Đại học quốc gia, đại học vùng tồn tại Hội đồng 2 cấp gây lúng túng triển khai
Đó là ý kiến của Phó giáo sư Huỳnh Văn Chương – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế khi trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Đối với các cơ sở giáo dục đại học nói chung và cơ sở giáo dục đại học công lập nói riêng, Hội đồng trường chỉ thực sự trở thành thiết chế quan trọng thay đổi căn bản và nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị đại học khi các vấn đề pháp lý về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng trường và chủ tịch Hội đồng trường được quy định rõ ràng.
Làm sao thực hiện đúng vai trò của Hội đồng trường là cơ quan đại diện cho quyền lợi của cơ quan quản lý và các bên liên quan gắn với trách nhiệm giải trình. Tuy nhiên, hiện mối quan hệ công tác giữa Đảng ủy - Hội đồng trường - Ban Giám hiệu còn nhiều vướng mắc nhất là ở các trường đại học khi Chủ tịch Hội đồng trường chưa kiêm bí thư Đảng ủy.
Đến nay, Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 và Nghị định 99 đã có hiệu lực được gần 2 năm, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ghi nhận ý kiến của một số Chủ tịch Hội đồng trường sau thời gian triển khai.
Chia sẻ với phóng viên, Phó giáo sư Huỳnh Văn Chương – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế cho rằng:
“Hiện nay Luật Giáo dục đại học 2018 (gọi tắt là Luật 34) và Nghị định 99 đã có hiệu lực được gần 2 năm, tôi cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thống kê số lượng đại học, trường đại học đã thực hiện công nhận Hội đồng đại học, Hội đồng trường theo đúng Nghị quyết 19, Luật 34 và Nghị định 99 và còn bao nhiêu cơ sở giáo dục đại học công nhận Chủ tịch Hội đồng trường và Hội đồng đại học, Hội đồng trường chưa đúng luật. Với những con số đó thì cho thấy theo lộ trình chúng ta đã thực hiện được đến đâu”.
Ngoài ra, cũng theo thầy Chương, các văn bản chỉ đạo, điều động họp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan chủ quản cần mời đúng đối tượng dự họp, ví dụ về vấn đề tự chủ đại học, tài chính, tài sản, chiến lược….thì cần mời cả Chủ tịch Hội đồng đại học/ Chủ tịch Hội đồng trường và Giám đốc/ Hiệu trưởng tham dự chứ không chỉ mời riêng Giám đốc/Hiệu trưởng như hiện nay.
Chưa kể hiện nay chưa hề có hướng dẫn triển khai về bộ máy, quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng trường dẫn đến cách hiểu và tham khảo giữa các cơ sở giáo dục rất không đồng bộ. Thậm chí còn chưa có tiêu chuẩn cứng đối với Chủ tịch Hội đồng đại học/ Chủ tịch Hội đồng trường.
Cùng với đó là việc hầu hết các cơ sở giáo dục đại học chưa thực hiện nghiêm Nghị quyết 19 về việc Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường nên vai trò của chủ tịch Hội đồng trường vẫn chưa thiết lập thực quyền mặc dù đã được xác lập vị thế trong Luật 34 và Nghị định 99.
Cuối cùng, từ thực tế tại cơ sở mình, thầy Chương nhận thấy: "Đối với 2 đại học quốc gia, đại học vùng với đặc thù là nhiều trường thành viên trong khi bản thân đại học quốc gia, đại học vùng đã có Hội đồng đại học mà đại học thành viên vẫn tồn tại Hội đồng trường dẫn đến các cơ sở còn lúng túng trong triển khai vì đây không khác gì là hội đồng 2 cấp".
Phải chăng, khi quy định chưa cụ thể dẫn đến khó phân định quyền hạn và trách nhiệm giữa Hội đồng trường/Chủ tịch Hội đồng trường với Giám đốc (Hiệu trưởng) thì Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có các thông tư hoặc hướng dẫn cụ thể hơn với để các cơ sở giáo dục đại học thực hiện?.