Đại học top đầu khối kinh tế có mức sàn xét tuyển lên tới 23 điểm
Trường đại học tốp đầu khối kinh tế có mức sàn xét tuyển khá cao khi đưa ra ngưỡng 23 với ĐH Ngoại thương. Học viện Ngân hàng cũng đưa ra ngưỡng xét tuyển và điểm trúng tuyển năm 2020.
ĐH Ngoại thương năm nay công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho các ngành đào tạo tại 3 cơ sở. Với phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT, điểm sàn là tổng điểm 2 môn thi.
Điểm sàn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 theo các tổ hợp môn là 23 điểm đối với tất cả các chương trình giảng dạy tại Trụ sở chính Hà Nội, Cơ sở 2 - TP.HCM và mức 18 điểm đối với các chương trình giảng dạy tại cơ sở Quảng Ninh.
Điểm sàn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đối với hai môn thi xét theo phương thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (bao gồm các tổ hợp môn Toán - Lý, Toán - Hóa, Toán - Văn) đối với chương trình tiên tiến Kinh tế đối ngoại là 18 điểm, đối với các chương trình tiên tiến khác và chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh là 17 điểm, và đối với chương trình ngôn ngữ thương mại là 16,5 điểm (các chương trình ngôn ngữ thương mại chỉ xét tổ hợp 2 môn Toán - Văn).
Tổng số chỉ tiêu của trường cho năm 2020 là 3990 chỉ tiêu, tuyển sinh cho 30 chương trình trong đó 50% chương trình là các chương trình tiên tiến, chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh và các ngoại ngữ khác.
Học viện Ngân hàng xác định chung một ngưỡng đảm bảo chất lượng cho các phương thức xét tuyển là 19 điểm (bao gồm tổng điểm thi THPT 2020 của 3 môn thi thuộc tổ hợp xét tuyển của ngành đăng ký và điểm ưu tiên theo khu vực, đối tượng).
Điều kiện trúng tuyển với phương thức xét tuyển dựa trên chứng chỉ ngoại ngữ:
Thí sinh có điểm thi THPT 2020 đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng của học viện và có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ dưới đây (chứng chỉ có thời hạn hiệu lực tối thiểu đến 31-12-2020): IELTS (academic) đạt từ 6.0 trở lên; TOEFL iBT đạt từ 72 điểm trở lên; TOEIC 4 kỹ năng đạt từ 665 điểm trở lên; chứng chỉ tiếng Nhật từ N3 trở lên (riêng đối với ngành Kế toán định hướng Nhật Bản và Hệ thống thông tin quản lý định hướng Nhật Bản)
Điều kiện trúng tuyển với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT.
Thí sinh hệ chuyên của trường THPT chuyên quốc gia, thí sinh cần có điểm thi THPT 2020 đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng của học viện và có điểm trung bình cộng trong 5 kỳ (năm lớp 10, năm lớp 11 và Học kỳ 1 năm lớp 12) của từng môn học thuộc tổ hợp xét tuyển của ngành đăng ký đạt từ 7.0 trở lên.
Với thí sinh hệ không chuyên của các trường THPT chuyên quốc gia và thí sinh hệ chuyên của trường THPT chuyên tỉnh, thành phố:
Thí sinh có điểm thi THPT 2020 đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng của Học viện và có điểm trung bình cộng trong 5 kỳ (năm lớp 10, năm lớp 11 và học kỳ 1 năm lớp 12) của từng môn học thuộc tổ hợp xét tuyển đạt từ 7,5 trở lên.
Thí sinh hệ không chuyên: với thí sinh đăng ký các ngành đào tạo hệ đại học chính quy, chương trình liên kết quốc tế (mã ngành 7340101_IU, 7340101_IV , 7340201_I, 7340301_I): thí sinh có điểm thi THPT 2020 đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng của học viện và có điểm xét tuyển đạt từ 25.00 trở lên.
Với thí sinh đăng ký các ngành đào tạo hệ đại học chính quy, chương trình đại trà (các mã ngành còn lại): thí sinh có điểm thi THPT 2020 đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng của Học viện và có điểm xét tuyển đạt 25.75 trở lên.