Hà Nội - điểm đến thân thiện và hấp dẫn cho du khách Hồi giáo
Hội thảo quốc tế 'Triển vọng phát triển du lịch gắn với Halal trên địa bàn TP Hà Nội' là một hoạt động quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Thủ đô hướng tới thị trường tiềm năng với hơn 1,9 tỷ người Hồi giáo trên toàn cầu.

Du lịch gắn với Halal rất nhiều tiềm năng với thị trường hơn 1,9 tỷ người
Ngày 15/4/2025, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế Triển vọng phát triển du lịch gắn với Halal trên địa bàn TP Hà Nội với sự tham gia của 150 đại biểu trong nước và quốc tế. Hội thảo do Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội; Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam); Đại sứ quán Azerbaijan, Paskistan, Palestin, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan… và các đơn vị khác phối hợp tổ chức.
Du lịch Halal có thể hiểu là du lịch Hồi giáo hay du lịch thân thiện với người Hồi giáo, đảm bảo các dịch vụ du lịch cung cấp phù hợp với những yêu cầu đặc thù của đạo Hồi. Tại Hội thảo, TS Trịnh Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội nhấn mạnh: "Du lịch Halal đang nổi lên như một xu hướng toàn cầu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành du lịch tại nhiều quốc gia. Dự báo đến năm 2030, du lịch Halal sẽ đóng góp 334,5 tỷ USD vào ngành du lịch thế giới. Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang hoạch định chính sách, xây dựng các chương trình hành động, đầu tư phát triển du lịch Halal để thu hút nguồn khách hàng tiềm năng này".

Tiến sĩ Trịnh Thị Thu Hà phát biểu đề dẫn Hội thảo
Dù vậy, hiện nay, các sản phẩm và dịch vụ Halal tại Hà Nội chưa phát triển toàn diện đồng bộ, dẫn đến hạn chế trong thu hút du khách Hồi giáo. Chính vì thế, Hội thảo được tổ chức để góp phần triển khai Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phê duyệt ngày 14/2/2023 cũng như nâng cao nhận thức về du lịch gắn với Halal.
Hội thảo cũng tạo diễn đàn trao đổi giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế, cộng đồng về tiềm năng phát triển du lịch gắn với Halal tại Hà Nội, phân tích thực trạng… Từ đó, định hình các chính sách, chiến lược phát triển bền vững. Đồng thời, thúc đẩy kết nối và hợp tác quốc tế, tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Hà Nội với các quốc gia và tổ chức Hồi giáo trên thế giới.
Đặc biệt, Hội thảo đã phát huy vai trò của Hà Nội như một điểm đến thân thiện và hấp dẫn cho du khách Hồi giáo, góp phần vào sự phát triển du lịch toàn diện và bền vững của Thủ đô.

Tại Hội thảo, ông Shovgi Kamal Oglu Mehdizade - Đại sứ Azerbaijan tại Việt Nam đánh giá cao tiềm năng du lịch Halal của Việt Nam: "Việt Nam có tiềm năng lớn cho sự phát triển của du lịch Halal, đặc biệt là đối với các quốc gia Hồi giáo và ngày càng trở thành điểm đến thu hút với nhiều quốc gia như Pakistan, Azerbaijan, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ...".
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Hà Nội có thể trở thành trung tâm du lịch hàng đầu trong khu vực về tiếp cận thị trường Halal bằng cách tận dụng hiệu quả tài nguyên sẵn có, nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc tế. Sở Du lịch Hà Nội cũng đang xây dựng lộ trình chiến lược để biến Thủ đô thành điểm đến thân thiện và hấp dẫn đối với du khách Hồi giáo.
Song song với phát triển cơ sở vật chất, Hà Nội cũng tăng cường triển khai các chương trình tập huấn chuyên sâu cho doanh nghiệp trong ngành du lịch, phối hợp với các tổ chức quốc tế và các đơn vị nghiên cứu chuyên ngành như Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi, hướng đến xây dựng đội ngũ nhân lực có năng lực phục vụ thị trường Halal đầy tiềm năng.