Đại lễ cầu Quốc thái dân an và Đêm hội Hoa Đăng Ninh Bình 2022

Nằm trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội Hoa Lư năm 2022, tối ngày 6/4, tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Ninh Bình đã long trọng tổ chức Đại lễ cầu Quốc thái dân an và đêm hội Hoa đăng, kỷ niệm 1054 năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, lập nên Nhà nước Phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam - nước Đại Cồ Việt.

Hàng năm, cứ vào dịp đầu tháng 3 Âm lịch, những người con đất Việt ở khắp muôn nơi và du khách thập phương lại nô nức tụ hội về vùng đất Cố đô Hoa Lư ngàn năm văn hiến, để tham dự lễ hội Hoa Lư, kính lễ chư vị Tiên Đế, các bậc tiền bối hữu công và ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, từ đó nhằm giáo dục truyền thống, bồi dưỡng niềm tự hào dân tộc, hun đúc ý chí vươn lên và nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với quê hương đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Đại lễ cầu Quốc thái dân an và Lễ hội Hoa đăng được tổ chức tại Khu di tích Cố đô Hoa Lư.

Đại lễ cầu Quốc thái dân an và Lễ hội Hoa đăng được tổ chức tại Khu di tích Cố đô Hoa Lư.

Tham dự buổi lễ có Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương - Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình cùng nhiều đại biểu thuộc giáo hội Phật giáo Việt Nam, các giáo hội Phật giáo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cùng hàng ngàn phật tử, du khách thập phương.

Về phía đại diện tỉnh Ninh Bình có bà Nguyễn Thị Thu Hà - Bí thư Tỉnh ủy; ông Phạm Quang Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lê Văn Kiên - Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQVN tỉnh,... cùng đại diện các sở, ban, ngành và người dân trong tỉnh.

Các đại biểu đại diễn lãnh đạo tỉnh Ninh Bình.

Các đại biểu đại diễn lãnh đạo tỉnh Ninh Bình.

Lễ hội Hoa Lư cũng là một lễ hội truyền thống để tôn vinh vị anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh đã xây dựng kinh đô Hoa Lư, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt và mở đầu thời kỳ độc lập, thống nhất lâu dài của người Việt suốt các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần.

Đây là một nghi thức quốc gia có từ thời Lý, do đích thân vua chủ trì, với tên gọi lễ hội đèn Quảng Chiếu, nhằm tạo mối liên hệ gần gũi giữa Triều đình và nhân dân qua các sinh hoạt văn hóa tâm linh, khẳng định vị thế của quốc gia, dân tộc, nêu cao tinh thần từ bi bác ái, uống nước nhớ nguồn, mong muốn đem lại những điều tốt đẹp nhất cho cuộc sống của người dân.

Đông đảo người dân có mặt tham dự Đại lễ cầu Quốc thái dân an tại Khu di tích Cố đô Hoa Lư.

Đông đảo người dân có mặt tham dự Đại lễ cầu Quốc thái dân an tại Khu di tích Cố đô Hoa Lư.

Tiếp nối truyền thống văn hóa tốt đẹp của cha ông, lễ hội hoa đăng đã trở thành nghi lễ truyền thống tại lễ hội Hoa Lư. Hàng năm, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ hội hoa đăng để các tăng ni, phật tử, nhân dân trong tỉnh hiểu rõ hơn về lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc, tưởng nhớ công lao của Đinh Tiên Hoàng đế và các bậc tiền nhân.

Đại diện lãnh đạo tỉnh cùng giáo hội Phật giáo thực hiện nghi thức dâng hương

Đại diện lãnh đạo tỉnh cùng giáo hội Phật giáo thực hiện nghi thức dâng hương

Từ đó, tiếp tục khơi dậy truyền thống yêu nước, truyền thống lịch sử cho thế hệ hôm nay và mai sau, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tại buổi lễ, các đại biểu và hàng trăm tăng ni, phật tử cùng du khách đã làm lễ niệm hương cầu nguyện cho các Anh hùng liệt sỹ qua các thời kỳ đấu tranh dựng nước và giữ nước được siêu thoát. Đồng thời cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhân dân được an khang, thịnh vượng.

Sau các nghi thức tưởng niệm, các đại biểu và người dân đã thực hiện nghi thức thả đèn hoa đăng trên sông Sào Khê.

Sau các nghi thức tưởng niệm, các đại biểu và người dân đã thực hiện nghi thức thả đèn hoa đăng trên sông Sào Khê.

Đức Nguyên - Phương Mai

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/dai-le-cau-quoc-thai-dan-an-va-dem-hoi-hoa-dang-ninh-binh-2022-post441140.html