Đại học Thái Nguyên đóng góp vào mục tiêu phát triển của tỉnh

Là đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn, nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình, những năm qua, Đại học Thái Nguyên tích cực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ…

Là đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn, nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình, những năm qua, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) tích cực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ… đóng góp hiệu quả vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên tổ chức trại hè Toán và khoa học cho học sinh các huyện miền núi của tỉnh.

Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên tổ chức trại hè Toán và khoa học cho học sinh các huyện miền núi của tỉnh.

Cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao

Giai đoạn 2020-2023, mỗi năm ĐHTN có gần 2.300 sinh viên tốt nghiệp có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Thái Nguyên (chiếm 21,7% số sinh viên tốt nghiệp hằng năm của Đại học). Nguồn nhân lực này ở tất cả các lĩnh vực: Khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, nông lâm nghiệp, quản lý tài nguyên và môi trường, kinh tế và quản trị kinh doanh, du lịch và dịch vụ, y tế, giáo dục…

Số sinh viên tốt nghiệp đã góp phần bổ sung nhân lực cho các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Yên Bình, Điềm Thụy, Sông Công, đặc biệt là Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên đã tin tưởng, phối hợp với các đơn vị thành viên của ĐHTN để đào tạo sinh viên chuyên về lập trình phần mềm, với tỷ lệ tuyển dụng gần 80%; sinh viên tiếng Trung, tiếng Hàn Quốc có việc làm từ 80-100% sau tốt nghiệp.

Trong giai đoạn 2017-2021, số lượng thí sinh trúng tuyển học thạc sĩ vào ĐHTN là 5.924 người, trong đó riêng số học viên của tỉnh Thái Nguyên là 2.398 người (chiếm 40,48% số người học thạc sĩ của vùng).

Số thạc sĩ này đã góp phần nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn theo hướng chuyên sâu, nhất là các nghiên cứu đề tài thạc sĩ ứng dụng vào lĩnh vực công tác của các đơn vị.

Tỷ lệ cán bộ, công chức của tỉnh Thái Nguyên đã từng tham gia học tập và tốt nghiệp tại các trường thành viên của ĐHTN chiếm khoảng 58,6%; có nhiều sở, ban, ngành tỷ lệ này lên tới 80 - 90%.

Không chỉ góp phần tích cực vào đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh, ĐHTN còn đóng góp hiệu quả vào việc tư vấn các chính sách, hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ cho tỉnh.

Sinh viên tình nguyện Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên tham gia vệ sinh môi trường tại xã Phúc Chu (Định Hóa).

Sinh viên tình nguyện Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên tham gia vệ sinh môi trường tại xã Phúc Chu (Định Hóa).

Hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ

ĐHTN và các trường thành viên có gần 4.000 cán bộ, viên chức, trong số này có gần 2.500 giảng viên. Giảng viên trình độ cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ) chiếm 38,5% cán bộ giảng dạy.

Đây là tiềm năng, lợi thế lớn về nguồn nhân lực khoa học và công nghệ (KH&CN). Phát huy lợi thế đó, những năm qua, ĐHTN đã hợp tác hiệu quả với tỉnh trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

“Xây dựng các giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai từ sạt lở, lũ quét trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” là 1 trong các đề tài được đánh giá cao thông qua sự hợp tác giữa ĐHTN và tỉnh Thái Nguyên.

Đề tài được thực hiện từ tháng 3-2018 đến tháng 10-2021; đã xây dựng được bộ bản đồ và cơ sở dữ liệu cảnh báo nguy cơ sạt lở, lũ quét và xây dựng các giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, đặc biệt là phần mềm công nghệ cảnh báo nguy cơ sạt lở, lũ quét trên địa bàn tỉnh.

Đây là kết quả mang tính ứng dụng cao, làm cơ sở phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo ổn định, bền vững. PGS.TS Trần Viết Khanh, Phó Giám đốc ĐHTN - Chủ nhiệm Đề tài, cho biết: Công nghệ này ứng dụng vào thực tế sẽ giúp cho việc quy hoạch các vị trí, xây dựng các khu dân cư để tránh khu vực có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2017-2022, ĐHTN và các trường thành viên đã thực hiện 35 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, tổng kinh phí thực hiện là 81 tỷ đồng; 14 nhiệm vụ KH&CN quỹ gen cấp tỉnh với kinh phí 31,5 tỷ đồng.

Chương trình hợp tác giữa tỉnh Thái Nguyên và ĐHTN đã phê duyệt 7 nhiệm vụ KH&CN, tổng kinh phí thực hiện trên 90 tỷ đồng. Nhiều quy trình kỹ thuật mới, tiến bộ khoa học được nghiên cứu, ứng dụng vào sản xuất và đời sống, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các nhà khoa học của ĐHTN còn hỗ trợ hiệu quả cho tỉnh trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tham gia tư vấn, đánh giá, phản biện các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án lớn của tỉnh.

PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc ĐHTN, khẳng định: Thời gian tới, ĐHTN sẽ ưu tiên mọi nguồn lực cho phát triển KH&CN, với phương châm lấy chất lượng đào tạo làm điểm nhấn, lấy KH&CN làm sức sống. ĐHTN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở KH&CN trong việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN; thành lập nhóm xúc tiến chương trình hợp tác nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của các bên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Trọng tâm trong công tác phối hợp là hợp tác thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp bộ, cấp tỉnh, nhiệm vụ quỹ gen cấp tỉnh; hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tuyên truyền, đào tạo, tập huấn chuyển giao công nghệ.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202308/dai-hoc-thai-nguyen-dong-gop-vao-muc-tieu-phat-trien-cua-tinh-b047030/