Đại học sốt ruột tăng học phí

Sau hai năm trì hoãn do dịch COVID-19, năm học mới 2023 – 2024, các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) dự kiến áp dụng mức học phí được quy định theo Nghị định 81 của Chính phủ. Bộ GD&ĐT cho biết, để phù hợp với thực tế, Bộ đề xuất lộ trình tăng học phí từ năm học 2023-2024.

Nghị định 81 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo được ban hành từ ngày 27/8/2021. Theo Nghị định 81 thì việc tăng học phí sẽ được áp dụng từ năm học 2022-2023 và tăng theo lộ trình hằng năm.

Cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên thực hiện theo khung học phí (mức trần, mức sàn) theo lộ trình điều chỉnh không quá 7,5%/năm từ năm học 2022-2023 để bù đắp độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng và dự kiến cơ bản tính đủ chi phí vào năm 2030.

Với các cơ sở giáo dục ĐH công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên thực hiện theo khung học phí từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026, lộ trình điều chỉnh không quá 12,5%/năm từ năm học 2026-2027. Việc này do thủ trưởng cơ sở giáo dục ĐH quyết định, căn cứ vào điều kiện kinh tế xã hội của cả nước và các chỉ số lạm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm.

Theo Vụ Kế hoạch Tài chính, với các trường đại học công lập, nguồn thu học phí chiếm tỉ trọng trên 80% tổng nguồn thu của trường.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc thực hiện Nghị định 81 còn khó khăn. Đặc biệt, từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tác động toàn diện đến nền kinh tế nước ta. Để chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165 ngày 20/12/2022 về giữ nguyên mức học phí các cơ sở giáo dục công lập qua ba năm học 2020-2021, 2021-2022 và 2022-2023.

Trong đề án tuyển sinh 2023, Trường ĐH Giao thông vận tải dự kiến chỉ tăng 10%. Như vậy, dự kiến học phí năm học 2023 - 2024 của trường, ngành cao nhất là hơn 13,7 triệu đồng/sinh viên; tiếp đó là mức gần 11,7 triệu đồng/sinh viên và gần 11,2 triệu đồng/sinh viên.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Trường ĐH Giao thông Vận tải, mức học phí dự kiến trên áp dụng theo quy định với trường chưa tự chủ. Khi nhà trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án tự chủ chi thường xuyên, học phí sẽ thu theo đề án nhưng hệ đại trà không tăng quá 1,5 lần so với mức dự kiến trên. Đề án tuyển sinh ĐH năm nay của Trường ĐH Xây dựng Hà Nội dự kiến học phí đối với sinh viên chính quy nhập học năm 2023 là 11,7 triệu đồng/năm học/sinh viên. Đây là mức thu được liên tục áp dụng trong 3 năm học vừa qua, từ năm 2020 - 2021.

Học phí ĐH không thể không tăng, nhưng tăng như thế nào cho hợp lý? Ảnh: Mạnh Thắng

Học phí ĐH không thể không tăng, nhưng tăng như thế nào cho hợp lý? Ảnh: Mạnh Thắng

Thời gian qua, việc giữ ổn định học phí đã gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục trong cân đối nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất trong điều kiện kinh tế còn hạn chế, ngân sách chi thường xuyên bị cắt giảm hằng năm, nhất là đối với trường được tự chủ. PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM đã chia sẻ khó khăn khi trường được tự chủ năm 2022, ngân sách Nhà nước dành cho trường bị cắt, chỉ còn tiền lương cho đội ngũ giảng viên, cán bộ.

Bà Lan cho rằng cần có giải pháp hài hòa, quan điểm tự chủ tách khỏi quản lý Nhà nước ở mức nào cho phù hợp vì không phải ngành nào cũng có thể thu hút người học, có những ngành cần khuyến khích, hỗ trợ cũng như nhà trường còn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị lâu dài. Vì nhiều ngành khoa học cơ bản với mức học phí thấp như hiện nay đã khó thu hút người học, nếu tự chủ, học phí lên đến hàng chục triệu đồng sẽ rất khó khăn.

Lùi tăng 1 năm so với lộ trình

Tại Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 81 vừa được tổ chức, đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT đã trình bày một số nội dung cơ bản của dự thảo. Theo Vụ Kế hoạch tài chính, từ thực tế có thể thấy nhu cầu được áp dụng mức thu học phí theo lộ trình quy định tại Nghị định 81 của Chính phủ là cần thiết để bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên, nâng chất lượng giáo dục. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT đề xuất điều chỉnh lộ trình học phí theo hướng lùi thêm 1 năm so với lộ trình cũ tại Nghị định 81 của Chính phủ.

Cùng với đó, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 81 về mức thu học phí tại các cơ sở giáo dục quốc dân quy định: đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên, Bộ GD&ĐT đề xuất không quy định mức sàn học phí vì hiện nay có nhiều địa phương thuộc vùng địa bàn khó khăn (Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Kiên Giang...) đang quy định thấp hơn mức sàn tại Nghị định 81.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, PGS.TS Hoàng Tùng trao đổi, khi xét chính sách hỗ trợ cho sinh viên, hằng năm trường nhận được ít hồ sơ của sinh viên thuộc diện khó khăn. Nếu tăng học phí từ 10 - 20%, thì bằng cả nguồn ngân sách trung hạn trong 5 năm trường được cấp. Do đó, nhà trường đồng thuận với phương án của Bộ GD&ĐT là lùi lộ trình tăng học phí theo Nghị định 81 sau 1 năm.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, những ngành đào tạo cần nguồn lực lớn về tài chính thì cần tính toán kỹ, bảo đảm hỗ trợ cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Với đề xuất điều chỉnh thời gian tăng học phí theo Nghị định 81 để phù hợp với thực tế, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng giao Vụ Kế hoạch Tài chính làm đầu mối tiếp tục ghi nhận ý kiến từ các bộ/ngành và đơn vị để tổng hợp, trình lãnh đạo Bộ xem xét để trình Chính phủ trong thời gian tới.

NGHIÊM HUÊ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dai-hoc-sot-ruot-tang-hoc-phi-post1529979.tpo