Đại học Harvard: 4 thói quen thường xuyên của cha mẹ 'hủy diệt' chỉ số IQ của con
Trong nhiều gia đình, cha mẹ đặt kỳ vọng rất lớn vào con cái nhưng lại không biết rằng một số hành động và thói quen của mình đang vô tình gây sụt giảm chỉ số thông minh của đứa trẻ.
Đó là kết quả được nghiên cứu bởi Đại học Harvard, khi các giáo sư hàng đầu của ngôi trường này đã tiến hành theo dõi quá trình trưởng thành của những đứa trẻ. Kết quả chỉ ra nếu cha mẹ thường làm 4 hành động dưới đây, con cái có thể giảm chỉ số IQ và ngày càng kém thông minh đi.
1. Thường xuyên ngăn không cho trẻ chơi và ra lệnh cho trẻ ngồi vào bàn học
Chơi là bản chất của trẻ, nếu bạn mù quáng ngăn trẻ lại, thường xuyên cấm trẻ chơi và ép học chính là sai lầm rất lớn trong giáo dục.
Nếu bạn luôn ép trẻ học không ngừng, con bạn chắc chắn sẽ cảm thấy nhàm chán mỗi lần phải ngồi vào bàn học.
Giáo dục thành công là chuyển từ "bắt con học" thành "con muốn học", tức là chuyển động cơ bên ngoài thành động cơ bên trong, huy động triệt để hứng thú học tập của trẻ. Giáo dục không phù hợp sẽ chỉ làm mất hứng thú học tập ban đầu của trẻ.
2. Gán những hình ảnh tiêu cực lên con
Cách đây không lâu, một ông bố ở tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) đã gây sốt với bài phát biểu trong buổi họp phụ huynh khi có con trai học kém nhất lớp. "Thành tích học của con tôi không tốt, nhưng tôi vẫn luôn tin con sẽ có tương lai tươi sáng phía trước".
Nhiều người bày tỏ sự khâm phục với người cha này vì ngay trong tình huống có thể gây xấu mặt nhất, ông vẫn bình tĩnh phát biểu và khiến nhiều người tin tưởng vào cậu con trai.
Sau đó, người cha còn tự giải thích thêm về việc học kém của cậu bé.
"Thứ nhất, tuy học không giỏi nhưng cháu vẫn ăn và ngủ đầy đủ. Tôi thực sự ngưỡng mộ con ở điểm này. Là cố vấn tâm lý cấp cao nhưng tôi phải thừa nhận rằng tâm lý con mạnh hơn tôi. Thứ hai, đứa trẻ có thể vượt qua kỳ thi nếu có sự đồng hành của các giáo viên bộ môn. Cha mẹ nên tin rằng con mình sẽ tiến bộ từng ngày".
Bài phát biểu vừa cảm động, cũng đầy tình cảm đã thực sự gây được ấn tượng và nhận về nhiều tràng pháo tay của các phụ huynh khác. Qua vài câu nói, người cha không chỉ bảo vệ lòng tự trọng và sự tự tin của con trai, ông còn ngầm động viên và ghi nhận những nỗ lực của đứa trẻ.
Mặc dù có con bị coi học kém nhất lớp, song người cha không gán cho trẻ những từ như "con hư", "con không ngoan". Thay vào đó, ông nhìn thấy những điểm sáng của con là có tâm lý mạnh và luôn biết tiến về phía trước.
Người cha này đã thể hiện một quan điểm giáo dục đúng đắn: Cha mẹ thực sự khôn ngoan khi biết chấp nhận những điểm yếu của con.
Thực tế, nếu cha mẹ áp đặt con cái một cách mù quáng và dán nhãn tiêu cực sẽ chỉ khiến đứa trẻ tự phủ nhận chính mình. Bởi dù có giỏi giang hay cố gắng thế nào, trẻ cũng không nhận được sự công nhận từ những người thân thiết. Về lâu dài, chúng có xu hướng tuyệt vọng và "từ bỏ" những thành tích của chính mình.
3. Thường xuyên nói ra những lời xúc phạm hy vọng trẻ biết xấu hổ mà vươn lên
"Khi không thể chịu được thất bại, trẻ sẽ có những hành động cực đoan", một nhà tâm lý học Trung Quốc nhận xét khi nước này liên tục có những học sinh cấp 2, cấp 3 tự tử vì điểm kém hoặc kết quả học tập không được như kỳ vọng.
Văn hóa Á Đông quen với việc bố mẹ áp đặt con cái và không giỏi thể hiện tình yêu với con. Điều này bị ảnh hưởng từ những quan niệm truyền thống "Yêu cho roi cho vọt". Cha mẹ nghĩ rằng để con cái trở nên tốt hơn họ sẽ phải nghiêm khắc và "keo kiệt" với chính lời khen của mình. Thậm chí nhiều người còn nói ra những lời xúc phạm hy vọng trẻ "biết xấu hổ mà dũng cảm vươn lên".
Tuy nhiên những gì họ làm chỉ là ngày càng nới rộng khoảng cách với con cái. Thậm chí có nhiều trẻ lầm tưởng cha mẹ chỉ quan tâm tới điểm số mà không màng tới suy nghĩ của chúng. Điều này rất dễ dẫn đến hậu quả khó lường.
4. Thường xuyên khiến bé mất tập trung
Trong chương trình của Đài Truyền hình Giang Tô (Trung Quốc), một cô bé 4 tuổi đã tự mình hoàn thiện bức tranh xếp hình "Đêm Đầy Sao" của danh họa Van Gohn. Khi đó, đứa trẻ phải xếp hình liên tục trong hơn 10 tiếng mới xong bức tranh - một thử thách yêu cầu sự tập trung cao độ mà ngay cả người lớn cũng khó hoàn thành.
Năng lực đặc biệt của bé gái khiến nam MC phải thốt lên: "Sao con làm được vậy?".
Được biết, bé gái có sở thích xếp hình ở nhà và có thể ngồi suốt 7 tiếng đồng hồ ghép tranh, đến nỗi quên cả ăn uống. Khi nói về bí quyết rèn luyện sự tập trung cho con, mẹ bé gái cho biết: "Tôi để con tự do làm việc của mình".
Các chuyên gia Harvard chỉ ra: Khi con đang học tập và vui chơi, cha mẹ không nên ngắt lời hay làm hành động gián đoạn sự tập trung của bé. Nếu người lớn thường can thiệp vào hành động của con, điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc khám phá sở thích, còn gây giảm sự tập trung của trẻ.
Khi con vui chơi, đừng quá lo lắng việc con đói hay khát. Khi con học, đừng liên tục nhìn bài và nhắc "trả lời sai rồi", "viết chữ xấu quá".
Mọi sự can thiệp của cha mẹ đều có thể làm giảm sự tập trung cho đứa trẻ. Do đó, nếu trẻ không yêu cầu giúp đỡ, phụ huynh nên đứng ngoài và cho con quyền tự khám phá những điều mới mẻ.
Khi giáo dục con cái, các nhà nghiên cứu Đại học Harvard khuyên cha mẹ cần đặt cho mình những câu hỏi sau:
- Giữa sức khỏe thể chất, tinh thần và kết quả học tập của trẻ, cái gì quan trọng hơn?
- Bạn có thể chấp nhận rằng trong tương lai, đứa trẻ chỉ là một người bình thường không?
- Bạn có thường quan tâm đến con mình và để ý đến suy nghĩ của con không?
Nếu trả lời đủ 3 câu hỏi này, tin rằng bố mẹ nào cũng hiểu nên thay đổi cách giáo dục con thế nào cho phù hợp.