10,5 ha đất nông nghiệp của các hộ dân tại địa bàn xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM với ý định đầu tư dự án.
Ngày 3/4/2008, Ban Quản lý khu Nam TPHCM có Văn bản số 335/BQLKN-KHĐT nêu rõ “không thể chấp thuận địa điểm đầu tư xây dựng dự án của Cty Thanh Phát do Khu đất nằm trong khu quy hoạch thuộc Ban Quản lý khu Nam TPHCM”.
Dương Thanh Cường biết rõ thông tin diện tích đất 10,5 ha nằm trong khu quy hoạch, đã có Quyết định thu hồi của Nhà nước, không thể sang tên sở hữu cho Cty Thanh Phát. Đồng thời, trước đó giấy chứng nhận các thửa đất nông nghiệp có tổng diện tích 10,5 ha này đã được Dương Thanh Cường thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh 6 (NHNo Chi nhánh 6) để vay số tiền 628 tỷ đồng.
Với mục đích chiếm đoạt tiền của Ngân hàng Phương Nam để sử dụng cá nhân, nên đầu tháng 4/2008, Dương Thanh Cường mang bản photocopy của 23 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) này đến gặp Trầm Bê, đề nghị vay tiền và tài sản thế chấp là 10,5 ha đất của 23 GCN QSDĐ.
Ông Trầm Bê thống nhất cho vay nếu hồ sơ đầy đủ, có tài sản thế chấp và giao cho Sở giao dịch Ngân hàng Phương Nam thẩm định hồ sơ.
Ngày 10/4/2008, Dương Thanh Cường đã ký Văn bản số 19/CV/TP/2008 gửi NHNo Chi nhánh 6 với nội dung “xin mượn toàn bộ 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng Khu đất để trình UBND phê duyệt dự án, thời gian mượn là 30 ngày” và được NHNo Chi nhánh 6 bàn giao lại 23 GCN QSDĐ và các hợp đồng chuyển nhượng.
Từ ngày 7/4/2008 đến ngày 5/6/2009, Dương Thanh Cường đã sử dụng 23 GCN QSDĐ này làm tài sản thế chấp để vay và chiếm đoạt tiền của Ngân hàng Phương Nam thông qua 3 hợp đồng tín dụng, số tiền 185 tỷ đồng và sử dụng hết vào mục đích cá nhân.
Các thành viên HĐTD Ngân hàng Phương Nam và Sở Giao dịch Ngân hàng Phương Nam đã có hành vi trái pháp luật trong việc lập, thẩm định hồ sơ, phê duyệt cho vay, giải ngân, kiểm tra, giám sát vốn vay đối với 3 hợp đồng tín dụng của Dương Thanh Cường dẫn đến gây thiệt hại cho Ngân hàng Phương Nam.
Hợp đồng tín dụng lần 1 là ngày 7/4/2018, Dương Thanh Cường lấy pháp nhân Tổng giám đốc Cty Bình Phát) ký hồ sơ đề nghị vay vốn, giấy cam kết thế chấp 23 GCN QSDĐ tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM vay 200 tỷ đồng. Ông Trầm Bê đã chỉ đạo thuộc cấp hoàn tất thủ tục và từ ngày 12/4/2008 đến ngày 23/4/2008, Ngân hàng Phương Nam đã giải ngân cho Cty Bình Phát 130 tỷ đồng.
Về Hợp đồng tín dụng này, ông Trầm Bê khai nhận với Cơ quan điều tra: Với vai trò Phó Chủ tịch HĐQT, đã quyết định phê duyệt đồng ý để Sở Giao dịch cho Cty Bình Phát vay tiền trước khi thực hiện thủ tục công chứng Nhà nước và đăng ký giao dịch đảm bảo, đối với tài sản thế chấp khi Cty Bình Phát không đủ điều kiện vay vốn; tài sản đảm bảo là đất nông nghiệp chưa sang tên là vi phạm Quy chế về cho vay của NHNN.
Về Hợp đồng tín dụng thứ 2, tháng 5/2008, Dương Thanh Cường gặp Trầm Bê xin vay thêm tiền. Ông Bê đồng ý cho vay thêm bằng cách tất toán hồ sơ vay trước đây, đồng thời làm hồ sơ vay mới. Ngày 23/5/2008, Cường ký giấy đề nghị vay thêm 130 tỷ đồng và 5.000 lượng vàng SJC, tài sản thế chấp vẫn là 23 GCN QSDĐ của lần vay đầu tiên.
Ngân hàng Phương Nam giải ngân 57 tỷ đồng và 9.000 lượng vàng (tổng cộng 221 tỷ đồng). Cường dùng gần 131 tỷ đồng tất toán hợp đồng vay lần 1 và nhận thêm 90 tỷ đồng rồi dùng số tiền này tiếp tục trả lãi vay 32 tỷ đồng.
Về Hợp đồng tín dụng lần 2 này, ông Trầm Bê thừa nhận quyết định phê duyệt đồng ý để Sở Giao dịch cho Cty Bình Phát vay tiền trước khi thực hiện thủ tục công chứng Nhà nước và đăng ký giao dịch đảm bảo đối với tài sản thế chấp khi Cty Bình Phát không đủ điều kiện vay vốn… là vi phạm Quy chế về cho vay của NHNN.
Hợp đồng tín dụng thứ 3: vào ngày 4/6/2009, khi đến hạn phải thanh toán hợp đồng lần 2 là 60 tỷ đồng và 9.441 lượng vàng, Dương Thanh Cường đến gặp ông Trầm Bê xin gia hạn nợ. Ông Trầm Bê đồng ý cho gia hạn bằng cách đảo nợ. Phía Ngân hàng Phương Nam ký hợp đồng với Cty Bình Phát với nội dung cho vay 80 tỷ đồng và 9.000 lượng vàng.
Ngày 11/10/2010, Cường ký giấy đề nghị gán tài sản thế chấp là 23 GCN QSDĐ để cấn trừ nợ gốc, lãi tổng cộng 331 tỷ đồng. Ngày 14/1/2010, hai bên ký thanh lý hợp đồng, hoàn tất việc gán tài sản.
Liên quan tới Hợp đồng tín dụng lần 3 này, ông Trầm Bê tiếp tục khai nhận vi phạm Quy chế về cho vay của NHNN.
Tổng cộng, sau 3 hợp đồng tín dụng cho Dương Thanh Cường vay, Sacombank hiện bị thiệt hại 505 tỷ đồng. Ông Trầm Bê cùng các bị can phải trách nhiệm hình sự về hành vi gây thiệt hại này. Về dân sự, Viện KSND tối cao cũng buộc ông Trầm Bề và các bị can bồi thường cho Sacombank.
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, các bị can Trầm Bê, Phan Huy Khang (cựu Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐTD Ngân hàng Phương Nam), Ngô Văn Huổi (cựu Phó giám đốc, Ủy viên HĐTD Sở giao dịch và Giám đốc Trung tâm xét duyệt tín dụng, Ủy viên HĐTD Ngân hàng Phương Nam), Phan Thị Hồng Vân (cựu cán bộ pháp chế, Ủy viên HĐTD Ngân hàng Phương Nam), Trịnh Bích Nga (cựu Trưởng phòng kinh doanh, Ủy viên HĐTD Sở giao dịch Ngân hàng Phương Nam), Nguyễn Văn Phong (cựu Phó Giám đốc, Ủy viên HĐTD Sở giao dịch Ngân hàng Phương Nam), Phạm Trường Giang (cựu Phó phòng kinh doanh, Sở Giao dịch Ngân hàng Phương Nam), Trần Quang Thắng (cựu cán bộ tín dụng Sở giao dịch Ngân hàng Phương Nam) và Trầm Việt Trung (cựu Giám đốc Trung tâm xét duyệt tín dụng; kiêm Ủy viên HĐTD Ngân hàng Phương Nam), cùng bị truy tố tội danh “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Bị can Dương Thanh Cường bị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/phap-luat/dai-gia-tram-be-hien-dang-o-dau-1635966.tpo