Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025
Ngày 25-10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc. Về dự Đại hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, nguyên Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Mình, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư, nguyên Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, cùng 339 đại biểu chính thức đại diện cho đảng viên trong toàn tỉnh Hưng Yên.
Toàn cảnh Đại hội.
Phát biểu khai mạc tại Đại hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Đỗ Tiến Sỹ, cho biết, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần này có chủ đề: “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng Hưng Yên thành tỉnh công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững”.
Báo cáo chính trị trình Đại hội cho thấy, trong nhiệm kỳ qua, tỉnh đã tập trung lãnh đạo phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Kinh tế duy trì phát triển nhanh với chất lượng tăng trưởng từng bước được cải thiện, quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên. Quy mô nền kinh tế năm 2020 theo giá hiện hành ước đạt 100.981 tỷ đồng, bằng 1,71 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp, xây dựng. Năm 2020, công nghiệp xây dựng chiếm 61,5%; dịch vụ 28,85%; nông nghiệp 9,65%.
Công tác thu hút, tiếp nhận có chọn lựa các dự án đầu tư đã hướng mạnh vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Cơ bản dừng tiếp nhận dự án sản xuất rời lẻ ở ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Giai đoạn 2016-2020 tỉnh đã thu hút 816 dự án đầu tư, tăng hơn 34% so với giai đoạn 2011-2015. Trong số này, có 625 dự án trong nước, vốn đăng ký trên 61,7 nghìn tỷ; 191 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký trên 2,24 tỷ USD.
Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020 đạt trên 157 nghìn tỷ đồng, gấp 2 lần giai đoạn 2011-2015. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả cao, an toàn và bền vững, xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc. Thương mại, dịch vụ và du lịch phát triển khá. Công tác tài chính ngân sách đạt kết quả tích cực và nổi bật. Các vấn đề xã hội được quan tâm. Văn hóa được gìn giữ và phát huy; giáo dục, y tế, khoa học công nghệ được đẩy mạnh…
Trong nhiệm kỳ tới, Hưng Yên phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 7,5-8%. GRDP bình quân đầu người 130 triệu đồng/năm. Cơ cấu nông nghiệp, thủy sản chiếm 6%; công nghiệp - xây dựng chiếm 66%; dịch vụ 28%.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2020-2025 phấn đấu đạt 250 nghìn tỷ đồng; thu ngân sách trên địa bàn đạt 21.500 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 47%.
Về xã hội, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1%; có 55-60 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 25-30 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; ít nhất 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 98%; tuổi thọ trung bình 75 tuổi; tỷ lệ số hộ dân được sử dụng nước sạch 95%; chất thải đô thị được xử lý đạt 95%...
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Đại hội sẽ phát huy dân chủ, đề cao ý thức trách nhiệm, thảo luận, phân tích, làm rõ thêm nguyên nhân, chủ quan, khách quan và đóng góp với Đại hội những giải pháp thiết thực để khắc phục triệt để những yếu kém, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho nhiệm kỳ tới.
Bộ Chính trị nhất trí với dự thảo Báo cáo chính trị và việc nhận diện 6 vấn đề thách thức lớn đối với tỉnh, đặc biệt về 4 quan điểm, 3 khâu đột phá cùng hệ thống 19 chỉ tiêu.
Một là, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên cần tiếp tục chú trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tạo đồng thuận trong nhân dân. Tỉnh thực hiện nghiêm chống chạy chức, chạy quyền và trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Địa phương kiên quyết ngăn chặn suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; chống lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng…
Hai là, tập trung lãnh đạo phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường.
Ba là, đồng thời với việc tập trung phát triển kinh tế phải chăm lo giải quyết tốt các vấn đề xã hội.
Bốn là, tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh. Chú trọng công tác nắm, dự báo, đánh giá tình hình, ngăn chặn và đấu tranh, xử lý có hiệu quả các yếu tố ảnh hưởng đến an ninh trật tự ngay từ ở cơ sở. Bám sát và thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng trong tình hình mới.
“Bộ Chính trị, Ban Bí thư tin tưởng rằng, với truyền thống văn hiến, cách mạng và anh hùng, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục đoàn kết, thống nhất quyết tâm xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, xây dựng tỉnh nhà thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.