Đại học có dạy ta sự công bằng?

Trường đại học, đối với tôi mà nói là một môi trường tuyệt vời để tìm kiếm sự công bằng. Đây là nơi cho tôi cảm giác mình có thể thỏa sức tìm kiếm và làm bất kì điều gì bản thân mong muốn.

Tốt nghiệp đại học Sư phạm, tôi bắt đầu đi dạy, lần này người gặp sự bất công không phải tôi, mà là các bạn nhỏ tôi dạy. Câu chuyện có khi còn buồn hơn là chính tôi gặp bất công, vì tôi lo rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến tư duy của các em sau này. Rất có thể vì điều này mà chúng không muốn tiếp tục cố gắng và không tin vào sự công bằng nữa.

Các bạn học sinh của tôi đã luôn phải chịu những câu chuyện bất công khi còn đi học. Khi học thêm với tôi mà không phải giáo viên trên trường, chúng sẽ không được biết trước đề, sẽ bị chê, bị dìm, bị chấm điểm thấp, thậm chí là chịu mỉa mai từ giáo viên trên lớp mặc dù chúng vẫn làm được bài và có kết quả đúng. Tại sao giáo viên lại bất công như vậy? Đúng, “Tại sao lại bất công đến vậy?”.

Tôi cũng luôn đặt ra câu hỏi: Công bằng ở đâu cho những đứa trẻ ở độ tuổi chúng chưa thể tự đòi công bằng cho chính mình? Như tôi của những năm trước. Ở cái tuổi nhỏ non nớt này, chúng luôn cần có một người lớn đứng ra đòi công bằng giúp hoặc nếu không muốn người lớn xâm chiếm không gian riêng tư thì đành phải chịu đựng, nhẫn nhịn sự bất công để đến một ngày tự đi tìm sự công bằng cho riêng mình.

Thậm chí, có đôi khi cái tuổi nhỏ của thời học cấp 2, cấp 3, người ta còn chưa chín chắn trong cách định nghĩa về sự bất công, đôi khi ngộ nhận mọi người không công bằng chỉ vì mình không được lợi.

Tôi luôn khuyên học sinh của mình phải bình tĩnh lại để suy xét: Trên lớp, con có thực sự làm đúng không? Nếu con làm đúng, cô giáo phê bình là cô chưa hiểu con. Còn nếu con chỉ vì không nhận được số điểm như mong muốn, chưa đạt được quyền lợi con hi vọng mà bảo đó là bất công thì con phải tự nhìn lại chính mình. Hãy tỉnh táo suy xét giữa công bằng và quyền lợi, nó đôi khi không song hành cùng nhau.

Công bằng không phải là chỉ bản thân mình được lợi. Vậy nên, chỉ có những người chín chắn, nhận thức rõ ràng và đúng đắn về điều này mới có thể tự tìm thấy sự công bằng cho mình.

Tôi tin rằng, đó nên là độ tuổi những đứa trẻ bước chân vào giảng đường đại học, chúng có đủ trưởng thành để tự mình đấu tranh và nỗ lực cho mục tiêu và khát vọng của mình. Lúc ấy, chúng sẽ có cơ hội tự lên tiếng đòi lại công bằng cho mình, tự tin nêu lên định nghĩa về sự công bằng, và tất nhiên sẽ tự chịu trách nhiệm cho tuyên bố đó.

Trường đại học, đối với tôi mà nói là một môi trường tuyệt vời để tìm kiếm sự công bằng. Đây là nơi cho tôi cảm giác mình có thể thỏa sức tìm kiếm và làm bất kì điều gì bản thân mong muốn.

Một môi trường đầy sự tự do cho bạn cơ hội được chọn thời gian học bằng cách đăng kí tín chỉ, cho bạn lựa chọn cách học nghiêm túc hay lơ là như bạn mong muốn, cho bạn được quyết định đi học đủ số tiết học hay không…và còn nhiều đặc quyền khác mà không trường phổ thông nào có được.

Ở nơi đó, bạn công bằng với tất cả người bạn của mình về cơ hội lựa chọn, không phân cấp giàu nghèo. Một môi trường có đủ sự ràng buộc để bạn không chỉ biết thế nào là công bằng với chính mình mà còn là công bằng với mọi người.

Bạn có thể lựa chọn thời gian học nhưng nếu bạn chọn không hợp lí, bạn sẽ phải chấp nhận sản phẩm thời khóa biểu mà mình tạo ra. Bạn nghiêm túc hay lơi là là việc của bạn nhưng sự lơi là sẽ phải trả cái giá khá đắt: tiền và thời gian học lại. Bạn đi học đầy đủ hay thiếu vài buổi, đó là quyền của bạn nhưng bạn có đạt điểm 10 chuyên cần hay không thì chắc chắn là giảng viên sẽ quyết định.

Bạn thấy đấy, công bằng của đại học là khái niệm bạn có thể tự mình xây dựng, tự quyết định, nhưng nó không phải câu chuyện chúng ta thích lập trình ra sao cũng được vì có người sẽ đánh giá tiêu chí công bằng của bạn và san phẳng để nó cũng là công bằng của cả số đông đi cùng với bạn.

Ở nơi đây tôi đã tìm thấy hành trình công bằng của mình, và tôi muốn học sinh của tôi cũng có thể biết được những giá trị tốt đẹp đó ở đại học.

Giáp Văn Dương - Nhiều tác giả / Times - NXB Dân Trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/dai-hoc-co-day-ta-su-cong-bang-post1488537.html