Đại học Đông Đô 'lại quả' cho người môi giới làm bằng giả

Cựu hiệu phó Trần Kim Oanh khai sau khi lôi kéo học viên nộp tiền làm bằng giả, nhà trường trích lại cho người môi giới ít nhất 7 triệu đồng mỗi hồ sơ.

Chiều 23/12, 10 cựu lãnh đạo, cán bộ Đại học Đông Đô tiếp tục trả lời thẩm vấn HĐXX, đại diện VKS và nhóm luật sư bào chữa trong phiên xử vụ cấp hàng trăm bằng đại học, chứng nhận giả thu lợi bất chính 7,1 tỷ đồng.

Theo cáo buộc, bị cáo Trần Kim Oanh (cựu Hiệu phó Đại học Đông Đô) vì vụ lợi, đã chỉ đạo cấp dưới tiếp nhận hồ sơ làm giả văn bằng 2 tiếng Anh. Bà Oanh ký 16 danh sách đề nghị in bằng giả cho 287 cá nhân, hưởng lợi 48 triệu đồng.

Tại tòa, nữ bị cáo trình bày trong quá trình làm việc, ông Trần Khắc Hùng (cựu Chủ tịch HĐQT, đang trốn truy nã) đặt ra quy định mỗi cán bộ, nhân viên của trường cần môi giới, lôi kéo học viên đăng ký và nộp hồ sơ cấp văn bằng 2 tiếng Anh không qua đào tạo.

"Văn bản của trường quy định mỗi năm, nhân viên phải có ít nhất 4 hồ sơ xin làm giả văn bằng 2", bà Oanh khai và cho rằng sau khi học viên nộp tiền, nhà trường sẽ "lại quả" bằng việc trích cho nhân viên ít nhất 7 triệu đồng mỗi hồ sơ. Bằng việc này, bà Oanh hưởng lợi 48 triệu.

 Bị cáo Trần Kim Oanh. Ảnh: N.H.

Bị cáo Trần Kim Oanh. Ảnh: N.H.

Một cựu hiệu phó khác là Lê Ngọc Hà cũng thừa nhận đã hưởng lợi bất chính 100 triệu đồng thông qua việc lôi kéo người đến Đại học Đông Đô làm bằng đại học giả. Ông Hà khai không nhớ số lượng học viên mình môi giới, nhưng nhớ mỗi cá nhân đã nộp từ 29 triệu đến 35 triệu đồng học phí để được cấp bằng.

Bị cáo Hà cho rằng các học viên đã đưa cho ông ta tổng số tiền 1,8 tỷ đồng. Sau đó, bị cáo nộp cho quỹ nhà trường 800 triệu. Khi xuất hiện thông tin Đại học Đông Đô làm bằng giả, nhiều người đòi lại tiền nên ông Hà hoàn trả 900 triệu cho người nộp và giữ lại 100 triệu đồng.

Bị cáo Nguyễn Thị Huệ (cựu Trưởng phòng Tài vụ) cũng thừa nhận Đại học Đông Đô trích thưởng tiền cho cán bộ, nhân viên đưa được học viên đến "mua" bằng đại học.

Huệ khai nhà trường công khai quy định về việc "lại quả" trên nhưng bị cáo không nắm rõ ai được thưởng bao nhiêu tiền. Bản thân Huệ thừa nhận được hưởng lợi 65 triệu đồng.

 Cựu Hiệu phó Đại học Đông Đô Lê Ngọc Hà. Ảnh: N.H.

Cựu Hiệu phó Đại học Đông Đô Lê Ngọc Hà. Ảnh: N.H.

Cùng trả lời thẩm vấn, những bị cáo còn lại thừa nhận hành vi và khai do thiếu hiểu biết về pháp luật, làm theo chỉ đạo của cấp trên nên để xảy ra sai phạm.

"Lúc đó bị cáo mới vào làm việc, thấy nhà trường vẫn làm dưới sự quản lý của bộ nên chưa nhận thức được công việc đó là sai", Nguyễn Thị Lương (cựu nhân viên Đại học Đông Đô) giãi bày.

Một cựu cán bộ khác của trường là Ngô Quang Hiển khai được hưởng lợi 10 triệu đồng sau khi giới thiệu cho 3 trường hợp đăng ký làm văn bằng 2 giả. "Tiền này do nhà trường chi trả. Bị cáo rất hối hận, vì thiếu hiểu biết nên gây ra sai phạm", bị cáo Hiển phân trần.

Ngày mai (24/12), phiên tòa tiếp tục xét hỏi trước khi VKS công bố quan điểm luận tội và đề nghị mức án dành cho 10 bị cáo.

VKS cáo buộc từ tháng 4/2018 đến tháng 3/2019, Trần Khắc Hùng lợi dụng chức vụ, chỉ đạo cấp dưới làm, cấp văn bằng 2 tiếng Anh giả của hệ chính quy cho người có nhu cầu. Các bị cáo đã cấp 429 văn bằng giả, qua đó thu hơn 7,1 tỷ đồng.

Trong vụ án, Trần Khắc Hùng giữ vai trò chủ mưu. Tuy nhiên, bị can đã bỏ trốn nên cảnh sát ra quyết định truy nã về tội Giả mạo trong công tác, khi bắt được sẽ xử lý sau.

Hoàng Lam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dai-hoc-dong-do-lai-qua-cho-nguoi-moi-gioi-lam-bang-gia-post1285208.html