Đài Khí tượng thủy văn tỉnh - Nâng cao năng lực dự tính, dự báo để ứng phó hiệu quả trước thiên tai

Trước bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) đang có xu hướng diễn biến rất phức tạp, Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) tỉnh đã không ngừng nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng dự tính, dự báo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Trong đó, giải pháp hàng đầu là tập trung vào chuyển đổi số, chú trọng hiện đại hóa, tự động hóa các hệ thống quan trắc, truyền tin; ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) để rút ngắn thời gian dự báo, tăng độ tin cậy của bản tin về thời tiết, thủy văn. Qua đó góp phần vào việc phòng tránh thiên tai, đảm bảo an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Dự báo viên Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh quan sát các hình thái khí tượng thủy văn.

Dự báo viên Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh quan sát các hình thái khí tượng thủy văn.

Trong bối cảnh thiên tai ngày càng khó đoán định và khốc liệt hơn dưới tác động của BĐKH, những năm gần đây Đài KTTV tỉnh đã tập trung nâng cấp, trang bị, lắp đặt thêm các thiết bị có công nghệ tự động hóa, hiện đại tại các trạm KTTV để đo: mưa, gió, nhiệt độ, độ ẩm, khí áp… Với thiết bị này, dữ liệu được cập nhật chính xác theo thời gian thực, truyền trực tiếp về máy tính của trạm, Đài và của ngành, giúp đội ngũ dự báo viên, quan trắc viên có thể phân tích, đánh giá và đưa ra bản tin kịp thời, chính xác hơn. Đài KTTV tỉnh cũng chủ động tiếp cận, khai thác và tích hợp các mô hình dự báo nghiệp vụ tiên tiến của quốc tế cho khu vực Việt Nam như: GSM (Nhật Bản), GFS (Mỹ), IFS (Trung tâm Dự báo hạn vừa châu Âu - ECMWF)… Ngoài ra, Đài KTTV tỉnh còn sử dụng một số mô hình, sản phẩm như: phần mềm hiển thị ảnh mây vệ tinh phân giải cao tích hợp thêm sản phẩm mô hình dự báo; Radar thời tiết; bản đồ SYNOP thể hiện các yếu tố về khí tượng ở các mực (mặt đất, 850mb, 700mb, 500mb…); các mô hình trong sản phẩm nghiệp vụ của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia (Tổng cục KTTV) về khí tượng. Về thủy văn, Đài KTTV tỉnh sử dụng mô hình MIKE 11, phương trình hồi quy đa biến để dự báo mặn, lũ cho các sông tỉnh Nam Định và các mô hình trong sản phẩm nghiệp vụ của Trung tâm dự báo KTTV quốc gia về dự báo mặn, sóng… Việc đầu tư đồng bộ như vậy giúp tạo một nền tảng dự báo hiện đại, giúp dự đoán chính xác cả hiện tượng KTTV dài hạn, ngắn hạn, yếu tố đặc biệt quan trọng trong công tác chủ động ứng phó thiên tai.

Không chỉ dừng lại ở việc ứng dụng các công nghệ sẵn có, Đài KTTV tỉnh luôn quan tâm, khuyến khích, động viên các cán bộ, viên chức tích cực tham gia công tác nghiên cứu khoa học, không ngừng tìm tòi, học hỏi những công nghệ mới để đưa vào áp dụng trong nghiệp vụ chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc phục vụ công tác phòng, chống thiên tai tại địa phương. Nhiều đề tài, sáng kiến được ứng dụng có hiệu quả trong công tác dự tính, dự báo KTTV như: “Mô phỏng quá trình lan truyền chất, xây dựng phương án cảnh báo, dự báo mặn trên địa bàn tỉnh Nam Định”; “Xây dựng phương án dự báo lượng mưa tháng dựa vào mối quan hệ tương quan trễ giữa lượng mưa tháng và các chỉ số ENSO (SOI, SSTA và ONI); “Xây dựng phương án cảnh báo, dự báo ngập trên địa bàn thành phố Nam Định dựa trên kết quả điều tra thực địa và ứng dụng các phần mềm hỗ trợ trên internet”…

Thực hiện đề tài KHCN cấp tỉnh “Nghiên cứu đề xuất hệ thống cảnh báo, dự báo sớm rủi ro do xâm nhập mặn gây ra tại tỉnh Nam Định”, Đài KTTV tỉnh đã áp dụng kết quả đề tài làm công cụ hỗ trợ cảnh báo, dự báo sớm ngập úng, xâm nhập mặn ứng với mức độ cảnh báo thiên tai cho một số vùng trọng điểm của tỉnh trên nền tảng Web-GIS. Không dừng lại ở phạm vi tỉnh, Đài KTTV tỉnh còn phối hợp với Đài KTTV khu vực đồng bằng và Trung du Bắc Bộ thực hiện đề tài KHCN “Nghiên cứu xây dựng hệ thống cảnh báo ngập úng do mưa lớn dựa trên cách tiếp cận dự báo tổ hợp cho một số đô thị khu vực đồng bằng Bắc Bộ”. Thành phố Nam Định, nơi thường xuyên đối mặt với tình trạng ngập lụt cục bộ khi xảy ra mưa to là một trong những địa bàn được thí điểm ứng dụng kết quả đề tài giúp nâng cao năng lực ứng phó thiên tai đô thị.

Đài KTTV tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh và các cơ quan truyền thông kịp thời truyền phát các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai đến mọi người dân, nhất là ngư dân trên biển và vùng có nguy cơ cao để chủ động phòng, tránh. Đài luôn đảm bảo các bản tin cảnh báo, dự báo được truyền đi “đầy đủ, kịp thời và đủ độ tin cậy” theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng cục KTTV. Từ tin dự báo bằng email, fax, điện thoại, tin nhắn SMS, đến cập nhật trực tiếp tới thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, các sở, ngành liên quan, mọi quy trình đều được chuẩn hóa, đảm bảo thông tin “đến đúng nơi, đúng lúc, đúng người”, từ đó có thể kích hoạt kịp thời các phương án ứng phó thiên tai. Minh chứng rõ nét nhất là trong đợt bão số 3 (Yagi) tháng 9/2024, một cơn bão gây mưa lớn diện rộng và lũ đặc biệt nghiêm trọng tại Nam Định, với đỉnh lũ trên sông Đào đạt mức tương đương lũ lịch sử năm 1971; sông Đáy và sông Ninh Cơ cao hơn lũ lịch sử từ 0,12-0,3m. Lũ đặc biệt lớn đã làm tràn các đê bao, đê bối gây ngập lụt nhiều nơi trong tỉnh. Ngay từ khi bão mới hình thành trên biển (3/9), Đài KTTV tỉnh đã dự báo sớm khả năng mưa lớn kéo dài trước, trong và sau bão, cảnh báo nguy cơ lũ lớn. Các bản tin dự báo được tăng cường 30 phút/lần, chi tiết, kịp thời, sát thực tế, giúp Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời chỉ đạo, lên phương án ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Nhờ đó, thiệt hại về người và tài sản trong đợt thiên tai đặc biệt lớn này đã được giảm thiểu đáng kể.

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, năm 2025, hiện tượng ENSO có xu hướng chuyển về trạng thái trung tính từ tháng 5 đến tháng 10 với xác suất dao động từ 55-90%. Đây là điều kiện dễ phát sinh nhiều hình thái thời tiết cực đoan như nắng nóng kéo dài, mưa lớn cục bộ, bão dồn dập. Dự báo cho thấy trong mùa mưa bão năm nay, khu vực tỉnh Nam Định có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ 2-3 cơn bão; xuất hiện 4-6 đợt nắng nóng, trong đó có những đợt gay gắt, kéo dài; xảy ra khoảng 3-5 đợt mưa lớn diện rộng. Những biến động đó đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác dự báo KTTV tại địa phương. Trước tình hình đó, Đài KTTV tỉnh xác định tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống quan trắc hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng mô hình cảnh báo theo thời gian thực; mở rộng nghiên cứu mô hình tổ hợp dự báo phục vụ hiệu quả công tác dự báo mưa lớn, ngập úng, xâm nhập mặn… Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Đài không ngừng học hỏi, đổi mới tư duy, nâng cao chuyên môn, phát huy tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Mỗi bản tin dự báo không chỉ là kết quả của sản phẩm ứng dụng KHCN mà còn là kết tinh của kinh nghiệm thực tiễn và sự tận tâm của mỗi cán bộ, dự báo viên, quan trắc viên Nam Định. Việc nâng cao năng lực dự tính, dự báo của Đài KTTV đang giúp Nam Định tiếp tục chủ động thích ứng và tăng khả năng chống chịu trước những thách thức khí hậu ngày càng khốc liệt.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202505/dai-khi-tuong-thuy-vantinh-nang-cao-nang-luc-du-tinh-du-baode-ung-pho-hieu-qua-truoc-thien-tai-d535618/