Thất nghiệp báo động ở giới trẻ châu Á

Sự gia tăng chất lượng và số lượng giáo dục đại học tại châu Á tỷ lệ thuận với tình trạng thất nghiệp ở thanh thiếu niên.

Tỷ lệ thất nghiệp ở sinh viên Trung Quốc cao kỷ lục.

Tỷ lệ thất nghiệp ở sinh viên Trung Quốc cao kỷ lục.

Điều này đặt ra câu hỏi về giá trị của bằng cấp đại học và ảnh hưởng của xu hướng trên đối với sự phát triển của đất nước.

Theo bảng xếp hạng đại học châu Á của tổ chức giáo dục Times Higher Education (THE), các trường đại học tăng trưởng cả về chất lượng lẫn số lượng. Tuy nhiên, con số này tỷ lệ thuận với tỷ lệ thanh thiếu niên thất nghiệp và thiếu việc làm.

Đơn cử, Trung Quốc là quốc gia có nhiều trường đại học được xếp thứ hạng cao tại châu Á và quốc tế như Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh… Tỷ lệ tuyển sinh đại học ở nước này tăng từ 8% vào năm 2000 lên 60% vào năm 2024.

Gần 12 triệu sinh viên dự kiến tốt nghiệp trong năm nay. Nhưng tỷ lệ thanh thiếu niên thất nghiệp ở quốc gia này vào năm 2023 đạt mức cao kỷ lục là 21%. Kể từ đó, Trung Quốc dừng công bố tỷ lệ thanh thiếu niên thất nghiệp.

Tại Hàn Quốc, tỷ lệ thất nghiệp của thanh thiếu niên không cao như Trung Quốc nhưng tỷ lệ thất nghiệp sau đại học đã tăng trong 10 năm qua. Tỷ lệ việc làm của Hàn Quốc nhìn chung cũng ở mức thấp so với mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Vì không tìm được công việc phù hợp với nguyện vọng, nhiều người trẻ đang rời bỏ thị trường lao động.

Các quốc gia châu Á như Bangladesh, Sri Lanka hay Indonesia cũng rơi vào tình trạng tương tự. Theo các chuyên gia, nguyên nhân nằm ở chỗ các trường đại học đã trở nên phổ biến nên bằng tốt nghiệp đã giảm sức cạnh tranh khi cử nhân tìm việc làm. Thậm chí nhiều người sau khi tốt nghiệp phải học lên thạc sĩ, tiến sĩ để tăng khả năng cạnh tranh.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác cho rằng các tổ chức giáo dục đại học không phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho tình trạng thất nghiệp ở thanh thiếu niên. Bà Anita Medhekar - giảng viên kinh tế cao cấp tại Đại học Central Queensland, Australia, cho biết văn hóa Đông Á được định hình bởi di sản Khổng Tử, trong đó chú trọng giáo dục. Vì vậy, dù tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, các gia đình không bao giờ từ bỏ việc học của con cái.

Để giải quyết tình trạng thất nghiệp, Chính phủ Trung Quốc, Ấn Độ hay Hàn Quốc đã đầu tư nhiều hơn cho giáo dục nghề nghiệp nhưng điều này gây ảnh hưởng đến giáo dục đại học truyền thống. Ví dụ, Ấn Độ thông báo cắt giảm ngân sách dành cho đại học trong năm 2024 và chuyển sang đầu tư cho các trường dạy nghề sau trung học.

Theo ông Randall Jones - cựu Giám đốc OECD tại Nhật Bản và Hàn Quốc, các nước cần giải pháp sáng tạo hơn. Đơn cử, sinh viên cần được trao quyền học tập linh hoạt hơn và có thể chuyển ngành học khi không cảm thấy phù hợp. Điều này giúp các em trải nghiệm nhiều ngành học và tìm ra công việc phù hợp với khả năng của bản thân.

Ngoài ra, các nước cần cải thiện đầu tư cho các trường đại học có thứ hạng thấp vì hệ thống giáo dục châu Á vẫn rất “phân cấp”. Việc đầu tư đồng bộ giúp các trường mở rộng mạng lưới quan hệ hợp tác với doanh nghiệp để tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.

Tại Hàn Quốc, vì tỷ lệ thất nghiệp cao, phụ huynh cho con học trường tư, trường chất lượng cao phổ thông thay cho trường công lập để tối đa hóa cơ hội ghi danh vào các trường đại học hàng đầu. Hay cả tầng lớp người nghèo ở Ấn Độ cũng mong muốn con cái được học đại học và sẵn sàng bán nhà cửa để đóng tiền học cho con. Họ hi vọng con cái sẽ có tương lai tốt hơn.

Theo THE

Tú Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/that-nghiep-bao-dong-o-gioi-tre-chau-a-post707859.html