Đại hội Công đoàn Việt Nam: 'Tiền lương, thưởng, giờ làm' là vấn đề trọng tâm, đột phá trong nhiệm kỳ mới
Một trong ba trọng tâm của nhiệm kỳ là đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động.
Sáng 1/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thành phố Hà Nội, diễn ra phiên thứ nhất Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu trình bày tổng quát Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII trình Đại hội để các đại biểu dự Đại hội nghiên cứu, thảo luận.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, trong Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII, nhiệm kỳ 2018 – 2023 trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam có nêu về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nêu 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ 2023-2028 để các đại biểu thảo luận, gồm:
Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động;
Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Trình bày báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam quyết định số lượng Ủy viên Ban Chấp hành là 175 ủy viên, tại đại hội đã bầu 161 ủy viên. Hiện nay Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn có 171 ủy viên, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn có 25 ủy viên, Thường trực Đoàn Chủ tịch có 6 người.
Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch khóa XII mong muốn Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa XIII tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm, tập trung đề ra những biện pháp, giải pháp nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm để tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ các mặt hoạt động công đoàn, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Báo cáo về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam, ông Huỳnh Thanh Xuân – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, Điều lệ Công đoàn Việt Nam được Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII thông qua, gồm 11 chương và 35 điều. Điều lệ đã xác định những vấn đề cơ bản về tính chất, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam.
Dự thảo Điều lệ đã nhận được hơn 1 triệu lượt ý kiến tham gia, Thường trực Đoàn Chủ tịch đã thảo luận cho ý kiến tại 5 hội nghị chuyên đề, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn cho ý kiến tại 8 kỳ họp, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN thảo luận và cho ý kiến trong 5 kỳ họp liên tiếp, trước khi hoàn chỉnh trình tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII.
Dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung) kỳ này được Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn khóa XII chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu công phu, bài bản, lấy ý kiến rộng khắp, được cán bộ, đoàn viên cả nước thảo luận dân chủ, tập trung, sôi nổi từ đại hội công đoàn cấp cơ sở trở lên.
“Điều lệ Công đoàn Việt Nam khi được Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII thông qua là cơ sở quan trọng để tiếp tục xây dựng, phát triển tổ chức công đoàn lớn mạnh cả về tư tưởng và tổ chức, tạo nên bước ngoặt trong tình hình mới, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đoàn viên công đoàn cả nước”, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Huỳnh Thanh Xuân nêu.