Đại hội bất thành, lãnh đạo CII vẫn tham gia thảo luận với cổ đông
Sáng 26/4, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (mã CII) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm tài chính 2022. Tuy nhiên tổng số cổ đông đến tham dự đại diện chỉ đạt 45,6% vốn điều lệ, không đạt điều kiện để tổ chức.
Chủ tịch HĐQT Lê Vũ Hoàng cho biết, nhóm cổ đông nước ngoài sở hữu 16 triệu cổ phiếu CII, cùng các quỹ ETF hầu hết không tham dự đại hội. Tính tới ngày 3/4, cổ đông nước ngoài đang nắm gần 25,9 triệu cổ phiếu CII, chiếm 10,26% tổng số cổ phần đang lưu hành.
Năm 2022, CII đã phải 2 lần tổ chức mới có thể hoàn thành ĐHĐCĐ thường niên. Nguyên nhân bất thành lần 1 cũng do không đủ số lượng cổ đông tham dự.
Năm nay, để khuyến khích cổ đông, CII đã có thông báo về việc tri ân nhà đầu tư tham gia đại hội, tùy thuộc vào số lượng cổ phần sở hữu sẽ nhận quà bằng tiền chuyển trực tiếp vào tài khoản.
Tuy nhiên nỗ lực này của ban lãnh đạo công ty vẫn không mang lại hiệu quả.
Tâm điểm của ĐHĐCĐ thường niên 2023 của CII là kế hoạch phát hành 2 gói trái phiếu chuyển đổi ra công chúng, với tổng giá trị gần 4.500 tỷ đồng.
CII cho biết, hiện công ty đang sở hữu 7 dự án BOT giao thông, trực tiếp hoặc gián tiếp qua CTCP Đầu tư Cầu Đường CH (CII B&R). Tính đến 31/12/2022, tổng vốn đầu tư chưa thu hồi của CII tại các dự án BOT đạt khoảng 20.844 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu của CII và CII B&R là 9.277 tỷ đồng và vốn vay là 11.567 tỷ đồng.
Theo công ty, với việc tái cấu trúc các khoản nợ bằng hai gói trái phiếu chuyển đổi sẽ giúp sớm thu hồi vốn chủ sở hữu đã đầu tư vào các dự án BOT, tạo dòng tiền ổn định để chia cổ tức cho cổ đông 3 tháng một lần, với tỷ lệ chi trả bình quân đạt hơn 15%/năm, trả lãi và gốc trái phiếu.
Mặc dù đại hội bất thành nhưng ban lãnh đạo CII vẫn tiếp nhận và giải đáp một số câu hỏi của cổ đông có mặt tại đại hội.
Trước câu hỏi “Nếu không phát hành được lô trái phiếu chuyển đổi thì sao?”, ông Lê Quốc Bình – Tổng giám đốc CII cho biết, nếu không phát hành thành công thì bao nhiêu tiền ngân hàng “nuốt” hết, có tiền nhưng không thể nhận, phải đợi trả nợ ngân hàng xong mới có thể trả cổ tức.
Theo ông Bình, luật PPP mới có hai nội dung quan trọng. Tất cả dự án PPP đều chốt thời gian khai thác, Nhà nước không còn đứng ra bảo hộ cho nhà đầu tư, nhà đầu tư lời ăn lỗ chịu. Thứ hai là PPP sắp tới chỉ làm các dự án mới, không làm trên đường cũ hay cầu cũ khiến lượng người qua dự án mới là ẩn số, ngân hàng sẽ không cho vay quá 50% và có thể hạ xuống 30%.
Chia sẻ về chiến lược dài hạn của công ty, ông Lê Quốc Bình cho biết, 20 năm nay, CII luôn theo đuổi chiến lược “đầu tư cơ sở hạ tầng có nguồn thu tốt”, chứ không chỉ dự án BOT. Trong đó, chủ yếu là đường và nước. Công ty đang nghiên cứu nhưng chưa đầu tư các dự án xử lý nước thải, dự kiến khi nào có luật cấm xả rác và xử phạt rác sẽ đầu tư.
“Trong quá trình làm đường, CII có thể sẽ làm thêm các dự án bất động sản chứ không chủ trương đầu tư bất động sản ngay từ đầu”, ông Bình nói.
Với các dự án đầu tư công BT, ông Bình khẳng định, CII không bao giờ tham gia các hợp đồng BT, chỉ làm các công trình do công ty đầu tư.