Đại hội đồng Liên hợp quốc bàn về khí hậu, xóa nghèo đói và cuộc chiến ở Ukraine
Các nhà lãnh đạo toàn cầu đang chuẩn bị bước vào Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc (19-25/9), với hy vọng đưa các mục tiêu của LHQ trở lại đúng hướng nhằm đạt được một thế giới thịnh vượng và công bằng hơn.
Thúc đẩy Các Mục tiêu Phát triển Bền vững
Trước cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hội nghị Thượng đỉnh Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) đã diễn ra từ ngày 18/9 đến 19/9. Đây là một trong những sự kiện nổi bật tại tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc năm nay.
Tại sự kiện kéo dài 2 ngày này, LHQ đã thông qua tuyên bố thúc đẩy kế hoạch đầy hoài bão mà các nước đã ký kết vào năm 2015, nhằm giúp thế giới không còn người nghèo đói vào năm 2030, trong đó có 17 mục tiêu lớn được đề ra.
Trong ngày họp đầu tiên, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Dennis Francis lưu ý rằng bất chấp các cam kết, tính đến năm 2022, 1,2 tỷ người vẫn sống trong cảnh nghèo đói.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết: “Với hành động phối hợp và đầy tham vọng, đến năm 2030, chúng ta vẫn có thể đưa thêm 124 triệu người thoát nghèo và đảm bảo rằng sẽ có ít hơn khoảng 113 triệu người bị suy dinh dưỡng”.
Mỗi mục tiêu trong số 17 mục tiêu đều có các mục tiêu nhỏ, với tổng số là 169 mục tiêu, nhưng Tổng thư ký LHQ cảnh báo rằng hiện chỉ có 15% là đi đúng hướng, trong khi nhiều mục tiêu thậm chí đi ngược lại. Ông nói: “Đó là bản cáo trạng đối với mỗi người chúng ta rằng hàng triệu người đang chết đói trong thời đại ngày nay”.
Cảnh báo về khủng hoảng khí hậu
Công tác chuẩn bị cho đại dịch và khủng hoảng khí hậu cũng sẽ được chú trọng tại cuộc họp. Các chuyên gia đang tiếp tục cảnh báo về cuộc khủng hoảng khí hậu, song những lời kêu gọi hành động đang bị át đi bởi sức ì và bất ổn chính trị.
“Cuộc khủng hoảng khí hậu đang trở nên tồi tệ hơn, nhưng phản ứng chung đang thiếu tham vọng, độ tin cậy và tính cấp bách”, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 mới đây.
Tiến sĩ Astra Bonini tại Phòng Mục tiêu Phát triển Bền vững, cho biết: “Tiến bộ đã bị chậm lại đáng kể trong những năm gần đây. Điều này một phần là do sự kéo dài của đại dịch COVID-19, mức độ xung đột vũ trang cao nhất trên toàn cầu kể từ năm 1945, và các thảm họa liên quan đến khí hậu cũng như lạm phát và chi phí sinh hoạt ngày càng tăng”.
Chẳng hạn, có tới 10 trận lũ lụt nghiêm trọng đã xảy ra trên khắp thế giới chỉ trong vòng 12 ngày của tháng 9, tàn phá và cướp đi sinh mạng ở các quốc gia bao gồm Libya, Hy Lạp và Trung Quốc.
Thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine
Cuộc chiến ở Ukraine tất nhiên cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự. Khoảng 100 nguyên thủ quốc gia và gần 50 người đứng đầu chính phủ dự kiến sẽ phát biểu tại phiên họp cấp cao Đại hội đồng năm nay, gồm cả Tổng thống Ukraine Volodmyr Zelenskyy.
Ngoài ra, các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ triệu tập để thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine vào thứ Tư, trong đó ông Zelenskyy dự kiến cũng sẽ tham dự.
Các nhà phân tích coi các cuộc họp quan trọng tại LHQ lần này là cơ hội để khôi phục Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen cho phép Ukraine, một trong những vựa lúa mì của thế giới, xuất khẩu thực phẩm và phân bón từ ba cảng quan trọng ở Biển Đen.
Sự thất bại trong thỏa thuận đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, khi nó đã giúp cung cấp ngũ cốc cho một số quốc gia mất an ninh lương thực nhất thế giới bao gồm Yemen, Ethiopia và Somalia.
Hoàng Hải (theo LHQ, Reuters, CNA)