Đại học Quốc gia TPHCM chú trọng chất lượng chất lượng công bố khoa học quốc tế

Đại học Quốc gia TPHCM có số lượng và chất lượng công bố khoa học vượt trội trong năm 2024, đặc biệt trên 2 danh mục Web of Science và Scopus.

Hội nghị thường niên năm 2024 của ĐHQG TPHCM ngày 26/12. Ảnh: VNUHCM

Hội nghị thường niên năm 2024 của ĐHQG TPHCM ngày 26/12. Ảnh: VNUHCM

Ngày 26/12, Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM tổ chức Hội nghị thường niên năm 2024, thông tin về những kết quả, thành tựu mà cả hệ thống đạt được trong năm qua.

Lần đầu tiên vượt mốc 3.000 bài công bố quốc tế

Tính đến tháng 12/2024, ĐHQG TPHCM công bố 4.153 bài báo khoa học trên các tạp chí và hội nghị trong, ngoài nước.

Trong đó, số bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục SCIE/SSCI/ Scopus là 3.120 bài, chiếm tỷ lệ 97% so với tổng bài báo quốc tế.

Trong những năm vừa qua, ĐHQG TPHCM luôn là đơn vị đứng đầu cả nước về công bố khoa học, đặc biệt là công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc 2 danh mục cơ sở dữ liệu lớn của thế giới là Web of Science (của Clarivate) và Scopus (của Elsevier).

Bên cạnh việc duy trì số lượng công bố khoa học, hệ thống này chú trọng nâng cao chất lượng công bố.

Theo thống kê từ cơ sở dữ liệu Scopus giai đoạn 2020 - 6/2024, số lượng bài báo công bố trên các tạp chí được xếp hạng Q1 và Q2 của ĐHQG TPHCM có tỷ lệ khoảng 66% và có xu hướng tăng dần theo từng năm. Nếu chỉ tính riêng số lượng bài báo công bố trên các tạp chí được xếp hạng Q1, tỷ lệ này đạt 40,8%.

 Thống kê công bố khoa học của ĐHQG TPHCM giai đoạn 2020-12/2024 (số liệu cập nhật từ Scopus ngày 18/12/2024).

Thống kê công bố khoa học của ĐHQG TPHCM giai đoạn 2020-12/2024 (số liệu cập nhật từ Scopus ngày 18/12/2024).

Dữ liệu về nghiên cứu khoa học của ĐHQG TPHCM giai đoạn 2019-2025 cho thấy số bài báo và số trích dẫn thông thường của đại học này có bước tiến vượt bậc, tác động trực tiếp đến các chỉ số liên quan đến nghiên cứu khoa học. Cụ thể, năm 2025 tăng 1.655 bài báo (26,6%) và tăng 26.502 lượt trích dẫn (55,3%).

Theo đánh giá của ĐHQG TPHCM, kết quả này cho thấy các chính sách trong nghiên cứu khoa học tại hệ thống này trong thời gian qua đã có tác động tích cực, mang lại hiệu quả rõ ràng

Các chính sách có thể kể đến như: xây dựng chương trình nghiên cứu trọng điểm gắn liền nhóm nghiên cứu mạnh, thí điểm xây dựng trung tâm xuất sắc; hỗ trợ kinh phí hội nghị hội thảo có công bố proceeding thuộc danh mục Scopus, chính sách khen thưởng công bố quốc tế và các giải pháp phát triển đội ngũ nhân lực khoa học, phân bổ kinh phí theo hướng minh bạch, cạnh tranh theo kết quả đầu ra.

Tạo dựng hệ sinh thái nghiên cứu

Tại hội nghị thường niên, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TPHCM đánh giá, trong năm 2024, đại học này đã nỗ lực hoàn thành các kế hoạch đề ra và đạt được những kết quả ấn tượng trong các lĩnh vực phát triển đảng viên, chương trình VNU350, đề án chuyển đổi số, đào tạo liên ngành, công bố quốc tế, giải thưởng khoa học công nghệ, cùng các hoạt động văn hóa và thể thao.

Ngày 6/11, Chủ tịch nước ký Quyết định trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho ĐHQG TPHCM nhân dịp kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển. Đây là phần thưởng cao quý, là sự ghi nhận những đóng góp của ĐHQG TPHCM đối với sự nghiệp giáo dục, nghiên cứu khoa học và công nghệ của đất nước.

 PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG TPHCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VNUHCM

PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG TPHCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VNUHCM

ĐHQG TPHCM thực hiện thành công đề tài “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu trường hợp ĐHQG TPHCM”, khẳng định vai trò của ĐHQG TPHCM trong việc đóng góp vào công tác giáo dục chính trị và tư tưởng trong hệ thống giáo dục đại học.

Chương trình VNU350 - chương trình thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành về công tác, với số lượng khoảng 350 người trong giai đoạn 2024-2030 - tiếp tục đạt được những thành công nhất định.

Sau 6 tháng triển khai, VNU350 đã tuyển dụng được 27 nhà khoa học trẻ xuất sắc, phần lớn trong số họ đều tốt nghiệp từ các trường đại học uy tín trên thế giới. Các nhà khoa học này đã gia nhập vào các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQG TPHCM, góp phần thúc đẩy phát triển nghiên cứu khoa học tại trường.

Cũng theo PGS.TS Vũ Hải Quân, trong năm 2024, ĐHQG TPHCM gặt hái được nhiều giải thưởng danh giá trong lĩnh vực khoa học và công nghệ trong năm qua.

Trong đó, một nhà khoa học của ĐHQG TPHCM được bầu chọn làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới; 3 nhà khoa học khác đã đạt danh hiệu “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024” cấp toàn quốc.

Ngoài ra, 2 nhà khoa học nữ của đại học này được vinh danh với Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam và 4 nhà khoa học đạt Giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả cầu vàng.

Đặc biệt, 11 nữ sinh của ĐHQG TPHCM cũng đã nhận Giải thưởng Nữ sinh Khoa học Công nghệ Việt Nam, khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của nữ giới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

 Tân cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG TPHCM) năm 2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Tân cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG TPHCM) năm 2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Trong công tác đào tạo, ĐHQG TPHCM đã triển khai hệ thống 21 môn học theo hình thức học trực tuyến MOOC, cùng 71 môn học theo mô hình Blended Learning (học kết hợp), đáp ứng nhu cầu học tập linh hoạt và hiện đại cho sinh viên và giảng viên.

PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết, trong năm 2025, đại học này tiếp tục mở mới một số chương trình đào tạo liên ngành, liên trường nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước.

Cụ thể là các ngành về năng lượng mới (năng lượng tái tạo, điện hạt nhân); các ngành về logistics mới đào tạo nhân lực có thể tham gia vận hành hệ thống Metro, sân bay quốc tế Long Thành, đường sắt cao tốc….

Trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, các nhà khoa học của ĐHQG TPHCM tiếp tục hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước công bố các công trình nghiên cứu trên các tạp chí rất uy tín với chỉ số ảnh hưởng IF rất cao (>15) như: Nature Reviews Earth and Environment (IF = 49,7), Applied Catalysis B: Environmental (IF = 22,1), Nano Energy (IF = 16,8), Advances in Colloid and Interface Science (IF = 15,9), PhotoniX (IF = 15,7). Environmental Chemistry Letters (IF = 15).

Đặc biệt, công bố trên tạp chí Nature Reviews Earth and Environment chỉ số ảnh hưởng (IF = 49,7) “Building resilience in Asian mega deltas”.

Mạnh Tùng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dai-hoc-quoc-gia-tphcm-chu-trong-chat-luong-chat-luong-cong-bo-khoa-hoc-quoc-te-post713632.html