Đại học Thái Nguyên đặt mục tiêu lọt Top 500 trường ĐH hàng đầu châu Á vào năm 2035

Nhiều mục tiêu chiến lược được đặt ra trong Đại hội đại biểu Đảng bộ Đại học Thái Nguyên lần thứ VII, nhiệm kỳ 2025-2030.

.t1 { text-align: justify; }

Đại hội đại biểu Đảng bộ Đại học Thái Nguyên lần thứ VII, nhiệm kỳ 2025-2030 đã diễn ra tại Trường Đại học Khoa học. Tại Đại hội, Đại học Thái Nguyên xác định các trụ cột chiến lược gồm: đổi mới quản trị đại học, đẩy mạnh tự chủ, phát triển đội ngũ chất lượng cao, nâng cao chất lượng đào tạo – nghiên cứu – phục vụ cộng đồng, tăng cường hợp tác quốc tế và phát triển bền vững.

Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập mạnh mẽ của giáo dục đại học Việt Nam, sự kiện đánh dấu bước chuyển mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và mở ra chặng đường phát triển toàn diện cho toàn thể cán bộ, đảng viên, người học và người lao động của Đại học Thái Nguyên.

Nhiều thành tích ấn tượng trong 5 năm vừa qua

Được thành lập ngày 04/04/1994 theo Nghị định 31-CP của Thủ tướng Chính phủ, Đại học Thái Nguyên là mô hình đại học vùng đa ngành, đa lĩnh vực. Cơ cấu tổ chức của đại học hiện có 07 trường đại học thành viên, 01 trường cao đẳng, 02 phân hiệu tại tỉnh Lào Cai và Hà Giang, 12 trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học cùng nhiều đơn vị trực thuộc khác.

Theo văn kiện Đại hội, Đại học Thái Nguyên hiện có 3.700 viên chức, người lao động, trong đó có 2.480 giảng viên với hơn 41,4% giảng viên có trình độ tiến sĩ (với hơn 1.000 tiến sĩ); đội ngũ giáo sư, phó giáo sư chiếm 7,6% (gần 200 giáo sư, phó giáo sư). Chất lượng nhân lực giảng dạy không ngừng tăng lên mỗi năm, phản ánh cam kết nâng cao chất lượng đào tạo của đại học.

 Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Hùng - Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên, phát biểu tại Đại hội. Ảnh: NTCC.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Hùng - Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên, phát biểu tại Đại hội. Ảnh: NTCC.

Trong giai đoạn 2020-2025, Đảng bộ Đại học Thái Nguyên đã lãnh đạo toàn thể cán bộ, đảng viên, giảng viên và sinh viên thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn, đặc biệt là triển khai hiệu quả các nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị.

Trong đó có Nghị quyết số 29-NQ/TW về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết 57-NQ/TW về Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 11-NQ/TW về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Những định hướng chiến lược này đã được cụ thể hóa thành các chương trình hành động mang dấu ấn riêng của Đảng bộ Đại học Thái Nguyên, gắn với thực tiễn vùng và tiềm lực của đơn vị. Đại học Thái Nguyên đã từng bước khẳng định vị thế, đồng thời đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng trung du và miền núi phía Bắc cũng như cả nước.

Trường trở thành đại học số, đại học xanh, trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của khu vực; mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển vùng.

07/07 trường đại học thành viên của Đại học Thái Nguyên được kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục chu kỳ 2. Toàn đại học có 88 chương trình được đánh giá ngoài, 35 chương trình đạt chuẩn quốc tế AUN-QA - khẳng định cam kết đảm bảo chất lượng giáo dục bền vững.

Thực hiện Nghị quyết 57, Đại học Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học, hoàn thiện quy trình quản lý đề tài khoa học và công nghệ, thành lập Quỹ đầu tư phát triển khoa học và công nghệ.

Đại học Thái Nguyên đang chủ trì và phối hợp triển khai hàng chục dự án quốc tế tại hơn 10 quốc gia, trong đó có Dự án LEARN-VN (trị giá 2,8 triệu EUR, tương đương hơn 86 tỷ đồng) và 7 dự án Erasmus+ (333.460 EUR, tương đương hơn 10 tỷ đồng). Trường cũng ký kết hợp tác đào tạo, tuyển dụng với Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và Trung Quốc, mở rộng cơ hội học tập và làm việc cho sinh viên.

Đây là cơ hội để Đại học Thái Nguyên từng bước hoàn thiện mô hình quản trị, hiện đại hóa cơ sở vật chất, tiếp tục nâng cao năng lực đào tạo, mở rộng quy mô và chất lượng nghiên cứu, qua đó góp phần nâng cao vị thế của Thái Nguyên xứng đáng là trung tâm đào tạo hàng đầu của khu vực và cả nước.

 Ông Nguyễn Ngọc Thưởng - Thứ trưởng thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo, tặng hoa chúc mừng Đại hội. Ảnh: NTCC.

Ông Nguyễn Ngọc Thưởng - Thứ trưởng thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo, tặng hoa chúc mừng Đại hội. Ảnh: NTCC.

Chiến lược chuyển đổi số của Đại học Thái Nguyên tập trung vào ba trụ cột: đổi mới phương thức lãnh đạo, giảng dạy – học tập số hóa và xây dựng môi trường học tập thông minh với các công nghệ như AI, IoT, AR/VR.

Bên cạnh đó là sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo: với 4 trung tâm ươm tạo, 3 doanh nghiệp khoa học công nghệ và 50 nhóm nghiên cứu mạnh – trong đó có 1 nhóm đạt chuẩn quốc gia.

Đặc biệt, hơn 30 sản phẩm được đăng ký sở hữu trí tuệ, 15 sản phẩm đã được thương mại hóa thành công. Hơn 3,5 triệu USD/năm (hơn 91 tỷ đồng) được huy động cho nghiên cứu – đây là minh chứng cho năng lực nghiên cứu vững vàng và trở thành đầu tàu trong phát triển vùng của đại học.

Với hơn 80% sinh viên là người trung du – miền núi phía Bắc, 35% là người dân tộc thiểu số, đại học đào tạo 15.000 người học thường xuyên trong năm qua. Đại học cũng hợp tác chiến lược với 15 tỉnh, vùng, thực hiện 20-30 đề tài/dự án mỗi năm với kinh phí 70-80 tỷ đồng/năm, qua đó góp phần tư vấn chính sách, phát triển nhân lực, thúc đẩy kinh tế – xã hội vùng.

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Trường Đại học Khoa học là điểm sáng trong Đại học Thái Nguyên về công bố quốc tế, với 523 bài báo thuộc danh mục WoS/Scopus (đạt 0,48 bài/giảng viên/năm); thành lập 06 nhóm nghiên cứu mạnh với mức kinh phí đầu tư ban đầu khoảng 5 tỷ đồng.

Hiện Trường Đại học Khoa học đang đào tạo 6 ngành tiến sĩ, 10 ngành thạc sĩ, 30 chương trình đào tạo, trong đó có nhiều chương trình đào tạo đáp ứng tốt nhu cầu xã hội như Hàn Quốc học, Trung Quốc học…

Đặc biệt, 31 giảng viên, cán bộ nhà trường có trình độ phó giáo sư và tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ là 52%.

Định hướng đến năm 2035, Đại học Thái Nguyên nằm trong Top 500 đại học hàng đầu châu Á

Trong nhiệm kỳ tiếp theo 2025-2030, với chủ đề Đại hội là “Nâng cao năng lực lãnh đạo, phát huy sức mạnh tổng hợp, tiếp tục xây dựng Đại học Thái Nguyên thành đại học trọng điểm, trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của vùng và cả nước”, Đảng bộ Đại học Thái Nguyên xác định các trụ cột chiến lược gồm: đổi mới quản trị đại học, đẩy mạnh tự chủ, phát triển đội ngũ chất lượng cao, nâng cao chất lượng đào tạo – nghiên cứu – phục vụ cộng đồng, tăng cường hợp tác quốc tế và phát triển bền vững.

Đây không chỉ là kim chỉ nam cho chặng đường phát triển sắp tới mà còn thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong bối cảnh giáo dục đại học đang bước vào giai đoạn chuyển mình toàn diện theo hướng tự chủ, chất lượng cao và hội nhập quốc tế.

 Ban Chấp hành Đảng bộ Đại học Thái Nguyên khóa VII, nhiệm kỳ 2025-2030 ra mắt Đại hội. Ảnh: NTCC.

Ban Chấp hành Đảng bộ Đại học Thái Nguyên khóa VII, nhiệm kỳ 2025-2030 ra mắt Đại hội. Ảnh: NTCC.

Quản trị hiện đại là yếu tố then chốt để xây dựng một đại học năng động và sáng tạo. Đảng bộ xác định việc đổi mới mô hình quản trị theo hướng hiệu quả, minh bạch, ứng dụng công nghệ số và xây dựng văn hóa đại học là nền tảng để tăng tính tự chủ. Tự chủ đại học không chỉ về tài chính mà còn ở khía cạnh học thuật, tổ chức bộ máy, nhân sự và trách nhiệm xã hội.

Đại học Thái Nguyên hướng đến việc thiết lập hệ thống quản lý dữ liệu đồng bộ, xây dựng mô hình đại học số, ứng dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo vào vận hành và quản lý đào tạo, nhằm tăng hiệu quả điều hành và tạo điều kiện tốt nhất cho người học.

Theo đó, từng bước hoàn thiện mô hình quản trị đại học vùng theo hướng hiện đại và hội nhập; xây dựng tổ chức bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và có năng lực kiến tạo phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng trung du và miền núi Bắc bộ.

Phát triển quy mô đào tạo hợp lý, phù hợp với tiêu chuẩn giáo dục đại học; tạo bước chuyển biến căn bản về chất lượng và đào tạo, khoa học và công nghệ, đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế; tập trung phát triển các ngành đào tạo trọng điểm, mũi nhọn đạt chuẩn kiểm định quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế; phát triển tài nguyên giáo dục mở gắn với mô hình đại học điện tử, thông minh; xây dựng Đại học Thái Nguyên trở thành một bộ phận hữu cơ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên và khu vực, tạo nền tảng đào tạo và nghiên cứu khoa học và công nghệ có chất lượng, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Trong giai đoạn mới, chiến lược phát triển của Đại học Thái Nguyên được đặt trong bối cảnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 11-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 57-NQ/TW; Quyết định số 369/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đến năm 2035, Đại học Thái Nguyên đặt mục tiêu nằm trong Top 500 đại học hàng đầu châu Á, trở thành đại học nghiên cứu đa ngành, đại học số, đại học xanh và trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia.

Trần Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dai-hoc-thai-nguyen-dat-muc-tieu-lot-top-500-truong-dh-hang-dau-chau-a-vao-nam-2035-post252631.gd