Đại hội VFF khóa 9: Áp lực cho người chiến thắng
Những gì mà nhiệm kỳ trước làm được là tiền đề để khóa 9 (2022-2026) hướng đến thành công, nhưng cũng vì thế chặng đường phía trước cũng đầy áp lực.
Đã tốt…
Như đã nói, thành quả mà nhiệm kỳ thứ 8 VFF làm được cho tới thời điểm chuẩn bị chuyển giao cho khóa mới là rất lớn lao với quá nhiều thành công ở mọi khía cạnh.
Tất nhiên, để đạt được những thành công trong 4 năm qua một phần nhờ vào thành tích mà tuyển Việt Nam, U23 Việt Nam giành được ở mọi đấu trường, nhưng chắc chắn khó phủ nhận nỗ lực từ bộ máy lãnh đạo ở khóa 8.
Nhìn nhận vào từng vị trí lãnh đạo hay các bộ phận chức năng rõ ràng khóa 8 vượt trội hoàn toàn so với trước đây từ tư duy đến vận hành, nói đơn giản chuyên nghiệp và phù hợp với quá trình phát triển của bóng đá Việt Nam.
Tài chính, vận động tài trợ, truyền thông cho tới các bộ phận khác như tổ chức thi đấu, phòng đội tuyển… đã làm tương đối tốt công việc thuộc về chuyên môn của mình để nhiệm kỳ vừa qua xứng đáng nhận lời khen lẫn kỳ vọng.
... cần tốt hơn nữa
Những gì mà BCH khóa 8 làm được rõ ràng là tiền để để nhiệm kỳ kế tiếp hướng đến thành công. Tuy nhiên, không chỉ đơn giản là thành công tương tự mà phải cao hơn nữa.
Yêu cầu và đòi hỏi như thế là rất đỗi bình thường, giống như tuyển Việt Nam sau khi đã vào tới vòng loại thứ 3 World Cup 2022 thì giải đấu kế tiếp bắt buộc phải đặt ra mục tiêu cao hơn để làm động lực phát triển.
Chính vì yêu cầu cao nên chắc chắn áp lực, thách thức dành cho những người coi chiến thắng trước khi đại hội diễn ra như chủ tịch Trần Quốc Tuấn, Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn Trần Anh Tú hay các ứng viên đang chạy đua vào ghế lãnh đạo VFF khóa 9 chẳng nhỏ.
Ví như vị trí Phó chủ tịch tài chính, ông Lê Văn Thành và Nguyễn Trung Kiên ai chiến thắng thì chưa biết, nhưng bắt buộc phải mang về cho VFF nguồn tiền lớn hơn so với khóa 8, thay vì dậm chân tại chỗ.
Cuộc đua còn lại với vị trí Phó chủ tịch truyền thông rõ ràng người đang giữ ghế đương nhiệm là ông Cao Văn Chóng cần làm tốt, xông xáo hơn nữa phần việc mà mình thay vì trông cậy quá nhiều vào phòng truyền thông, vốn đã ổn định, chuyên nghiệp từ trước khi cựu Phó TGĐ VPF về ngồi ghế lãnh đạo.
Hoặc giả như ứng viên Nguyễn Xuân Vũ (chủ tịch CLB Phù Đồng) chiến thắng ghế Phó chủ tịch truyền thông cũng cần thực hiện các tiêu chí có vẻ rất hào nhoáng như đã hứa hẹn khi tranh cử.
Tóm lại, với những gì đã làm được từ khóa trước, nhiệm kỳ kế tiếp áp lực cho người chiến thắng là rất cao để suy cho cùng nếu cảm thấy khó thành công hoặc không hơn được, rút ngay từ lúc này có khi… còn kịp.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dai-hoi-vff-khoa-9-ap-luc-cho-nguoi-chien-thang-2077427.html