Đại học Đà Nẵng: 4 giảng viên đi đào tạo từ ngân sách nhà nước không về
Đại học Đà Nẵng cùng với các trường đại học thành viên tiếp tục tăng cường quản lý, vận động viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập đúng hạn để về công tác.
Thực tế hiện nay, nhiều trường đại học cử giảng viên đi học ở nước ngoài để nâng cao trình độ, nhưng sau đó những giảng viên này không trở về nước. Đơn cử như Đại học Đà Nẵng có 19 trường hợp giảng viên được cử đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài dù đã quá hạn nhưng chưa về.
Đại học Đà Nẵng. Ảnh: Website nhà trường.
Liên quan đến vấn đề này, sáng ngày 15/3, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Cao Xuân Tuấn - Trưởng Ban Tổ chức cán bộ, Đại học Đà Nẵng thông tin, từ trước đến nay, đơn vị đã làm thủ tục cử hơn 1.246 viên chức đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài theo các đề án. Trong đó, có 246 trường hợp đi đào tạo từ nguồn ngân sách nhà nước và hơn 1.000 viên chức từ kinh phí ngoài ngân sách nhà nước.
Tiến sĩ Cao Xuân Tuấn khẳng định, công tác quản lý viên chức đi học ở nước ngoài được Đại học Đà Nẵng và các trường đại học thành viên thực hiện rất chặt chẽ theo đúng các quy định hiện hành, thường xuyên giữ liên lạc với viên chức trong suốt quá trình học tập. Các trường hợp đi học quá hạn đều có thông báo nhắc nhở, đề nghị viên chức về nước tiếp tục công tác theo cam kết và đề nghị các trường (đơn vị quản lý trực tiếp) xử lý theo quy định.
Thầy Tuấn cho biết thêm, Đại học Đà Nẵng có 19 giảng viên đi học tiến sĩ ở nước ngoài đã quá thời hạn nhưng chưa về nước, trong đó,15 trường hợp đi học bằng kinh phí cá nhân hoặc học bổng giáo sư, cơ sở đào tạo nước ngoài cấp; 4 trường hợp được cử đi học theo các Đề án từ nguồn ngân sách nhà nước. Đối với 4 giảng viên đi đào tạo từ ngân sách nhà nước không về, hiện có 2 trường hợp xin thôi việc.
"Các trường thành viên đã tổ chức xét và ban hành quyết định đền bù chi phí đào tạo. 2 trường hợp còn lại, hiện nhà trường vẫn tiếp tục liên hệ với viên chức, trong trường hợp chắc chắn không về, Đại học Đà Nẵng sẽ chỉ đạo các trường xử lý theo thẩm quyền và đề nghị bồi hoàn kinh phí đào tạo theo quy định", Tiến sĩ Cao Xuân Tuấn cho hay.
Thầy Tuấn cho rằng có nhiều lý do khác nhau khiến một số viên chức được cử đi đào tạo ở nước ngoài đã hết thời hạn nhưng chưa về nước. Chẳng hạn như họ đang tham gia các chương trình, dự án nghiên cứu cùng các giáo sư nước ngoài, điều kiện làm việc, thu nhập, gia đình…
Trưởng Ban tổ chức cán bộ, Đại học Đà Nẵng cũng bày tỏ thêm: "Theo quy định, ngoài cam kết của viên chức khi được cử đi học và quyết định bồi hoàn kinh phí khi không thực hiện đúng cam kết thì nhà trường không có chế tài nào khác để buộc viên chức phải về nước khi hết thời hạn học tập. Trong thời gian tới, Đại học Đà Nẵng cùng với các trường đại học thành viên sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, vận động viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập đúng hạn để về lại trường tiếp tục công tác".
Được biết, theo Khoản 2, Điều 6, Thông tư số 25/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn triển khai đào tạo trình độ tiến sĩ, trình độ thạc sĩ cho giảng viên các cơ sở giáo dục đại học theo quyết định số 89 ngày 18 tháng 1 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2023 (Đề án 89) nêu trách nhiệm của người học như sau:
Tuân thủ quy định và chịu sự quản lý của cơ sở đào tạo trong thời gian học tập, nghiên cứu; báo cáo cơ sở cử đi tiến độ, kết quả học tập và nghiên cứu định kỳ 06 tháng hoặc khi kết thúc kỳ học, năm học trong thời gian đào tạo và khi tốt nghiệp chương trình đào tạo;
Hoàn thành chương trình đào tạo đúng hạn và được cấp bằng tiến sĩ, bằng thạc sĩ theo quy định của cơ sở đào tạo;
Trong thời gian học tập, nghiên cứu hoặc chậm nhất trong 12 tháng sau khi tốt nghiệp, người học tiến sĩ phải công bố kết quả nghiên cứu liên quan trực tiếp tới đề tài luận án, được minh chứng bằng ít nhất 02 công bố khoa học đối với người học tập trung toàn thời gian ở nước ngoài, hoặc ít nhất 01 công bố khoa học đối với người học ở các hình thức còn lại trong các ấn phẩm thuộc danh mục Web of Science hoặc Scopus với tư cách là tác giả chính hoặc tác giả liên hệ. Riêng đối với người học tiến sĩ các ngành thuộc lĩnh vực nghệ thuật và nhóm ngành thể dục thể thao có thể thay thế công bố khoa học bằng 01 giải thưởng chính thức của các cuộc thi quốc gia hoặc quốc tế được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận;
Tự bảo đảm tài chính để tiếp tục học tập, nghiên cứu và hoàn thành chương trình đào tạo trong trường hợp thời gian đào tạo theo tiếp nhận của cơ sở đào tạo dài hơn thời hạn tối đa được nhận kinh phí hỗ trợ từ Đề án quy định tại khoản 4 Điều 4 của Thông tư này;
Thực hiện trách nhiệm của người học theo pháp luật của nước sở tại và theo quy định hiện hành đối với công dân Việt Nam khi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài;
Quay trở về cơ sở cử đi ngay sau khi tốt nghiệp và làm việc trong thời gian tối thiểu theo quy định của Nghị định số 143/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo đối với người học không phải là công chức, viên chức (sau đây viết tắt là Nghị định 143); theo quy định của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (sau đây viết tắt là Nghị định 101) đối với người học là công chức, viên chức và các quy định hiện hành khác có liên quan;
Thực hiện bồi hoàn kinh phí hỗ trợ đã nhận từ đề án trong thời gian học tập, nghiên cứu theo quy định tại Nghị định 143 đối với người học không phải là công chức, viên chức và theo quy định tại Nghị định 101 đối với người học là công chức, viên chức và các quy định hiện hành khác có liên quan trong trường hợp vi phạm những quy định tại Điều 3 của Nghị định 143, Điều 7 của Nghị định 101 và không thực hiện đầy đủ những trách nhiệm khác của người học quy định tại Điều này.