Đại hệ thống đê chắn lũ của Venice chưa khánh thành đã lỗi thời
Dự án chắn lũ của Italy được lên kế hoạch từ 5 thập kỷ trước đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động. Thành phố nên thơ bậc nhất thế giới, Venice, tiếp tục gánh thiệt hại từ triều cường.
Một trong những dự án kỹ thuật dân dụng được mong chờ nhất trong lịch sử Italy hiện đại là pháo đài bằng thép dưới nước trồi lên để bảo vệ thành phố kênh đào Venice. Nhưng sau nhiều thập kỷ ra đời, đại dự án vẫn chưa thể hoàn thành và đưa vào sử dụng. Một số hạ tầng chìm dưới nước biến thành nơi trú ẩn cho nghêu, hà.
Trong khi đó, Venice “mong manh” vẫn đang ngụp lặn trong đợt triều cường lịch sử hồi tuần trước. Cả thành phố từ nhà thờ, quảng trường, khách sạn ngập dưới nước. Đợt thủy triều cao gần 2 m từ biển Adriatic đã nhanh chóng bao phủ 85% thành phố, gây ra lũ lụt nghiêm trọng nhất trong gần 50 năm.
Những trận lụt nghiêm trọng như vậy đang trở nên phổ biến. Một số chuyên gia cảnh báo rằng Venice có thể ở dưới nước trong vòng một thế kỷ.
"Đó là thành phố tràn đầy lịch sử. Một lịch sử mà từng chút một sẽ bị nước nhấn chìm như Atlantis. Con người bị hủy diệt, đau khổ, buồn bã. Họ thấy một thành phố đang biến mất", Vladimiro Cavagnis, người chèo thuyền gondola đời thứ tư, nói với Washington Post.
Sự vô dụng của đại dự án
Hệ thống đập chắn MOSE đã tiêu tốn hơn 6 tỷ Euro kể từ khi khởi công năm 2003 và dự kiến đến năm 2011 hoàn thành. Đến nay, nó bị lùi đến năm 2021 hoặc 2022.
Một số chuyên gia cho rằng với tốc độ dâng cao của mực nước biển, đập chắn có thể không còn tác dụng sau vài thập kỷ. Số khác tự hỏi với lịch sử “xin lỗi” của mình, liệu hệ thống MOSE bao giờ mới sẵn sàng chắn lũ. Một vài phần của hệ thống đã bị gỉ sét.
“Tôi sợ là nó sẽ không bao giờ hoạt động, nhưng tôi phải hy vọng nó sẽ hoạt động được”, ông Marco Gasparinetti, một nhà hoạt động xã hội ở Venice, bày tỏ. “Hoặc không thì tôi phải bán nhà đi chỗ khác”.
Có nhiều cách giải thích cho trận lụt định kỳ và thậm chí là thảm họa ở Venice: sự mong manh vốn có của thành phố được tạo nên bởi 118 hòn đảo, bởi mực nước biển dâng và hậu quả của biến đổi khí hậu, các mảng kiến tạo dịch chuyển khiến đất bị chìm hay việc nạo vét để làm đường cho tàu chở dầu và tàu du lịch. Nhiều người Venice đổ lỗi cho chính quyền.
Thị trưởng Venice Luigi Brugnaro cho rằng nếu MOSE được đưa vào hoạt động theo kế hoạch thì thiệt hại trong tuần vừa qua có thể tránh được.
Bê bối tham nhũng
MOSE là từ viết tắt tiếng Italy của “Module điện cơ thí nghiệm”, lấy cảm hứng từ Thánh Moses rẽ nước Biển Đỏ trong Kinh thánh. Đại dự án ra đời sau trận lụt lịch sử năm 1966.
MOSE gồm 78 cổng cơ động khổng lồ dưới nước để chống lũ, ngăn nước từ biển Adriatic và đầm phá Venetian. Các cổng được thiết kế để trồi lên khi triều cường bất ngờ dâng cao. Chúng sẽ bịt kín đầm phá lại.
Ít nhất về lý thuyết là vậy. Trên thực thế, nó liên tiếp bị dời ngày chủ yếu vì tham nhũng, đội vốn và liên tục chậm tiến độ, những vấn đề rất phổ biến ở các dự án xây dựng lớn tại nước này.
Năm 2014, 30 người liên quan tới dự án đã bị bắt trong vụ điều tra một quỹ đen hơn 25 triệu euro nhằm hối lộ chính quyền, trong đó có Thị trưởng Giorgio Orsoni và cựu thống đốc của vùng, Giancarlo Galan. Tiền thuế của người dân bị lấy khỏi MOSE và được dùng để mua chuộc các chính trị gia.
“Sự chậm trễ này là nỗi nhục nhã của toàn thể Italy và chúng ta cần một giải pháp ngay bây giờ”, Alessandro Morelli, người đứng đầu Ủy ban Vận tải nước này nói hôm 13/11.
Các chuyên gia kỹ thuật có mối lo ngại lớn hơn về MOSE rằng ngay cả sau khi mọi chuyện bung bét, dự án vẫn không thể trở thành “vị cứu tinh” như những gì mọi người mong đợi.
Giải pháp tạm thời
Theo một báo cáo của UNESCO, một nguyên mẫu của MOSE đã được thử nghiệm lần đầu tiên vào những năm 1980, nhưng đến nay đã lỗi thời trong điều kiện biến đổi khí hậu. Các chuyên gia bây giờ chỉ coi MOSE như một phương án tạm thời trong vài thập kỷ để Italy nghĩ ra kế hoạch khác.
“Giải pháp của MOSE là lỗi thời và sai cả về mặt triết lý lẫn khái niệm”, Luigi D’Alpaos, Giáo sư danh dự ngành Thủy lực học của Đại học Padova, người đã viết một cuốn sách về Venice, nhận định. “MOSE có thể hoạt động bình yên và không có vấn đề gì trong vòng 10 đến 20 năm. Nhưng sau đó, các vấn đề sẽ nảy sinh và cần phải thực hiện các hành động khác”.
Ý định đằng sau những cánh cổng nâng lên hạ xuống là để giữ thẩm mỹ cho Venice và cho phép ngư dân và những con tàu ra vào cảng. Quan trọng hơn, hệ sinh thái trong đầm phá của Venice có thể bị hủy hoại nếu bị bịt kín lại.
Ông D’Alpaos nói rằng với mực nước biển chỉ cao hơn 50 cm, MOSE sẽ cần được sử dụng gần như mỗi ngày. Trong kịch bản đó, đê chắn lũ có thể hoạt động để giữ cho Venice khô ráo nhưng cũng tạo ra một thành phố kém hấp dẫn hơn khi đầm phá bao quanh Venice bị biến thành một hồ nước đọng đầy tảo và chất thải.
Báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Italy cho thấy mực nước biển vào năm 2100 sẽ tăng từ 60-110 cm, nếu khí thải tiếp tục tăng.
Tập đoàn phụ trách chính dự án MOSE cho biết đập chắn được thiết kế để ngăn mực nước biển dâng lên tới 60 cm.
Lũ lụt ở Venice có liên quan đến triều cường. Trong những ngày gần đây, nước đã tràn vào thành phố từ một đến hai lần/ngày. Tình hình được dự đoán ngày càng trở nên tồi tệ hơn khiến nhiều người dân tuyệt vọng về tương lai của thành phố.
Trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ 20, Venice đã hứng chịu 5 đợt triều cường dâng cao hơn 110 cm. Hai thập kỷ đầu của thế kỷ 21, thành phố này phải chứng kiến những đợt triều cường tương tự hơn 130 lần.
Pierpaolo Campostrini, Giám đốc nhóm quản lý đầm phá Venice, nói rằng ngay cả khi MOSE hoạt động từ 20 đến 30 năm thì điều này cũng đáng giá, vì Venice phải trả giá bất cứ khi nào bị ngập.
Campostrini đề cập đến một giải pháp dài hạn lấy ý tưởng từ nhà thủy văn học của Đại học Padova là bơm nước biển vào lòng thành phố trong nỗ lực nâng cao địa hình của Venice. Tuy nhiên, ý tưởng vẫn đang được thảo luận. “Một điều gì đó có thể được nghiên cứu khi chân chúng ta khô”, ông nói thêm.
“Tất nhiên, để làm được điều này cần có sự nghiên cứu nghiêm túc”, Giám đốc Campostrini nói. “Tuy nhiên, chi phí của nó sẽ thấp hơn MOSE”.