Đại hội đảng bộ các tỉnh, xã sau sáp nhập sẽ không làm công tác nhân sự
Thời gian tổ chức đại hội đảng bộ các cấp vẫn giữ nguyên như Chỉ thị 35 trước đây nhưng ở các tỉnh, xã có sáp nhập thì đại hội sẽ không làm công tác nhân sự.
Hôm nay, 14-4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Chỉ thị 45-CT/TW thay thế cho Chỉ thị 35-CT/TW ngày 14-6-2024 cũng như Kết luận 118-KL/TW ngày 18-1 vừa qua của Bộ Chính trị, đều về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Chỉ thị được ban hành ngay sau khi Hội nghị Trung ương 11 quyết định theo thẩm quyền về việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cả nước từ 63 tỉnh còn 34, bỏ cấp huyện, nhập xã để giảm đi khoảng 60-70% số đơn vị hành chính cấp xã hiện tại.
Cùng ngày, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Kết luận 150 hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh và cấp xã sau hợp nhất, sáp nhập.

Không vì tổ chức bộ máy mà lùi đại hội đảng bộ cấp tỉnh
Theo các văn bản này cũng như kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18, những ngày tới, các địa phương, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khẩn trương triển khai việc nhập xã. Tiếp đó Quốc hội sẽ họp để sửa Hiến pháp, ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới và các luật khác về tổ chức bộ máy để bỏ huyện, nhập tỉnh.
Các tỉnh, các xã sau sắp xếp sẽ kiện toàn nhân sự Đảng, chính quyền, cơ quan chuyên môn, MTTQ, đoàn thể. Sau bước đầu ổn định nhân sự này, các cấp sẽ bước ngay vào công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp theo thời hạn, bước đi, cách làm được nêu rõ trong Chỉ thị 45.
Theo đó, đại hội đảng viên hoặc đại hội đại biểu cấp cơ sở phải hoàn thành trước ngày 30-6 tới. Đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở và đại bộ đảng bộ cấp xã phải hoàn thành trước ngày 31-8. Đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương hoàn thành trước ngày 31-10.
Yêu cầu về thời hạn này cơ bản là không thay đổi so với Chỉ thị 35 được ban hành khi chưa đặt ra yêu cầu về cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy.
Đại hội đảng bộ các cấp gắn với chủ trương tinh gọn bộ máy
Trên cơ sở kết quả của cuộc cách mạng tổ chức bộ máy, Chỉ thị 45 nêu rõ Đại hội XIV của Đảng tổ chức vào đầu năm 2026 sẽ là dấu mốc đặc biệt trên con đường phát triển, mở ra kỷ nguyên mới, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”.
Chính vì vậy, đại hội đảng bộ các cấp triển khai những tháng tới phải là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng. Gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và tinh thần hành động trong dự thảo các văn kiện Đại hội XIV, đại hội đảng bộ các cấp phải xác định, định hướng, trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của các đơn vị hành chính mới được thành lập. Văn kiện của đại hội đảng bộ các cấp phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm và dễ kiểm tra.
Về công tác nhân sự, các cấp phải có cơ chế, tiêu chí sàng lọc để không bỏ sót người thực sự có đức, có tài; không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người có vấn đề về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm…

Bầu cử, một phần của công tác nhân sự tại Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang, nhiệm kỳ 2020-2025.
Nhiều nhân sự cấp ủy khóa mới sẽ không qua bầu cử
Với hàng ngàn xã được thành lập mới sau hợp nhất, sáp nhập, 23/34 tỉnh, thành phố được thành lập mới trên cơ sở nhập 2, 3 tỉnh liền kề làm một, như vậy sẽ có cả vạn đảng bộ cấp trên cơ sở, cùng đảng bộ cấp xã, cấp tỉnh sẽ được tổ chức lại, thành lập mới.
Vì vậy, Chỉ thị 45 yêu cầu đại hội các đảng bộ này chỉ tập trung vào hai nội dung (1) Tổng kết thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ tiếp theo 2025-2030; (2) Thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIV và văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp.
Còn hai nội dung liên quan đến công tác nhân sự, gồm (3) Bầu Ban Chấp hành đảng bộ nhiệm kỳ 2025-2030; (4) Bầu đoàn đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên thì không triển khai.
Ban Thường vụ cấp ủy cấp trên trực tiếp sẽ chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư, Ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra và phân bổ số lượng, chỉ định đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên.
Với các đảng bộ không có biến động do hợp nhất, sáp nhập thì vẫn tổ chức đại hội cả bốn nội dung nêu trên, bao gồm công tác nhân sự. Chỉ những nơi thực sự có khó khăn về công tác chuẩn bị nhân sự, được cấp ủy có thẩm quyền đồng ý thì mới đề lại phần nhân sự cấp ủy khóa mới để cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo, chỉ định nếu cần thiết.
Với các đảng bộ không hợp nhất, sáp nhập, mà đã tổ chức đại hội theo Chỉ thị 35, thì cấp ủy tổ chức hội nghị để thảo luận dự thảo các văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp và tiếp tục rà soát, kiện toàn nhân sự theo quy định.