Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Định Quán lần thứ IV-2024: Phát huy vai trò cầu nối trong công tác dân tộc

26% trong tổng số 185,1 ngàn dân của huyện Định Quán là đồng bào thuộc 32 thành phần dân tộc thiểu số (DTTS). 6 trong 14 xã, thị trấn của huyện thuộc khu vực I vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Định Quán tặng quà các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong lễ trao - nhận quyết định bàn giao nhà ở vào tháng 9-2023. Ảnh:S.Thao

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Định Quán tặng quà các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong lễ trao - nhận quyết định bàn giao nhà ở vào tháng 9-2023. Ảnh:S.Thao

Nhiệm kỳ vừa qua, Phòng Dân tộc huyện đã phát huy vai trò cầu nối trong gắn kết đồng bào DTTS, tham mưu và phối hợp triển khai có hiệu quả các chính sách công tác dân tộc trên địa bàn.

Nỗ lực giúp đồng bào nâng cao dân trí

Năm học 2023-2024, toàn huyện có 70 giáo viên là người DTTS, chiếm 3,67% tổng số người tham gia đứng lớp của toàn huyện. 5 năm học qua, đã có 261 học sinh DTTS được xét tuyển vào các trường dân tộc nội trú…

Ông Lao Nhật Sáng (ngụ xã Túc Trưng, huyện Định Quán) cho hay, hiện Nhà nước áp dụng rất nhiều chính sách hỗ trợ cho con em đồng bào DTTS học tập. Trong đó, các trường dân tộc nội trú, trường năng khiếu của tỉnh còn “bao trọn” từ ăn ở, sinh hoạt cho học sinh DTTS theo học. Học sinh, sinh viên DTTS hoàn cảnh khó khăn được vay vốn chính sách. Sinh viên đang theo học tại các trường ngoài tỉnh được hỗ trợ tiền Tết Nguyên đán hàng năm… Nhờ vậy mà mở ra nhiều cơ hội được học tập đến nơi đến chốn cho con em đồng bào DTTS.

Sáng nay 30-5, Phòng Dân tộc huyện Định Quán tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS huyện Định Quán lần thứ IV-2024. Đây là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh tổ chức đại hội đại biểu DTTS nhiệm kỳ mới.

Ngoài việc học theo chương trình giáo dục chung, huyện Định Quán còn phối hợp thực hiện chương trình dạy song ngữ đối với học sinh con em đồng bào DTTS. Qua đó, trên địa bàn huyện có 3 cơ sở dạy Hoa văn tại các xã Phú Vinh, Phú Lợi với 31 lớp, 875 học sinh tham gia. Đồng thời, các lớp dạy tiếng Chơro, Khmer… cũng được hỗ trợ thực hiện.

Trụ trì chùa Thái Hòa (thị trấn Định Quán), thượng tọa Thích Pháp Tân cho hay, cùng với Long Khánh, Định Quán là một trong 2 địa phương tập trung đông đồng bào Khmer của tỉnh. Phòng Dân tộc huyện đã phối hợp cùng chính quyền địa phương, người uy tín trong đồng bào tìm địa điểm, chọn người đứng lớp… giúp đồng bào giữ gìn tiếng nói, chữ viết và văn hóa của cộng đồng.

Thời gian qua, huyện đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số trong đồng bào DTTS, giúp đồng bào tham gia tích cực vào quá trình thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo qua không gian mạng. Huyện thường xuyên cập nhật kiến thức về công tác dân tộc, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước dành cho đồng bào các DTTS.

Bên cạnh đó, huyện còn đảm bảo chi trả đúng chế độ, chính xác về đối tượng đối với các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào DTTS; phát huy vai trò đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS để kịp thời nắm bắt dư luận trong đồng bào... Nhờ vậy, thời gian qua, tình hình an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS được giữ vững.

Giúp đồng bào an cư, lạc nghiệp

Theo Trưởng phòng Dân tộc huyện Định Quán Thạch Thị Ngọc Thanh, thời gian qua, cùng với nỗ lực của chính đồng bào DTTS, nhiều chương trình giúp bà con sớm an cư, lạc nghiệp đã được địa phương chủ động triển khai.

Cụ thể, từ năm 2019 đến nay, gần 2,7 ngàn người DTTS của huyện đã được đào tạo nghề và giới thiệu, giải quyết việc làm thông qua hỗ trợ vốn, giới thiệu nơi làm việc. Đồng thời, các chương trình cho đồng bào vay vốn cũng hoạt động tích cực, nhờ đó bà con phát huy hiệu quả vốn vay, hoàn thành nghĩa vụ hoàn vốn đối với Nhà nước.

5 năm qua, đã có 850 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trong đồng bào DTTS được vay vốn với trên 42,5 tỷ đồng.

Đặc biệt, Định Quán hiện là địa phương duy nhất của tỉnh đang triển khai chương trình cho vay vốn từ nguồn lực cộng đồng một cách chặt chẽ và hiệu quả. Trong đó, Dự án Chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo bền vững tại huyện Định Quán đã giúp cho khoảng 500 trường hợp, đa phần trong số này là đồng bào DTTS, tiếp cận vốn vay để đầu tư sản xuất, kinh doanh cá thể, như: chăn nuôi bò và dê, nuôi thủy sản, mua các loại máy nhỏ để gia công hàng tại nhà, dệt lưới, thu mua phế liệu…

Huyện Định Quán còn thực hiện có hiệu quả chương trình giúp đồng bào DTTS an cư gắn với mô hình 3 tại chỗ (nhà tài trợ đóng góp ban đầu, gia đình cùng dòng họ đóng góp và chính quyền địa phương, đoàn thể ở cơ sở vận động thêm từ cộng đồng).

Theo Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Định Quán Dương Thị Kim Phú, mô hình 3 tại chỗ đã góp phần làm cho trị giá xây dựng của mỗi căn nhà sau khi hoàn thành luôn cao hơn mức ban đầu.

Nhờ những nỗ lực tích cực này mà 5 năm qua, huyện Định Quán đã giảm được 576 hộ nghèo trong đồng bào DTTS. Ngày càng xuất hiện nhiều gương điển hình trong đồng bào DTTS về phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu...

Sông Thao

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202405/phat-huy-vai-tro-cau-noi-trong-cong-tac-dan-toc-dcc1a16/