Đại học Huế: Hướng đến nền công nghệ sinh học phát triển
Với thế mạnh là đại học vùng đang tiến lên Đại học Quốc gia, Đại học Huế được đánh giá là đơn vị sẽ có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển công nghệ sinh học của quốc gia trong tương lai.
Mục tiêu
Ngày 30/1/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW (Nghị quyết 36) về “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới”. Nghị quyết xác định mục tiêu tập trung phát triển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á.
Nhằm triển khai có hiệu quả mục tiêu mà Bộ Chính trị định hướng, mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đại học Huế tổ chức hội thảo “Phổ biến, quán triệt, triển khai Nghị quyết 36 và định hướng phát triển KH&CN trong lĩnh vực y, dược, công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới”.
PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, lý do chọn Thừa Thiên Huế làm địa điểm và phối hợp với Đại học Huế để tổ chức hội thảo là vì tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch số 135-KH/TU ngày 5/9/2023 nhằm triển khai Nghị quyết 36; trong đó, đã xác định rõ mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Thừa Thiên Huế ứng dụng công nghệ sinh học một cách rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực, nhằm thay đổi căn bản trong các ngành sản xuất, đặc biệt các ngành tỉnh có thế mạnh như nông nghiệp, y dược; đóng góp 5 - 7% vào GRDP toàn tỉnh.
“Bộ Khoa học và Công nghệ xác định và nhận thấy Thừa Thiên Huế có năng lực để phát huy và phát triển công nghệ sinh học. Đặc biệt, Thừa Thiên Huế có Đại học Huế, nơi đang trực tiếp tham gia nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học; nơi đào tạo, sẵn sàng cung ứng nguồn lực một cách chủ động cho quá trình triển khai Nghị quyết 36. Bộ rất kỳ vọng với những điều kiện sẵn có và cả sự quyết tâm để triển khai Nghị quyết 36, Thừa Thiên Huế sẽ là “trung tâm” của công nghệ sinh học, làm đầu mối quan trọng trong quá trình triển khai Nghị quyết 36 tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Qua đó, thúc đẩy công nghệ sinh học tại khu vực phát triển”, PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt đánh giá.
Trọng tâm của Nghị quyết 36 triển khai thời gian đến là 3 chương trình quốc gia: “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển ngành công nghệ tiên tiến trong y tế và phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe”, “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển ngành công nghệ tiên tiến phục vụ công nghiệp hóa dược và dược phẩm” và “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học”. Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, đây cũng là 3 chương trình mà Thừa Thiên Huế nói chung và Đại học Huế nói riêng có nhiều lợi thế, sẵn nguồn lực để triển khai có hiệu quả.
Phát huy vai trò của Đại học Huế
Trong hội thảo vừa qua, có một khái niệm rất mới được xác định, đó là ngành kinh tế công nghệ sinh học, hay nói cách khác là làm kinh tế từ công nghệ sinh học, đóng góp tích cực vào GDP cả nước. Thực tiễn lâu nay, lĩnh vục công nghệ sinh học đã phát huy phần nào vai trò về kinh tế, tuy nhiên phần lớn dừng ở mức nghiên cứu, công bố và không quá nhiều công nghệ sinh học phát huy hết tính hiệu quả. Vì vậy, cần đặt lại vấn đề, cách tiếp cận trong triển khai công nghệ sinh học. Các chuyên gia đánh giá rằng, khi phát huy được hết các giá trị của công nghệ sinh học sẽ tạo ra hiệu quả kinh tế rất lớn, mang tính đón đầu xu hướng.
Kế hoạch số 135-KH/TU ngày 5/9/2023 của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã khẳng định, đến năm 2045, Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm công nghệ sinh học quốc gia tại khu vực miền Trung. Trung tâm có cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ, nhân lực đủ khả năng làm chủ, tiến tới sáng tạo các công nghệ của nền công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ về nông nghiệp công nghệ cao, đóng góp 7 - 10% vào GRDP toàn tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, giải pháp quan trọng hàng đầu bên cạnh đầu tư nguồn lực xứng đáng thì cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, làm chủ được công nghệ sinh học, một lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn cao. Lợi thế của Thừa Thiên Huế là có Đại học Huế, với nhiều ngành nghề đào tạo có liên quan và đã khẳng định được vị trí về y dược và công nghệ sinh học. Vì vậy, chắc chắn đây là nội lực mà tỉnh cần phát huy hơn nữa để thực hiện một cách hiệu quả Kế hoạch số 135-KH/TU đã đề ra.
PGS.TS Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế cho biết, Đại học Huế là cơ sở giáo dục đóng vai trò tiên phong, nòng cốt trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Đại học Huế có Viện Công nghệ sinh học, đang nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng trong công nghệ sinh học cho nông nghiệp, y dược và bảo vệ tài nguyên, thiên nhiên, môi trường, phát triển các công nghệ nền, công nghệ gen để tạo ra các sản phẩm khoa học có giá trị cho sự sống, cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Với đội ngũ nhân lực dồi dào, hoạt động khoa học và công nghệ của Đại học Huế trong các năm qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng về số lượng lẫn chất lượng, từ các công bố khoa học đến các sản phẩm ứng dụng chuyển giao. Vì vậy, Đại học Huế đặt mục tiêu phát triển khoa học và công nghệ nói chung và công nghệ sinh học nói riêng trong thời gian đến, đóng góp hơn nữa trong kế hoạch phát triển công nghệ sinh học của Trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bên cạnh phát huy nội lực sẵn có, Giám đốc Đại học Huế cũng mong muốn trong thời gian tới, sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế để phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia, cũng như phát triển Trường đại học Y – Dược thành Trường – Viện tiêu biểu của Việt Nam, có trình độ quốc tế và khu vực; phát triển Viện Công nghệ sinh học thành trung tâm công nghệ sinh học cấp quốc gia tại miền Trung.