Đại học Thái Nguyên bứt phá trong kỷ nguyên số

Trải qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, Đại học Thái Nguyên đã khẳng định vị thế là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học của khu vực Trung du, miền núi phía Bắc. Không chỉ góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, Đại học Thái Nguyên đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ, đặt mục tiêu trở thành đại học số - hiện đại, thông minh, lấy người học làm trung tâm.

Cán bộ, sinh viên Đại học Thái Nguyên hướng dẫn học sinh quét mã tra cứu thông tin tuyển sinh.

Cán bộ, sinh viên Đại học Thái Nguyên hướng dẫn học sinh quét mã tra cứu thông tin tuyển sinh.

Trong bối cảnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu của giáo dục đại học, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) xác định rõ vai trò tiên phong trong đổi mới tư duy quản trị, đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng.

Chiến lược phát triển của Đại học trong giai đoạn mới được định hướng theo ba trụ cột: Chuyển đổi số toàn diện, đại học xanh và trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Đây là bước tiến chiến lược để không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục, mà còn tạo ra giá trị thực tiễn gắn với yêu cầu phát triển bền vững của vùng và đất nước.

PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc ĐHTN, nhấn mạnh: Chuyển đổi số tại ĐHTN không phải là sự thay đổi hình thức, mà là một cuộc cải tổ sâu rộng từ quản trị, đào tạo đến cơ sở hạ tầng. Từ năm 2021 đến nay, ĐHTN đã triển khai hàng loạt dự án trọng điểm như hệ thống quản trị dữ liệu dùng chung, giảng đường thông minh, thư viện số, hệ thống học liệu điện tử và các giải pháp AI hỗ trợ cá thể hóa học tập.

Đặc biệt, dự án đầu tư xây dựng ĐHTN bước 3, với tổng vốn trên 324 tỷ đồng đã góp phần hiện đại hóa hạ tầng, xây dựng nền tảng công nghệ thông tin đồng bộ, tạo tiền đề phát triển mô hình “trường học số” toàn diện.

Điểm nhấn nổi bật trong chuyển đổi số của ĐHTN là định hướng “lấy sinh viên làm trung tâm, giảng viên là hạt nhân”. Theo đó, phương pháp dạy - học truyền thống đang từng bước được thay thế bằng các hình thức đào tạo tích hợp công nghệ số như học tập trực tuyến, lớp học đảo ngược, mô phỏng ảo (AR/VR), học liệu điện tử và phân tích học tập qua dữ liệu lớn (Big Data).

Mỗi sinh viên được tiếp cận với môi trường học tập cá nhân hóa, linh hoạt, thông minh - phù hợp với nhịp phát triển của nền kinh tế số và xã hội số.

Bên cạnh đó, ĐHTN đang triển khai rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng chuẩn hóa quốc tế, chú trọng năng lực số, năng lực thích ứng thị trường lao động. Các môn học về trí tuệ nhân tạo (AI), quản trị số, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo được tích hợp vào chương trình đào tạo đại học và sau đại học.

Việc thiết kế chương trình theo hướng mở, liên ngành, thực hành cao, kết nối thực tiễn doanh nghiệp là một bước tiến quan trọng để đảm bảo sinh viên không chỉ giỏi chuyên môn mà còn thành thạo kỹ năng số.

Trung tâm Số (Đại học Thái Nguyên) được đầu tư đồng bộ, hiện đại.

Trung tâm Số (Đại học Thái Nguyên) được đầu tư đồng bộ, hiện đại.

Năm 2025, ĐHTN tuyển sinh 121 ngành đào tạo đại học, cao đẳng với 21.588 chỉ tiêu, trong đó có 20.368 chỉ tiêu đại học và 1.220 chỉ tiêu cao đẳng. Các hình thức tuyển sinh đa dạng gồm: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét điểm thi tốt nghiệp THPT; xét kết quả học bạ; xét điểm thi đánh giá tư duy (V-SAT) và đánh giá năng lực từ các trường đại học lớn như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội; kết hợp giữa học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT...

Trong 6 tháng đầu năm 2025, ĐHTN đã phê duyệt mở mới 15 ngành đào tạo, gồm 4 ngành trình độ thạc sĩ, 8 ngành đại học và 1 chương trình liên kết quốc tế trình độ thạc sĩ.

Tính đến nay, ĐHTN có 88 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài, trong đó 35 chương trình đạt chuẩn quốc tế (AUN-QA).

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 12 tháng đạt trên 88%, trong đó hơn 30% làm đúng ngành được đào tạo. Đây là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của chiến lược chuyển đổi mô hình đào tạo từ truyền thống sang hiện đại, từ “học để biết” sang “học để làm - học suốt đời”.

Chuyển đổi số cũng mang đến bước ngoặt trong công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. ĐHTN đã xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học mở (Google Scholar, ORCID), triển khai nền tảng quản lý đề tài, công bố trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên, nhà nghiên cứu nâng cao năng lực và kết nối học thuật toàn cầu. Đồng thời thực hiện nhiều dự án quốc tế như LEARN-VN trị giá 2,8 triệu EUR, 7 dự án Erasmus+ và chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên với hơn 10 quốc gia.

Không chỉ dừng lại ở các hoạt động nội bộ, chuyển đổi số tại ĐHTN còn lan tỏa mạnh mẽ tới cộng đồng thông qua việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển vùng.

Mỗi năm, đơn vị có trên 3.000 sinh viên tốt nghiệp là người Thái Nguyên, trong đó hơn 40% làm việc tại địa phương, góp phần bổ sung nguồn nhân lực kỹ thuật, quản lý, y tế, giáo dục… cho tỉnh và khu vực.

Với nền tảng vững chắc và chiến lược rõ ràng, ĐHTN đang thể hiện quyết tâm vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên số. Việc trở thành một đại học số không chỉ là mục tiêu phát triển nội tại, mà còn là trách nhiệm, sứ mệnh của một đại học vùng, đóng góp vào công cuộc hiện đại hóa giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, phục vụ công cuộc phát triển bền vững đất nước.

Thảo Nguyên

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-duc/202507/dai-hoc-thai-nguyen-but-pha-trong-ky-nguyen-so-2662e71/