Đại hội đồng AIPA-42: Đảm bảo bình đẳng giới trong thụ hưởng thành quả của kinh tế số
Tại Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á lần thứ 42 (AIPA-42), các đoàn đại biểu đã thảo luận và thông qua Nghị quyết về Thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong Tương lai phục hồi sau đại dịch và việc làm thông qua kỹ thuật số và tài chính bao trùm.
Liên quan đến nội dung này, bà Hà Thị Nga, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có những chia sẻ với báo chí:
Đại hội đồng AIPA 42 thảo luận những vấn đề chính như trao quyền cho phụ nữ, biến đổi khí hậu, an ninh mạng và thúc đẩy hội nhập kinh tế. Xin bà cho biết ý kiến về những vấn đề chung và những vấn đề có thể chia sẻ với đối tượng là phụ nữ trong bối cảnh phòng chống dịch hiện nay ở Việt Nam?
Trao quyền và bình đẳng cho phụ nữ trong các lĩnh vực là ưu tiên quan trọng trong chương trình nghị sự của ASEAN và được thể hiện rõ nét trong các mục tiêu và chỉ tiêu của Tầm nhìn ASEAN 2025. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn nhiều thách thức trong việc thu hẹp khoảng cách giới trong khu vực nói chung và đối với từng nước thành viên nói riêng. Khó khăn, thách thức lại càng lớn hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bởi phụ nữ và trẻ em vẫn đang là đối tượng dễ bị tổn thương nhất cả về đời sống vật chất, tinh thần trong đại dịch.
Đại dịch COVID-19 đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực, tạo ra những cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với phụ nữ do thiếu kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, chưa có kinh nghiệm làm việc trong môi trường quốc tế, chưa kể môi trường số, các mạng xã hội đang ẩn chứa nhiều nguy cơ khiến phụ nữ và trẻ em gái dễ trở thành nạn nhân của tội phạm công nghệ.
Tôi rất vui mừng khi Đại hội đồng AIPA-42 ưu tiên thảo luận các vấn đề này, nhấn mạnh thông điệp về sự đồng thuận, đồng hành trong nỗ lực khống chế đại dịch COVID-19, vượt qua khó khăn để phục hồi kinh tế, củng cố đoàn kết trong khối, thể hiện hình ảnh một ASEAN trách nhiệm, sẵn sàng phối hợp ứng phó các vấn đề nảy sinh.
Tôi cho rằng phụ nữ Việt Nam cũng có khá nhiều kinh nghiệm để có thể chia sẻ cùng các nước trong khu vực. Hai năm qua, phụ nữ Việt Nam luôn đoàn kết, sáng tạo và đóng góp rất cụ thể, hiệu quả trên mọi mặt trận chống dịch, cả trên tuyến đầu trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, bảo vệ an ninh trật tự cho đến là hậu phương vững chắc lo những bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng cho lực lượng chống dịch và chia sẻ những phần lương thực cho những người khó khăn, những người đang trong khu vực cách ly y tế.
Có thể nói, trong khó khăn của đại dịch lại càng sáng lên phẩm chất nhân hậu, tinh thần đoàn kết và tấm lòng yêu thương của phụ nữ Việt Nam, đó là kết tinh của truyền thống dân tộc Việt Nam, truyền thống của phụ nữ Việt Nam.
Theo bà, những vấn đề nào cần quan tâm nhất hiện nay với phụ nữ cũng như vấn đề cần chiến lược, chính sách hỗ trợ sau đại dịch?
Phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn do dịch bệnh bởi khó khăn về kinh tế cũng như việc thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng làm tăng gánh nặng công việc không được trả công trong gia đình, tăng áp lực chăm sóc sức khỏe tinh thần, dinh dưỡng, sức khỏe thể chất cho người thân trong gia đình, áp lực chăm sóc con cái... trong bối cảnh tiếp cận dịch vụ bị hạn chế. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng như thông tin từ Ngôi nhà Bình yên do Hội quản lý cũng cho thấy tỷ lệ bạo lực gia đình gia tăng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, phụ nữ cao tuổi cũng là những đối tượng dễ bị tổn thương, có nguy cơ diễn biến bệnh xấu khi mắc COVID-19 hơn các nhóm đối tượng khác.
Bên cạnh đó, sự gián đoạn công việc, việc thiếu hụt các kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng phục hồi sinh kế của phụ nữ sau đại dịch.
Đối với những phụ nữ trực tiếp làm việc tại các cơ sở y tế, các khu cách ly, phong tỏa, chăm sóc người mắc COVID-19 thì việc phải làm việc liên tục nhiều giờ trong trang phục bảo hộ đã làm cho phụ nữ gặp nhiều khó khăn và bất tiện trong chăm sóc vệ sinh cá nhân.
Từ những vấn đề đang đặt ra và tìm hiểu kinh nghiệm một số nước trong khu vực, chúng tôi cho rằng cần có cơ chế hỗ trợ phụ nữ tiếp cận thông tin và nắm được đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước (ví dụ, ngày 1/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19); cung cấp kênh thông tin phù hợp với thói quen và điều kiện của phụ nữ; hỗ trợ mua trả góp điện thoại thông minh giúp phụ nữ nghèo khó khăn, đồng thời cũng cần có những chính sách hỗ trợ phụ nữ tiếp cận công nghệ thông tin, công nghệ số để từ đó thu hẹp khoảng giới giới trong lĩnh vực số, như các chương trình/đề án đào tạo cho phụ nữ về thương mại điện tử, về nông nghiệp công nghệ cao v.v.
Xin bà cho biết rõ hơn khuyến nghị trong xây dựng kinh tế số nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng như thúc đẩy một nền kinh tế bền vững và linh hoạt hơn, với vấn đề khu vực và cụ thể đối với phụ nữ Việt Nam? Cần quan tâm như thế nào để giúp phụ nữ tiếp cận Internet , bảo đảm sự hài hòa giữa các vùng miền trong mỗi quốc gia, đặc biệt là vùng sâu vùng xa?
Như chúng ta đều biết, đại dịch COVID-19 mang lại những tác động nặng nề ở tất cả các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội. Trong đó, kinh tế là lĩnh vực chịu tác động sớm nhất và cũng có thể nói là kéo dài và khó khăn nhất trong quá trình phục hồi. Xét ở góc độ tích cực, đại dịch COVID-19 thúc đẩy các quốc gia có định hướng rõ chuyển đổi số không chỉ là công nghệ, thị trường, thể chế mà để thành công cần có sự tham gia hiệu quả và thụ hưởng bình đẳng của người dân.
Xét từ các khía cạnh nêu trên, từ vai trò là đại biểu Quốc hội công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - tổ chức có chức năng chăm lo, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của các tầng lớp phụ nữ; tôi cho rằng trong xây dựng nền kinh tế số, bên cạnh các giải pháp về công nghệ, thị trường, thể chế, cần coi trọng cả những giải pháp đảm bảo sự tham gia hiệu quả, thực chất và thụ hưởng bình đẳng của người dân. Để làm được điều này, chúng ta cần quan tâm những vấn đề sau:
Một là, đa dạng các chương trình, phương thức truyền thông thay đổi nhận thức của người dân về chuyển đổi số, kinh tế số; giúp cho bất kể người dân nào (người lao động hay người sử dụng lao động), lĩnh vực ngành nghề nào (sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, người tiêu dùng), ở đâu (thành phố, nông thôn, miền núi hay đồng bằng), dân tộc nào cũng đều hiểu được sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số, và quan trọng nhất là hiểu được vai trò của cá nhân trong chuyển đổi số để phục hồi và phát triển kinh tế bền vững; qua đó tận dụng tối đa thế mạnh của một quốc gia có nền tảng công nghệ tiên tiến, có tỷ lệ người dân sở hữu thiết bị di động và sử dụng Internet cao.
Hai là, từ sự thay đổi nhận thức đó, cần có các chương trình đào tạo, hỗ trợ giúp cho người dân, doanh nghiệp xác định được mục tiêu, hướng đi của cá nhân, của tổ chức mình trong chuyển đổi số nhằm thích nghi với sự vận hành mới của nền kinh tế, có được lộ trình, các bước để số hóa và chuyển đổi số hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thúc đẩy phát triển việc ứng dụng công nghệ số trong thương mại điện tử, chuyển đổi hình thức kinh doanh từ trực tiếp sang trực tuyến, ứng dụng nền tảng công nghệ trong sử dụng dịch vụ, trong sản xuất, quảng bá, bán hàng, kết nối tiêu thụ, hướng tới liên kết với các sàn thương mại điện tử với những mặt hàng đủ tiêu chuẩn.
Cần phát triển các nền tảng, sản phẩm tập huấn ứng dụng công nghệ số để hướng dẫn các kiến thức về quản lý tài chính cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp; về sản xuất kinh doanh; về khởi nghiệp; kết nối tiêu thụ sản phẩm... Vận hành hiệu quả các chương trình hỗ trợ ứng dụng công nghệ số để đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng... và góp phần tăng năng suất lao động của các mô hình sản xuất kinh doanh ở tất cả các cấp độ hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp.
Ba là, để sự tiếp cận và thụ hưởng thành quả của kinh tế số một cách bình đẳng, cần xác định được điểm yếu, khó khăn, rào cản của từng nhóm dân số, đặc biệt là các nhóm yếu thế trong chuyển đổi số; từ đó có các chương trình hỗ trợ, giải pháp can thiệp phù hợp, giúp không ai bị bỏ lại phía sau trong nền kinh tế số.
Ở Việt Nam cũng như ở các nước trên thế giới, khoảng cách giới trong lĩnh vực số vấn đang tồn tại, mà nguyên nhân chính là định kiến giới về khả năng nắm bắt khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin của phụ nữ và nam giới khiến tỷ lệ nữ trong ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) thấp hơn hẳn nam giới và họ có xu hướng rời bỏ ngành sớm hơn nam giới. Nhiều phụ nữ không thể tiếp cận Internet do các rào cản về khả năng tiếp cận, chi trả, kỹ năng…
Vì vậy, quá trình phát triển nền kinh tế số phải là quá trình nhạy cảm giới, phải coi việc thu hẹp khoảng cách giới hiện nay là một ưu tiên thì mới có thể bảo đảm phụ nữ và nam giới được thụ hưởng bình đẳng thành quả của nền kinh tế số. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến các nhóm khó khăn trong tiếp cận công nghệ số như phụ nữ, người trình độ học vấn thấp, sản xuất qui mô nhỏ, nhóm người dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng sâu vùng xa.
Điều này đòi hỏi từ việc xây dựng giải pháp, hoạt động hỗ trợ đến quá trình triển khai thực tế của các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, các chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp… rất cần có những giải pháp riêng biệt cho nhóm này.
Bên cạnh đó, cần quan tâm để đảm bảo lực lượng lao động là phụ nữ được trang bị kiến thức, kỹ năng tiếp cận công nghệ số và áp dụng để thích ứng với yêu cầu của thực tế và thụ hưởng thành quả của công nghệ số.
Bà có mong muốn gì để AIPA cũng như nghị viện thành viên quan tâm hơn nữa việc trao quyền cho phụ nữ, giúp phụ nữ sau đại dịch?
Trong bối cảnh hiện nay, các Nghị viện thành viên AIPA cần phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa để có thể hỗ trợ phụ nữ giải quyết các vấn đề của dịch bệnh, thiên tai và quá trình chuyển đổi số phát huy sự đóng góp, sức sáng tạo của phụ nữ. Tôi xin có một số đề xuất cụ thể:
Cần ưu tiên, quan tâm bảo vệ phụ nữ trước đại dịch, nhất là phụ nữ yếu thế và phụ nữ ở tuyến đầu chống dịch thông qua các các cơ chế hợp tác như chia sẻ vaccine phòng COVID-19; có chính sách hỗ trợ phụ nữ tiếp cận với công nghệ thông tin và thích nghi với quá trình chuyển đổi số.
Cần quan tâm tăng cường nghiên cứu tác động của COVID-19 đối với phụ nữ, chia sẻ và học tập kinh nghiệm lẫn nhau để đưa ra các khuyến nghị chính sách phù hợp.
Các nước cần có các biện pháp phối hợp, hỗ trợ toàn diện về cơ hội việc làm, khởi nghiệp, thu nhập, chăm sóc gia đình cho các nhóm đối tượng phụ nữ di cư, phụ nữ các khu công nghiệp, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Đồng thời cần tăng cường phối hợp để phòng chống tội phạm mua bán người, di cư bất hợp pháp qua biên giới.
Trân trọng cảm ơn bà!