Đại hội cổ đông kịch tính nhưng đầy cảm xúc của Xây dựng Hòa Bình
Chiều nay 27-6, cổ đông của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu đạt 12.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 125 tỷ đồng.
Nếu đạt được kế hoạch trên thì đây có thể xem là kỳ tích của HBC sau những biến cố dồn dập xảy ra với doanh nghiệp. Những sự cố này đã có tác động cực mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của HBC trong năm vừa qua. Cụ thể, theo kết quả kinh doanh 2022 chưa kiểm toán, HBC đạt 14.148 tỷ đồng doanh thu thuần (đạt 80,7% kế hoạch) nhưng lợi nhuận âm 2.575 tỷ đồng.
Do hoạt động kinh doanh ghi nhận lỗ nên HĐQT của HBC quyết định không chia cổ tức năm 2022, không phát hành CP và quyền mua CP cho cán bộ công nhân viên.
Ngay trước khi ĐHCĐ được tiến hành, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT, đã nhận trách nhiệm khi chưa làm tròn nghĩa vụ đưa HBC phát triển như kỳ vọng, theo đúng tầm nhìn chiến lược đã xác định, chưa xứng đáng với niềm tin và lòng mong mỏi của cổ đông.
Lý giải về nguyên nhân thua lỗ, ông Hải cho biết tác động của nền kinh tế vĩ mô nói chung và tình hình ngành bất động sản nói riêng đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt, dòng tiền bị ảnh hưởng nghiêm trọng do việc tạm dừng thi công, chậm quyết toán và công nợ cũ chưa thể thu hồi.
Cũng theo ông Hải, doanh thu của HBC sụt giảm do các dự án chậm hoặc tạm dừng triển khai. Trong khi đó, lợi nhuận sụt giảm do chi phí vật liệu và nhân công tăng, chi phí tài chính tăng và chi phí trích lập dự phòng phải thu tăng cao.
Dù đối mặt với khó khăn được cho là lớn nhất kể từ khi thành lập, nhưng HBC đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các đối tác. Tính đến ngày 23-6, đã có 89 nhà cung cấp và nhà thầu phụ đồng ý cấn trừ nợ bằng CP với giá trị 650 tỷ đồng. Ông Hải chia sẻ thêm thông tin, sau khi hoàn tất việc định giá lại tài sản, phát hành CP cho cổ đông chiến lược và thành công trong việc hoàn nhập nợ ngắn hạn phải thu khó đòi lũy kế lên đến 2.059 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của HBC không những sẽ trở lại như cũ mà còn cao hơn nhiều so với những năm trước.
Đáng chú ý không chỉ nhận được sự hỗ trợ từ các đối tác, HBC còn có được sự đồng cảm từ các đối thủ. Có lẽ đây là sự kiện có “1 không 2” trên thị trường xây dựng khi lãnh đạo các đối thủ cạnh tranh có mặt tại ĐHCĐ để cùng chia sẻ khó khăn cùng HBC, như: ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT của CTCP Xây dựng Coteccons (CTD), ông Trần Quang Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty Xây dựng Central, ông Nguyễn Khắc Đồng, Tổng giám đốc CTCP Xây dựng An Phong.
Tại ĐHCĐ hôm nay, dù phải chờ đợi trong cả buổi chiều để đạt tỷ lệ 50% cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, nhưng đa số cổ đông đều hết sức cảm thông và động viên nhau cùng ở lại. Thậm chí, đã có thời điểm, đại diện HBC lên thông báo hủy tổ chức ĐHCĐ do không đạt đủ tỷ lệ theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Thế nhưng, sự kiên nhẫn của các cổ đông đã được đền đáp khi đại diện HBC công bố đủ tỷ lệ 50% để tổ chức ĐHCĐ thường niên, trong sự vỡ òa của những người có mặt tại Khách sạn REX (TPHCM) chiều hôm nay.
Việc cổ đông có mặt từ đầu giờ chiều cho đến tối muộn ngày hôm nay đã phần cho thấy niềm tin của các cổ đông với HĐQT hiện tại của HBC, đặc biệt là sau "cuộc chiến" xoay quanh ghế Chủ tịch HĐQT.
Bản thân ông Hải cũng bày tỏ sự xúc động trước nghĩa cử của các cổ đông, đối tác và lãnh đạo các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng có mặt tại ĐHCĐ. “Càng khó khăn thì Hòa Bình càng càng đoàn kết và nỗ lực phấn đấu để lấy lại vị thế nhà thầu số 1 Việt Nam. Bởi Hòa Bình như cánh diều, càng ngược gió càng bay cao”, ông Hải khẳng định.