Theo ghi nhận, vào 18h30, trước giờ bắt đầu đại lễ cầu an 30 phút, người dân đổ về khuôn viên chùa Phúc Khánh ngày càng đông nhưng không xảy ra tình trạng ngồi sẵn nhiều giờ để được vị trí đẹp. Nhiều người đến sớm tranh thủ làm công đức, vái lạy Tam Bảo trước giờ làm lễ chính thức diễn ra.
Với quan niệm càng ngồi gần ban Tam Bảo và các sư thầy bao nhiêu, nguyện vọng càng được viên thành bấy nhiêu nên người dân ưu tiên ngồi phía trong gian thờ Phật, Thánh Mẫu cùng các vị cao tăng công đức vô lượng ở chùa.
Đúng 19h, khuôn viên chính của chùa Phúc Khánh đã chật kín người ngồi. Theo sự chỉ dẫn của nhân viên bảo vệ, nhiều người vẫn có được chỗ ngồi ổn định, không phải chen lấn, xô đẩy dù đến muộn.
Người dân ngồi nhiều vòng bao quanh đình, chắp tay cầu khẩn, hướng mắt về phía Tổ Đình để nghe giảng đạo, cầu kinh.
Chị An cùng con gái (Hà Nội) đến dự khóa lễ muộn 30 phút nên đành ngồi xổm để hành lễ do lượng người quá đông.
Nhiều người mua kinh tại chùa để đọc và hiểu rõ hơn nội dung mình đang niệm cùng các sư thầy.
Đến chùa cầu an cùng chị gái vào lúc gần 19h, Huyền Trang (quận Thanh Xuân) cho biết: “Mình cũng thường hay đi chùa. Tuy nhiên năm nay mình thấy số lượng người không còn đông đúc, chen lấn như mọi năm nên cảm thấy khá thoải mái”.
Nhân tiện đến cầu an tại chùa Phúc Khánh, bà Vũ Thị Phương Thụy đã công đức đúc tượng vua Phật hoàng Trần Nhân Tông với mong muốn tích được nhiều phước, lộc cho gia đình. “Vì đặc biệt mai là rằm tháng Giêng nên tôi đến chùa để niệm phật, cầu quốc thái dân an”, bà nói.
Vào 20h05, buổi đại lễ kết thúc, trời bắt đầu đổ mưa phùn, người dân nhanh chóng đứng dậy ra về nên tình trạng chen lấn nhẹ xảy ra.
Nhiều người dân khi ra về cảm thấy vui vẻ khi được phát “lộc” vì quan niệm mang lộc ở chùa về sẽ giúp gia đình có nhiều may mắn.
Nhận được 4 món quà từ chùa về cho gia đình có 4 người, chị Thủy (quận Cầu Giấy) cảm thấy vui và cho biết: “Đây thật sự là những món quà đáng trân trọng vì xuất phát từ lòng thành. Về nhà tôi sẽ tặng cho mỗi người một cái”.
Thụy Trang