Hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc cung cấp 3 dịch vụ viễn thông mới

Nghị định 163 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Viễn thông đã hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc cung cấp 3 dịch vụ mới: Trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet.

Thông tin từ Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), Nghị định 163 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Viễn thông đã được Chính phủ ban hành.

Gồm 7 chương với 86 điều, Nghị định 163 áp dụng với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động viễn thông tại Việt Nam.

Nghị định mới đã có hiệu lực thi hành từ ngày 24/12/2024. Tuy nhiên, các quy định về quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Theo đại diện Cục Viễn thông, Nghị định 163 tạo hành lang pháp lý thực thi các chính sách của Luật Viễn thông về cấp phép viễn thông, cung cấp dịch vụ viễn thông, quản lý thị trường viễn thông, tạo điều kiện thúc đẩy thị trường viễn thông, phát triển dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường.quản lý phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông tiên tiến, hiện đại, đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật các ngành khác.

Nghị định cũng đảm bảo quản lý đăng ký thông tin thuê bao đầy đủ chính xác (cho phép đăng ký thông tin thuê bao trực tuyến).

Nghị định cũng hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc cung cấp 3 dịch vụ viễn thông mới gồm dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet.

“Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng số, hạ tầng của nền kinh tế số, xã hội số; đồng thời đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động viễn thông”, đại diện Cục Viễn thông nhấn mạnh.

Nghị định 163 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Viễn thông, có hiệu lực thi hành từ ngày 24/12/2024. Ảnh minh họa: M.H

Nghị định 163 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Viễn thông, có hiệu lực thi hành từ ngày 24/12/2024. Ảnh minh họa: M.H

Cũng theo Cục Viễn thông, Nghị định 163 có 5 điểm mới quan trọng về cấp phép viễn thông; quản lý hạ tầng viễn thông; quản lý thông tin thuê bao di động; quản lý thị trường viễn thông; và quản lý 3 dịch vụ mới gồm dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet.

Trong đó, về quản lý thông tin thuê bao di động, Nghị định 163 cho phép doanh nghiệp viễn thông di động triển khai đăng ký thông tin thuê bao theo hình thức trực tuyến sử dụng ứng dụng để phù hợp với xu thế chuyển đổi số.

Việc xác thực thông tin thuê bao di động đảm bảo thông tin thuê bao đầy đủ, trùng khớp với giấy tờ xuất trình, cụ thể: Phải xác thực trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; khi đăng ký, kích hoạt từ SIM thuê bao di động thứ hai trở lên phải xác thực thông qua mã xác thực một lần (mã OTP) gửi đến SIM đăng ký, kích hoạt trước đó; áp dụng giải pháp cuộc gọi ghi hình (video call) để thực hiện thu thập, kiểm tra, xác minh thông tin nhận biết khách hàng.

Đối với vấn đề quản lý thị trường viễn thông, Nghị định quy định quản lý doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường gồm các tiêu chí xác định thị trường dịch vụ viễn thông thuộc danh mục Nhà nước quản lý; quy định tiêu chí xác định và các nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường để thực hiện quản lý cạnh tranh tiền kiểm.

Quy định quản lý thẻ trả trước dịch vụ viễn thông di động và tài khoản SIM di động, trong đó quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc phát hành và sử dụng thẻ trả trước dịch vụ viễn thông di động; quản lý cung cấp dịch vụ viễn thông, điều chỉnh các quy định về bán lại dịch vụ viễn thông, bổ sung các quy định về cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao.

Đồng thời, quy định trách nhiệm chung của doanh nghiệp viễn thông trong việc quản lý hoạt động thanh toán cho dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động qua tài khoản SIM.

“Việc này nhằm quản trị rủi ro, ngăn chặn việc lạm dụng, lợi dụng cho các hoạt động vi phạm pháp luật, đại diện Cục Viễn thông phân tích.

Đại diện Cục Viễn thông cho biết, Nghị định 163 quy định các nội dung về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức nước ngoài cung cấp 3 dịch vụ viễn thông mới theo nguyên tắc “quản lý nhẹ". Ảnh minh họa: M.H

Đại diện Cục Viễn thông cho biết, Nghị định 163 quy định các nội dung về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức nước ngoài cung cấp 3 dịch vụ viễn thông mới theo nguyên tắc “quản lý nhẹ". Ảnh minh họa: M.H

Với việc quản lý 3 dịch vụ mới gồm dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, Nghị định 163 quy định các nội dung về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức nước ngoài cung cấp 3 dịch vụ mới này theo nguyên tắc “quản lý nhẹ”.

Bên cạnh đó, Nghị định còn quy định việc lưu trữ, quản lý thông tin người sử dụng dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây cung cấp khi giao kết hợp đồng; và việc cung cấp và sử dụng dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

Vân Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hoan-thien-hanh-lang-phap-ly-cho-viec-cung-cap-3-dich-vu-vien-thong-moi-2356875.html