Đại học Huế thăng hạng trên bảng xếp hạng đại học Châu Á
Đại học Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã tăng thêm nhiều thứ bậc trên bảng xếp hạng đại học Châu Á 2023 vừa được công bố.
Theo bảng xếp hạng đại học Châu Á 2023 do tổ chức QS (Quacquarelli Symonds Ltd.) công bố chiều 8/11, Đại học Huế đã tiến lên vị trí trong tốp 351– 400 Châu Á, xếp thứ 61 khu vực Đông Nam Á và thứ 6 Việt Nam.
Cùng với sự kiện lần đầu tiên có tên trong bảng xếp hạng đại học uy tín thế giới THE 2023, Đại học Huế đang cho thấy sự tiến bước vững chắc hướng đến mục tiêu phát triển thành Đại học Quốc gia theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
So với vị trí 451 – 500 ở các kỳ xếp hạng 2019 và 2020, 401 – 450 ở các kỳ xếp hạng 2021 và 2022, thứ hạng Châu Á của Đại học Huế đang được cải thiện dần, trong bối cảnh bảng xếp hạng này có quy mô ngày càng lớn (số cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng tăng số lượng từ 557 năm 2020 lên 760 cơ sở năm 2023).
Không chỉ về thứ hạng chung, các chỉ số xếp hạng QS Asia đã cho thấy sự thăng tiến đều đặn của Đại học Huế qua những kỳ xếp hạng gần đây, ví dụ từ chỗ nằm ở nhóm 10% cuối bảng năm 2019, Đại học Huế đã vượt lên thuộc nhóm nửa trên bảng xếp hạng năm 2023.
Trong kỳ xếp hạng 2023, Đại học Huế có 3 tiêu chí có thứ hạng châu lục tăng so với QS Asia 2022, đặc biệt tiêu chí Uy tín với nhà tuyển dụng (Employer Reputation) đứng thứ 170 Châu Á và tiêu chí Mạng lưới nghiên cứu quốc tế (International Research Network) đứng thứ 195 Châu Á.
Xét về điểm số cho từng tiêu chí xếp hạng, Đại học Huế có 4/11 tiêu chí có điểm số tăng so với năm 2022, trong đó có 2 tiêu chí tăng mạnh là Số bài báo trên một giảng viên (tăng 1,6 lần) và Mạng lưới nghiên cứu quốc tế (tăng 1,5 lần).
Khi xem xét kết quả hoạt động thông qua các chỉ số thống kê của QS, có thể thấy hầu hết các chỉ số của Đại học Huế đều tăng rõ qua từng năm. Ví dụ, số bài báo công bố bình quân trên 1 giảng viên lần lượt là: 0,18 - 0,30 - 0,38 - 0,48 và 0,63 ở các kỳ xếp hạng từ 2019 đến 2023. Tương tự, số trích dẫn bình quân trên 1 bài báo của Đại học Huế là 2,69 - 2,87 - 3,83 – 4,82 và 5,77 từ kỳ xếp hạng 2019 đến 2023.
Việt Nam có 11 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong QS Asia 2023 (không thay đổi so với năm trước), dẫn đầu vẫn là Trường Đại học Tôn Đức Thắng, tiếp theo là Trường Đại học Duy Tân, ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Huế...
Trước đó như Giáo dục và Thời đại đưa tin, vào đầu tháng 10 vừa qua, theo bảng xếp hạng đại học thế giới uy tín Times Higher Education năm 2023 (THE 2023) mới được công bố, Đại học Huế lần đầu tiên có tên trong danh sách xếp hạng chính thức. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của Đại học Huế về đội ngũ, hoạt động đào tạo, kết quả hoạt động khoa học công nghệ...
Đại học Huế là đơn vị mới và là Đại học vùng duy nhất lần đầu tiên lọt vào bảng xếp hạng các trường ĐH thế giới uy tín với 5 trường Đại học khác trên cả nước. Việt Nam có 6 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong bảng xếp hạng đại học thế giới THE 2023, trong đó 5 đơn vị (Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP Hồ Chí Minh và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) đã có từ THE 2022. Đại học Huế là đơn vị mới và là đại học vùng duy nhất được xếp hạng trong THE 2023.
Điều kiện quan trọng nhất để 1 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong THE là trong vòng 5 năm tính đến năm trước liền kề năm thu số liệu xếp hạng phải có tổng số bài báo Scopus từ 1.000 trở lên, không có năm nào dưới 150 bài. Được biết, trong 5 năm từ 2017 đến 2021 tổng số bài Scopus của Đại học Huế đã đạt gần 1.650 bài và tất cả các năm đều trên 150 bài.
Xếp hạng đại học Châu Á - QS Asia University Rankings, được QS thực hiện bắt đầu từ năm 2009; sử dụng các tiêu chí và trọng số hơi khác so với xếp hạng QS toàn cầu trên cơ sở đặc thù của châu lục. Năm nay lần đầu tiên, QS công bố thêm thứ hạng theo từng khu vực thuộc Châu Á như Đông Nam Á, Trung Á,...
Tiêu chí và trọng số tính điểm xếp hạng đại học Châu Á:
1. Uy tín với các nhà khoa học (khảo sát toàn cầu), trọng số 30%
2. Uy tín với các nhà tuyển dụng (khảo sát toàn cầu), trọng số 20%
3. Tỷ lệ giảng viên/sinh viên, trọng số 10%
4. Tỷ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ, trọng số 5%
5. Số trích dẫn trên đầu bài báo (dữ liệu Scopus), trọng số 10%
6. Số bài báo trên đầu giảng viên (dữ liệu Scopus), trọng số 5%
7. Mạng lưới nghiên cứu quốc tế, trọng số 10%
8. Giảng viên quốc tế, trọng số 2,5%
9. Sinh viên quốc tế, trọng số 2,5%
10. Sinh viên trao đổi nhận vào, trọng số 2,5%
11. Sinh viên trao đổi gửi đi, trọng số 2,5%.