Đại hội đồng cổ đông PVOIL: Tăng trưởng sản lượng là rất quan trọng, nhưng phải song hành với đảm bảo hiệu quả kinh doanh
Ngày 27-4, Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL, mã chứng khoán: OIL) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023. Đại hội được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của các cổ đông đại diện cho 948.277.458 cổ phần, chiếm tỉ lệ 91,69% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của PVOIL.
Ông Cao Hoài Dương - Chủ tịch HĐQT; ông Đoàn Văn Nhuộm - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và các thành viên HĐQT là ông Lê Văn Nghĩa và ông Trần Hoài Nam điều hành Đại hội.
Tại Đại hội, lãnh đạo PVOIL đã báo cáo kết quả SXKD năm 2022, kế hoạch năm 2023 và các nội dung khác theo quy định.
Các báo cáo trình bày tại Đại hội nêu rõ, trải qua một năm dị thường của thị trường xăng dầu thế giới và trong nước, nhờ nắm bắt tốt cơ hội để tối ưu lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm, đồng thời giảm thiểu thiệt hại trong quý III nên PVOIL đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch SXKD năm 2022. Trong đó các chỉ tiêu quan trọng gồm sản lượng, doanh thu và lợi nhuận đều hoàn thành vượt mức rất xa kế hoạch năm và xác lập các mốc kỷ lục mới.
Cụ thể, năm 2022, sản lượng tiêu thụ toàn hệ thống của PVOIL đạt mức kỷ lục (4.048 ngàn m3/tấn), hoàn thành 129% kế hoạch năm và tăng trưởng 28% so với năm trước; sản lượng kênh bán lẻ tăng 32% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu hợp nhất cả năm đạt 104.833 tỉ đồng, hoàn thành 233% kế hoạch và tăng 80% so với cùng kỳ; trong đó, Công ty mẹ đạt 73.742 tỉ đồng, đạt 273% kế hoạch và tăng 121% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 912 tỉ đồng, đạt 182% kế hoạch; trong đó, Công ty mẹ đạt 657 tỉ đồng, đạt 164% kế hoạch.
Về kế hoạch năm 2023, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, các bất ổn địa chính trị, khiến nhu cầu tiêu thụ không ổn định và giá dầu diễn biến khó lường, PVOIL đặt kế hoạch năm 2023 với Tổng doanh thu hợp nhất 50.000 tỉ đồng; lợi nhuận hợp nhất trước thuế 600 tỉ đồng. Kế hoạch được xây dựng dựa trên dự báo giá dầu là 70 USD/thùng.
PVOIL cũng báo cáo cập nhật kết quả SXKD quý I-2023. Theo đó, tiêu thụ xăng dầu trong quý I tiếp tục giữ được tốc độ tăng trưởng tốt với sản lượng đạt 1.111 ngàn m3/tấn, tăng trưởng 27% so với cùng kỳ, đạt 34% kế hoạch năm. Các chỉ tiêu tài chính đạt kết quả tích cực với tổng doanh thu 19.000 tỉ đồng, đạt 38% kế hoạch năm 2023; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 270 tỉ đồng, đạt 45% kế hoạch năm 2023. Toàn hệ thống phát triển được 31 CHXD, nâng tổng số CHXD đang hoạt động là 685 CHXD.
Sau các báo cáo và tờ trình, Đại hội dành thời gian thảo luận, trao đổi các vấn đề cổ đông quan tâm như: Sản lượng kinh doanh năm 2023 có còn duy trì tốt như năm 2022; Lý do PVOIL xây dựng kế hoạch năm 2023 thấp hơn so với thực hiện năm 2022; Hợp tác với Vinfast đóng góp doanh thu và lợi nhuận thế nào cho PVOIL; PVOIL đánh giá thế nào về sự phát triển của xe điện tại Việt Nam và ứng phó của PVOIL trước xu thế chuyển đổi năng lượng đang diễn ra; Nhận định của PVOIL về việc sửa đổi Nghị định 95/2021/ND-CP; PVOIL dự kiến đưa cổ phiếu lên niêm yết tại HOSE vào thời điểm nào; PVOIL có giải pháp gì để sớm đưa cổ phiếu OIL ra khỏi diện cảnh báo; Kế hoạch phát triển cây xăng 2023; PVOIL có kế hoạch gia tăng số cửa hàng xăng dầu thông qua việc mua lại các cửa hàng xăng dầu nhỏ lẻ đang hoạt động cầm chừng hay không; Triển vọng nhu cầu thị trường xăng dầu trong thời gian tới; PVOIL có nhận định gì về nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong cả nước năm 2023 cũng như trong 5 năm tới...
Ông Cao Hoài Dương - Chủ tịch PVOIL chia sẻ, tăng trưởng sản lượng kinh doanh xăng dầu là yếu tố rất quan trọng đối với PVOIL. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh doanh xăng dầu hiện nay, việc tăng trưởng sản lượng phải song hành với đảm bảo hiệu quả kinh doanh. PVOIL không tăng trưởng bằng mọi giá nên đã đưa ra con số tăng trưởng sản lượng ở mức thận trọng. Năm nay, PVOIL sẽ tăng mua sản phẩm xăng dầu trong nước. Hiện nay, khoảng 70% nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước đến từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (đơn vị thành viên PVN) và Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Tổng khối lượng xăng dầu PVOIL mua từ hai nhà máy lọc dầu chiếm tới 70%-80% tổng nguồn hàng đầu vào của PVOIL, đóng một vai trò rất quan trọng đối với PVOIL. Việc mua xăng dầu từ các nhà máy trong nước có nhiều lợi thế hơn so với việc nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam. Cụ thể, phụ phí mua hàng từ nhà máy lọc dầu trong nước được BSR/PVNDB chào bán trên nguyên tắc phù hợp với thị trường và cạnh tranh với hàng nhập khẩu; khối lượng lô hàng nhận từ các nhà máy lọc dầu trong nước khá nhỏ nên có thể đưa trực tiếp về các kho tiêu thụ và thời gian nhận, đưa hàng về các kho của PVOIL ngắn hơn nhiều so với hàng nhập khẩu. Trong khi đó, khối lượng của 1 lô hàng nhập khẩu thường lớn và không phải kho nào cũng tiếp nhận được, dẫn đến phát sinh thêm chi phi điều chuyển về các kho tiêu thụ. Do vậy, việc mua hàng từ các nhà máy trong nước giúp tiết giảm chi phí và giảm thiểu rủi ro biến động giá khi Nhà nước ngày càng rút ngắn chu kỳ điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước… Dự kiến trong 5 năm tới, PVOIL tiếp tục chú trọng mua xăng dầu sản phẩm từ hai nhà máy lọc dầu trong nước.
Giải đáp câu hỏi của cổ đông về việc doanh thu năm 2022 tăng trưởng cao, nhưng lợi nhuận chỉ tương đương với năm 2021, lãnh đạo PVOIL khẳng định, PVOIL là một trong những điểm sáng trên thị trường kinh doanh xăng dầu năm 2022 khi vượt qua một năm dị biệt, hết sức khó khăn của thị trường. Đặc biệt, từ tháng 9 đến tháng 11-2022, nguồn cung trên thị trường đặc biệt khan hiếm, chi phí nhập khẩu tăng cao, nhiều công ty kinh doanh xăng dầu thua lỗ đến mức phải rút khỏi thị trường, rất nhiều là cây xăng phải đóng cửa. Trong khi đó, với việc triển khai hiệu quả các giải pháp ứng phó và tận dụng tốt lợi thế quan trọng là mắt xích trong chuỗi liên kết giá trị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nên PVOIL đã đảm bảo được nguồn cung trong hệ thống và các khách hàng của mình trong khi vẫn đảm bảo hiệu quả kinh doanh cả năm.
Ông Đoàn Văn Nhuộm - Tổng Giám đốc PVOIL - cho biết, năm 2022, PVOIL phát triển được 54 CHXD và năm nay dự kiến phát triển thêm 58 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng lên tối thiểu là 700 trong năm 2023. Trong chiến lược của mình, PVOIL vẫn tiếp tục kiên định đẩy mạnh triển khai phát triển CHXD để mở rộng thị phần, trong đó mua lại các CHXD là giải pháp đang được đẩy nhanh thực hiện.
Lãnh đạo PVOIL cũng cho biết, PVOIL là một trong những doanh nghiệp quan tâm từ sớm và đi đầu trong thích nghi với sự chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Sau khi ký kết hợp đồng hợp tác với Vinfast, từ tháng 7-2022 đến nay đã có gần 300 CHXD của PVOIL có kết hợp trạm sạc của Vinfast, doanh thu và lợi nhuận đang đóng góp một phần quan trọng trong hoạt động bán lẻ tại các CHXD. PVOIL tiếp tục xem xét mở rộng hợp tác với Vinfast cũng như các đối tác khác để xây dựng trạm sạc tại các CHXD, hướng tới phục vụ đa dạng các đối tượng khách hàng.
Sau khi thảo luận, các cổ đông đã bỏ phiếu điện tử thông qua tất cả báo cáo và tờ trình được trình tại Đại hội với tỉ lệ nhất trí cao. Trong đó, nhằm tích lũy lợi nhuận để thỏa mãn một trong các điều kiện để cổ phiếu PVOIL được chuyển sang niêm yết trên sàn HOSE là "không có lỗ lũy kế" trên Báo cáo tài chính, đồng thời đảm bảo quyền lợi cổ đông, ĐHĐCĐ PVOIL đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận với việc chia cổ tức năm 2022 tỉ lệ 2%.
ĐHĐCĐ cũng đã bỏ phiếu bầu các thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2023-2028. Cụ thể, Đại hội đã bầu 5 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028 gồm: ông Cao Hoài Dương, ông Lê Văn Nghĩa, ông Nguyễn Đăng Trình, ông Trần Hoài Nam và ông Nguyễn Xuân Quyền (thành viên độc lập HĐQT). Bên cạnh đó, HĐQT PVOIL hiện có 2 thành viên HĐQT đương nhiệm là ông Đoàn Văn Nhuộm và ông Nguyễn Mậu Dũng.
Đồng thời, ĐHĐCĐ bầu 3 thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2023-2028 gồm: ông Nguyễn Đức Kện; ông Phạm Thanh Sơn; ông Lê Vinh Văn.
HĐQT và Ban Kiểm soát đã họp và bầu ông Cao Hoài Dương làm Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Đức Kện làm Trưởng Ban Kiểm soát.
Đại diện các thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2023-2028, ông Cao Hoài Dương - Chủ tịch HĐQT PVOIL cảm ơn sự tín nhiệm của cổ đông và cam kết sẽ làm việc trung thực, cẩn trọng, bảo vệ quyền, lợi hợp pháp, chính đáng cao nhất của cổ đông, hỗ trợ Ban điều hành để hoàn thành tốt các nhiệm vụ ĐHĐCĐ giao.