Đại hội đồng LHQ ra tín hiệu và phản ứng của Nga về khủng hoảng Ukraine
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm thứ Tư đã bỏ phiếu với số phiếu chênh lệch lớn về hành động quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine và yêu cầu Moscow ngừng chiến cũng như rút các lực lượng quân sự về nước.
Phiên bỏ phiếu của Nghị quyết trên, được sự ủng hộ của 141 trong số 193 thành viên của hội đồng, đã diễn ra trong một phiên họp khẩn cấp hiếm hoi được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triệu tập.
Một động thái hiếm hoi
Nội dung của nghị quyết là về những hành động căng thẳng của Nga đối với Ukraine. Lần cuối cùng Hội đồng Bảo an triệu tập một phiên họp khẩn cấp của Đại hội đồng như vậy là vào năm 1982, theo trang web của Liên Hợp Quốc.
Nga, Belarus, Eritrea, Triều Tiên và Syria bỏ phiếu phản đối nghị quyết này. Ba mươi lăm thành viên, bao gồm cả Trung Quốc, đã bỏ phiếu trắng.
Không giống như các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các nghị quyết của Đại hội đồng không có tính ràng buộc pháp lý, nhưng chúng có ảnh hưởng trong việc phản ánh quan điểm quốc tế. Theo quy tắc của một phiên họp khẩn cấp đặc biệt, nghị quyết cần có sự chấp thuận của 2/3 số quốc gia bỏ phiếu và số phiếu trắng không được tính.
Sau khi Nga phủ quyết một nghị quyết tương tự tại Hội đồng Bảo an vào ngày 25/2, Ukraine và một số nước khác đã kêu gọi Hội đồng Bảo an chấp thuận triệu tập một phiên họp đặc biệt khẩn cấp - lần đầu tiên kể từ năm 1997 - để cố gắng nêu bật sự phản đối đối với Nga. Trong hơn hai ngày họp trước cuộc bỏ phiếu này, đã có nhiều bài phát biểu từ khoảng 120 quốc gia kêu gọi các bên kiềm chế và giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình.
Nghị quyết nêu rõ rằng các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine đang diễn ra "ở quy mô mà cộng đồng quốc tế chưa từng thấy ở châu Âu trong nhiều thập kỷ và hành động khẩn cấp là cần thiết để cứu thế hệ này khỏi tai họa chiến tranh". Nghị quyết này cũng "thúc giục giải quyết hòa bình ngay lập tức và tái khẳng định cam kết của hội đồng "đối với chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong các biên giới được quốc tế công nhận".
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói với các nhà ngoại giao sau cuộc bỏ phiếu: "Thông điệp của Đại hội đồng được công khai và rõ ràng: Hãy chấm dứt các hành động căng thẳng ở Ukraine - ngay bây giờ. Hãy để những khẩu súng im tiếng - ngay bây giờ. Hãy mở cửa cho đối thoại và ngoại giao - ngay bây giờ".
Đại sứ Nga bác bỏ cáo buộc
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia tiếp tục bác bỏ cáo buộc Moscow đang nhắm mục tiêu vào dân thường và cho rằng các chính phủ phương Tây đang gây sức ép để các thành viên Đại hội đồng thông qua nghị quyết. Nhà ngoại giao Nga cũng khẳng định rằng hành động của Nga là một hoạt động quân sự đặc biệt nhằm chấm dứt các cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào dân thường ở các nước cộng hòa Donetsk và Luhansk tự xưng ở miền đông Ukraine.
Ông Nebenzia cũng cáo buộc các lực lượng Ukraine đang sử dụng dân thường làm lá chắn và triển khai vũ khí hạng nặng trong các khu vực dân sự. "Văn bản này sẽ không hỗ trợ chúng tôi trong việc chấm dứt các hoạt động quân sự. Ngược lại, nó có thể khuyến khích những người cấp tiến ở Kyiv và những người theo chủ nghĩa dân tộc tiếp tục quyết định chính sách của đất nước họ bằng bất cứ giá nào", ông Nebenzia nói.
Ông nói: "Việc bạn từ chối ủng hộ dự thảo nghị quyết hôm nay là một cuộc bỏ phiếu cho một Ukraine hòa bình. Đây là mục đích của hoạt động quân sự đặc biệt của chúng tôi, mà các nhà tài trợ của nghị quyết này đã cố gắng cho rằng chúng là hành động gây hấn".
Về phía Belarus, nước này cho biết sự tham gia duy nhất của Belarus trong tình hình căng thẳng hiện tại là tổ chức các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine, dự kiến tiếp tục diễn ra trong ngày thứ Năm. Đại sứ Belarus tại Liên hợp quốc Valentin Rybakov cũng nói rằng nghị quyết phản ánh "tiêu chuẩn kép" đối với Nga.
Thông tin về việc Trung Quốc bỏ phiếu trắng, đặc phái viên của Bắc Kinh tại Liên hợp quốc Zhang Jun, cho biết nghị quyết đã không tiến hành "tham vấn đầy đủ với toàn bộ thành viên" của Đại hội đồng.
Ông nói: "Nghị quyết này cũng không xem xét đầy đủ về lịch sử và sự phức tạp của cuộc khủng hoảng hiện tại. Nó không nêu bật tầm quan trọng của nguyên tắc an ninh không thể chia cắt, hoặc sự cấp thiết của việc thúc đẩy giải quyết chính trị và đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao và nghị quyết này không phù hợp với các lập trường nhất quán của Trung Quốc".
Trung Quốc cũng cho biết họ sẽ không tham gia vào các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow.
Cho tới nay, Washington và các nước châu Âu đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt đối với Nga, bao gồm các biện pháp nhắm vào Tổng thống Nga Vladimir Putin và ngân hàng trung ương Nga, nhằm buộc nước này thay đổi hành động tại Ukraine.