Đại hội Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo lần 1: Vững niềm tin, vươn tầm cao mới
Với việc thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo, công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực dân tộc và lĩnh vực tôn giáo đã 'về chung một nhà'.
Đây không chỉ là dấu mốc lịch sử trên hành trình phát triển mới của một cơ quan thuộc Chính phủ mà còn là bước ngoặt quan trọng trong thực hiện chính sách dân tộc và tôn giáo, để thực hiện sứ mệnh cống hiến cho sự phát triển thịnh vượng của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo diễn ra ngày 01/3/2025.
Tầm cao mới trên hành trình phát triển
Thời điểm này, cả nước đã bước vào vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp (cấp tỉnh và cấp xã) - dấu mốc quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính ở nước ta. Đây là cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy Nhà nước, tạo động lực, thiết lập nền móng chính trị vững chắc để đất nước vững tin tiến vào kỷ nguyên mới.
Trong xung lực đó, Bộ Dân tộc và Tôn giáo - cơ quan mới của Chính phủ, được thành lập trên cơ sở Ủy ban Dân tộc tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức Ban Tôn giáo Chính phủ, cũng đã đi vào hoạt động ổn định. Việc sáp nhập không phải là phép cộng cơ học mà là một tầm nhìn chiến lược để tái cấu trúc toàn diện công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực dân tộc và tín ngưỡng, tôn giáo, từ đó tiếp tục vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tình dân tộc, nghĩa đồng bào - “điểm tựa” của đất nước trong mọi thời kỳ phát triển.
Bộ Dân tộc và Tôn giáo phải phát huy và là hình mẫu về đoàn kết, thống nhất và lan tỏa đoàn kết, thống nhất; cán bộ phải sát cơ sở hơn, đi cơ sở nhiều hơn, đi tới tận vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, làm tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, tạo động lực, truyền cảm hứng cho sự phát triển bình đẳng và không bị ai bỏ lại phía sau”.
Đúng như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định tại Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo diễn ra ngày 1/3.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh rằng, Bộ Dân tộc và Tôn giáo lần đầu tiên được thành lập thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với công tác dân tộc và tôn giáo; mục tiêu là tiếp tục nâng cao công tác quản lý Nhà nước hiệu quả trong hai lĩnh vực này, đồng thời phát huy hơn nữa đóng góp của các dân tộc, các tôn giáo cho sự phát triển của đất nước trong tình hình mới.
Thủ tướng đề nghị Bộ Dân tộc và Tôn giáo tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và tôn giáo. Trong đó, với công tác dân tộc, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đoàn kết các dân tộc, các dân tộc phải được tiếp cận bình đẳng; làm sao để không có khoảng cách giữa các dân tộc trong phát triển; không để ai bị bỏ lại phía sau; không để các thế lực thù địch, phản động chia rẽ khối đoàn kết dân tộc.
Về công tác tôn giáo, Thủ tướng lưu ý vấn đề mấu chốt là bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; kết hợp chặt chẽ giữa đạo và đời, đời và đạo, tôn giáo gắn bó với dân tộc; thể chế hóa, thực hiện tốt việc quản lý Nhà nước, quản lý để phát triển, thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, nguyện vọng của Nhân dân; đồng thời, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào tôn giáo ngày càng được cải thiện cùng sự phát triển của đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt Bộ Dân tộc và Tôn giáo ngày 01/3/2025.
Vững niềm tin cho mục tiêu xuyên suốt
Thực tế cho thấy, vấn đề dân tộc và tôn giáo ở nước ta xưa nay luôn có mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại, chi phối lẫn nhau; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phát triển mạnh ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Số liệu trong sách chuyên khảo “Tôn giáo vùng DTTS ở Việt Nam” do Nhà Xuất bản Tôn giáo (thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ) ấn hành tháng 12/2024 đã cho thấy rõ điều này.
Theo tài liệu này, hiện ở khu vực Tây Nguyên có hơn 55% người DTTS tại chỗ là tín đồ tôn giáo (chủ yếu là Công giáo và Tin Lành); ở Tây Nam Bộ có 95% đồng bào Khmer theo Phật giáo Nam tông; ở miền núi phía Bắc có gần 30% đồng bào dân tộc Mông theo đạo Tin Lành; ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ hơn 95% đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn và Hồi giáo. Thực tiễn này đòi hỏi phải cùng một lúc thực hiện tốt chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo.
Cách đây 70 năm (1955), Tiểu ban Dân tộc Trung ương (tên gọi mới của Nha Dân tộc thiểu số - tổ chức tiền thân của Ủy ban Dân tộc) đã được thành lập; chức năng, nhiệm vụ được quy định cụ thể tại Nghị định số 447/TTg ngày 1/2/1955. Cũng trong năm này, Ban Tôn giáo - tổ chức tiền thân của Ban Tôn giáo Chính phủ ngày nay đã được thành lập theo Nghị định số 566/TTg ngày 2/8/1955.
Trải dọc suốt chiều dài phát triển của đất nước, hai cơ quan trở thành “cánh tay nối dài” của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực dân tộc và tôn giáo, góp phần quan trọng phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS, vùng đồng bào có đạo.
Nhưng cũng phải thấy rằng, do nhiều yếu tố khách quan, điều kiện kinh tế - xã hội của nhiều dân tộc hiện vẫn còn thấp hơn mặt bằng chung cả nước. Lĩnh vực quản lý nhà nước về dân tộc, tôn giáo dù đã đạt được những thành tựu to lớn, nhưng như chia sẻ của ông Lại Xuân Môn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giao và Dân vận Trung ương tại buổi làm việc với Bộ Dân tộc và Tôn giáo ngày 30/3 rằng: công tác dân tộc, tôn giáo là hai lĩnh vực khó khăn, đặc thù; đối tượng triển khai chính sách ở vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa - nơi điều kiện còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Chính vì vậy, Bộ Dân tộc và Tôn giáo được thành lập không chỉ là việc sáp nhập chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về dân tộc, tôn giáo về một đầu mối mà quan trọng hơn là vun đắp, củng cố thêm tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tình dân tộc, nghĩa đồng bào - “điểm tựa” của đất nước trong mọi thời kỳ.
Với niềm tin vững chắc, Bộ Dân tộc và Tôn giáo sẽ hoàn thành sứ mệnh, đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân và đảm bảo bình đẳng hài hòa các lợi ích của đồng bào các dân tộc; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân.