Đại hội Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIV: Giải pháp tiếp cận nguồn lực nâng cao hiệu quả công tác Hội

Tham luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIV, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Quảng Bình đã trình bày giải pháp tiếp cận hiệu quả các nguồn vốn để công tác Hội hiệu quả.

Phát huy hiệu quả nhân lực, đẩy mạnh công tác về cơ sở

Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2024-2029, nhiều đại biểu tham dự đã có bài Tham luận để công tác Hội ngày càng phát triển.

Trong đó, Luật gia Nguyễn Xuân Tuyến - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Quảng Bình đã trình bày tham luận "Hội Luật gia Quảng Bình tích cực, chủ động phối hợp với tổ chức, cơ quan tiếp cận các nguồn lực, thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật và hỗ trợ pháp lý".

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2024-2029, được tổ chức trong ngày 13 và 14/1/2025 tại Hà Nội (Ảnh: Hữu Thắng).

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2024-2029, được tổ chức trong ngày 13 và 14/1/2025 tại Hà Nội (Ảnh: Hữu Thắng).

Luật gia Bình cho hay, hiện nay, hệ thống chính sách, pháp luật ở nước ta ban hành khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đã đạt được, công tác này còn có những hạn chế, chưa thật sự đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu của các tổ chức và nhân dân trong thực thi pháp luật.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chủ quan là nhận thức về xã hội hóa công tác (PBGDPL – TVPT&TGPL) chưa thật sự đầy đủ, việc tổ chức thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác còn hạn chế, chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia.

Luật gia Nguyễn Xuân Tuyến - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Quảng Bình (Ảnh: Hữu Thắng).

Luật gia Nguyễn Xuân Tuyến - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Quảng Bình (Ảnh: Hữu Thắng).

Nhận thức rõ về những khó khăn trên, các cấp Hội và hội viên Hội Luật gia tỉnh Quảng Bình đã phát huy vai trò, vị trí và nguồn lực sẵn có với 2.609 hội viên tham gia. Trong đó, với việc thành lập được 61 Chi hội tại các xã, phường để tăng cường hoạt động PBGDPL – TVPT&TGPL theo đúng tinh thần hướng về cơ sở.

Đồng thời, Hội cũng tăng cườngphối hợp tổ chức, cơ quan tiếp cận các nguồn lực, thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật và hỗ trợ pháp lý.

Huy động nguồn lực tài chính

Tuy nhiên, vấn đề nguồn kinh phí cho công tác PBGDPL – TVPT&TGPL Hội từ ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, với các tỉnh không có khả năng cân đối được ngân sách thì việc bố trí kinh phí càng khó khăn hơn.

Với sự nỗ lực của tập thể Hội Luật gia Quảng Bình, giai đoạn 2019 - 2024 Hội Luật gia tỉnh đã tiếp cận được nhiều nguồn vốn của tổ chức nước ngoài, Trung ương và địa phương để phục vụ nhiệm vụ công tác.

Nguyên Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng (ngồi chính giữa), ông Nguyễn Khánh Ngọc - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam (bên phải) và ông Uông Chu Lưu - nguyên Phó Chủ tịch Quốc Hội (ảnh trái) tại đại hội (Ảnh: Hữu Thắng)

Nguyên Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng (ngồi chính giữa), ông Nguyễn Khánh Ngọc - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam (bên phải) và ông Uông Chu Lưu - nguyên Phó Chủ tịch Quốc Hội (ảnh trái) tại đại hội (Ảnh: Hữu Thắng)

Cụ thể, Hội Luật gia tỉnh Quảng Bình đã chủ trì tiếp cận được nguồn tài trợ từ Quỹ thúc đẩy sáng kiến tư pháp (JIFF) thuộc hợp phần của dự án "Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam - EU JULE"; từ Chương trình 585 (Bộ Tư pháp), các đề án, dự án, chương trình của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, Sở Nội vụ,… với số tiền trên 4,3 tỷ đồng.

Qua đó, Hội luật gia tỉnh Quảng Bình chủ trì triển khai các hoạt động, như: Dự án "Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng nông thôn, ven biển và vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Bình thông qua thúc đẩy thực thi pháp luật và các chính sách bảo vệ môi trường"; Dự án "Nâng cao năng lực phổ biến, tư vấn pháp luật trong lĩnh vực đất đai" giai đoạn 2021 - 2023 trên địa bàn tỉnh;

Dự án "Tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ và trẻ em trong khu vực lao động phi chính thức về lao động việc làm và thực thi thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế và giáo dục; ưu tiên phụ nữ, trẻ em nhiễm HIV và có nguy cơ nhiễm HIV",…

Bên cạnh đó, Hội Luật gia tỉnh cũng chủ động đề xuất, đảm nhận các nhiệm vụ phù hợp từ các cơ quan, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể có liên quan như: Tỉnh đoàn, Hội Phụ nữ, Hội vì sự Phát triển của Người Khuyết tật;…

Qua đó, đã tiếp cận được các nguồn lực với 5,7 tỷ đồng để đẩy mạnh các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật và hỗ trợ pháp lý.

Với việc nỗ lực tiếp cận các nguồn lực, Thường trực Tỉnh hội và Trung tâm TVPL của Tỉnh hội đã chủ trì tổ chức 127 hội nghị/lớp tập huấn/ các cuộc giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm/tư vấn pháp luật lưu động…thu hút hơn 9.000 người tham dự.

Các cấp Hội cũng đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền các cấp thực hiện 2.846 buổi tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật cho hơn 241.000 lượt người tham dự.

Đặng Thủy - Hữu Thắng

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dai-hoi-hoi-luat-gia-viet-nam-lan-thu-xiv-giai-phap-tiep-can-nguon-luc-nang-cao-hieu-qua-cong-tac-hoi-204250114110854044.htm